Như đã nhắc đến ở phần giới thiệu tổng quan về công cụ Stress Test, đưa kế hoạch và ý kiến chủ quan của người hoạch định vào mô hình đánh giá cho ra kết quả theo mục đích đề ra, là đặc tính vượt trội của phương pháp này. Đặc biệt đối với hệ thống ngân hàng, khu vực hoạt động dựa trên lòng tin của người tiêu dùng luôn
cần phải đảm bảo rằng tiềm lực tài chính của mình lúc nào cũng đủ khả năng hấp thụ các cú sốc để tránh mắc sai lầm dù chỉ một lần. Chương trình đánh giá kiểm soát vốn là chương trình vượt trội trong vấn đề đó, có khả năng xem xét mối tương quan giữa tiềm lực tài chính của ngân hàng và diễn biến phức tạp của kinh tế vĩ mô. Sự phức tạp của nền kinh tế vĩ mô ở đây được hiểu là biến động thường sẽ ít có mối liên hệ trong quá khứ. Một phần là do xảy ra các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng và đột ngột lên nền kinh tế, mặc khác có thể do chính sách Chính phủ hoặc các cơ quan ban ngành đưa ra nhằm thực hiện một mục tiêu nào đó, kết quả là kéo theo sự biến đổi của các nhân tố khác. Ngoài ra, đối với các thị trường mới nổi, việc dự đoán chính xác dựa trên các mô hình thống kê là rất khó khăn, đòi hỏi cần nhiều đánh giá và kinh nghiệm của người phân tích. Vì vậy kết quả đưa ra thường sẽ có một độ tin cậy và dao động trong một khoảng nhất định. Stress Test cho phép xây dựng kịch bản và cho ra kết quả ứng với mỗi kịch bản đó.
Đối với các NHTM, chương trình đánh giá kiểm soát vốn cho thấy một bức tranh tổng thể hơn về các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt trong giai đoạn căng thẳng, cách xác định giá trị rủi ro cũng như nguồn lực được sử dụng để hấp thụ chúng. Ứng với mỗi rủi ro mà mô hình đề cập, chương trình đều gắn sự biến động vĩ mô vào báo cáo tài chính của từng ngân hàng và từ đó xác định mức thiệt hại có thể có. Thông thường kịch bản chuẩn sẽ được xây dựng dựa trên kế hoạch trong tương lai của cơ quan điều hành, còn kịch bản xấu hơn sẽ là các sai lệch trong kế hoạch đã được dự báo đó, tùy vào từng nhân tố cụ thể mức sai lệch có thể khác nhau dựa trên mối tương quan của nó đến mục tiêu quan trọng nhất mà các cơ quan này muốn hướng đến.
Có thể thấy bước đầu tiên của chương trình luôn là xây dựng kịch bản vĩ mô, và đương nhiên kịch bản vĩ mô được xây dựng này phải liên quan đến các rủi ro đang được xem xét. Với rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá, đơn giản là xem xét sự biến động của lãi suất và tỷ giá trong một năm sắp tới, nhưng đối với rủi ro tín dụng và rủi ro liên ngân hàng, mô hình không chỉ xem xét các nhân tố vĩ mô mà còn các nhân tố vi mô thuộc về đặc trưng từng ngân hàng để xác định. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và chỉ vừa mới hội nhập sâu rộng trong những năm gần đây, cơ sở dữ liệu sơ cấp được thống kê còn hạn chế. Do đó, khi dự đoán tỷ lệ NPL để xác định PD sẽ
là khá khó khăn khi chỉ sử dụng số liệu của các biến vĩ mô. Sự kết hợp giữa biến vĩ mô và biến đặc trưng ngân hàng sẽ giúp tập hợp số liệu được mở rộng hơn khi sử dụng dữ liệu hỗn hợp (kết hợp giữa dữ liệu thời gian và dữ liệu chéo). Mặt khác, NPL là tỷ lệ nợ xấu đặc trưng cho từng ngân hàng, nó không chỉ chịu ảnh hưởng chung bởi các tác nhân hệ thống mà còn phải phụ thuộc vào đặc tính và tiềm lực của từng ngân hàng. Có như thế kết quả đưa ra mới phù hợp với từng ngân hàng riêng lẻ, giúp cho việc đánh giá trở nên không quá cứng nhắc mà thay vào đó sẽ khách quan và linh hoạt hơn.
Không những thế với rủi ro liên ngân hàng, chương trình còn xem xét đánh giá tác động qua lại giữa các NHTM với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Đây cũng là một trong những rủi ro rất quan trọng vì hoạt động giữa các NHTM thường có mối liên kết khá chặt chẽ. Các ngân hàng không chỉ hoạt động với thị trường tự do mà còn tìm kiếm các cơ hội thông qua thị trường liên ngân hàng. Đánh giá tác động của rủi ro này có thể giúp các ngân hàng thận trọng hơn trong các giao dịch, cũng như có thể bảo vệ hệ thống không bị sụp đổ khi có một NHTM nào lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính.
Ngoài ra, các loại hình rủi ro mà ngân hàng gánh chịu dường như ít thay đổi nhiều qua thời gian, đặc biệt là mà chương trình tính đến là những rủi ro dài hạn của ngân hàng nên chỉ thay đổi chủ yếu về mặt giá trị, hơn nữa rủi ro mà chương trình đang xem xét đánh giá là những rủi ro dài hạn của ngân hàng. Biết được các đối tượng chịu tác động có thể xác định các nhân tố ảnh hưởng lên chúng dựa trên các mô hình được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả sử dụng của mô hình trong việc dự đoán là hữu hiệu. Từ đó tập trung hơn trong việc dự đoán các biến tác động và đưa ra kết quả cuối cùng sát với thực tế nhất.
Đối với các cơ quan điều hành, sau khi đánh giá giá trị rủi ro từng ngân hàng có thể phải đối mặt, cơ quan điều hành sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về toàn bộ hệ thống, đánh giá sát với thực trạng và đưa ra các hành động thiết thực. Cụ thể, các cơ quan giám sát có thể so sánh đối chiếu kết quả dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau như quy mô ngân hàng, mức độ nợ xấu và các tiêu chí khác. Từ đó, xây dựng các nhóm ngân hàng để có các hành động phù hợp với mỗi nhóm. Việc phân loại và đưa
ra các tác động riêng lẻ cho mỗi nhóm không chỉ giúp đạt hiệu quả cao hơn mà còn giúp đánh giá tác động đó có đúng đắn không, cần có sự điều chỉnh như thế nào để đạt được kết quả như mong muốn.
Do đó chương trình đánh giá kiểm soát vốn không chỉ được sử dụng bởi các cơ quan giám sát để thực hiện đánh giá tình hình thực trạng toàn hệ thống mà còn cung cấp cho các ngân hàng một chương trình chung, rõ ràng và minh bạch. Chương trình không chỉ giúp các ngân hàng có thể chủ động tính toán mức độ chịu đựng của mình, mà còn là công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu. Với các chính sách vĩ mô định hướng được đưa ra, các ngân hàng có thể xem phản ứng của mình với các chính sách đó như thế nào, cần có các hành động nào để điều chỉnh và giảm thiểu rủi ro, đó cũng là một trong những phương pháp tăng cường khả năng chịu đựng của các NHTM, bên cạnh các phương pháp khác sẽ được đề cập trong phần cuối của bài nghiên cứu.
KẾT LUẬN PHẦN 3
Phần 3 ngoài cung cấp câu trả lời chi tiết nhất về thế nào là Stress Test, ta còn được biết cụ thể chương trình Stress Test đang được thực hiện như thế nào ở các nước trên thế giới. Một quy trình Stress Test hoàn chỉnh cần phải có các bước tiến hành sau:
- Thứ nhất, xây dựng kịch bản kinh tế vĩ mô.
- Thứ hai, đưa sự biến động của môi trường vĩ mô vào báo cáo tài chính của ngân hàng, để xác định mức giá trị tổn thất từ rủi ro thị trường và rủi ro tín dụng. Sau đó, mức giá trị rủi ro này sẽ được hấp thụ bởi lợi nhuận ròng của mỗi ngân hàng. Nếu mức lợi nhuận mà ngân hàng hiện có không đủ để đáp ứng các rủi ro tiềm tàng này thì các ngân hàng này bị buộc phải giảm luôn cả tỷ lệ vốn tối thiểu của mình.
- Thứ ba, sau khi xác định tỷ lệ vốn tối thiểu hiện có đã được điều chỉnh, các ngân hàng sẽ tiếp tục tính rủi ro liên ngân hàng với nhau dựa trên tỷ lệ vốn tối thiểu đó. Và mức rủi ro này phải tiếp tục được hấp thụ bởi nguồn lực của ngân hàng.
- Cuối cùng, tỷ lệ vốn CAR sau khi được trừ đi các khoản lỗ tiềm tàng từ rủi ro trong tương lai của ngân hàng sẽ được sử dụng làm mức vốn yêu cầu tối thiểu của ngân hàng. Từ đó dựa vào quy định của Chính phủ đối với toàn hệ thống và từng nhóm ngân hàng khác nhau, các ngân hàng đang có sự thiếu hụt sẽ phải xây dựng phương án gia tăng khả năng chịu đựng của mình. Và phương án đó phải được đánh giá là hiệu quả dựa trên thẩm định của các cơ quan giám sát.
Chương trình Stress Test không chỉ hữu ích cho các NHTM và còn phục vụ có mục đích điều hành của NHNN. Đối với NHTM, đây được xem là công cụ quản lý rủi ro hiệu quả của các ngân hàng, giúp các ngân hàng có cái nhìn toàn diện hơn về hiện trạng của mình, giúp xây dựng các kế hoạch tương lai để các rủi ro nghiêm trọng có thể xây ra trong tương lai không ảnh hưởng lớn đến hoạt động bền vững của ngân hàng. Ngoài ra khi công bố chương trình quản trị rủi ro này, các NHTM còn giúp nâng cao lòng tin của nhà đầu tư và người dân hơn. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng phát triển mạnh về chiều rộng, nhà đầu tư lại càng có nhiều sự lựa chọn đa dạng thì đây được xem là một chiến lược tiên phong và đúng đắn, nhằm thu hút sự quan tâm của người dân và các nhà đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác. Đối với NHNN, dựa vào kết quả Stress Test của các ngân hàng, NHNN sẽ có cái nhìn toàn diện hơn hệ thống trung gian tài chính ở Việt Nam, từ đó đưa ra các chính sách phát triển phù hợp và đồng nhất nhằm nâng cao bức tường an ninh cho toàn hệ thống.
PHẦN 4
ĐO LƯỜNG KHẢ NĂNG CHỊU ĐỰNG RỦI RO KINH TẾ CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM