Ổn định nền kinh tế, chính trị
Một trong những nhân tố thu hút các nhà đầu tư và tài trợ của một quốc gia đó là tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ổn định. Chính phủ nên có các biện pháp ổn định các điều kiện vĩ mô sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và nhà tài trợ yên tâm hoạt động. Đồng thời, môi trường kinh doanh tốt cũng giúp người vay cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực nông thôn nói riêng đầu tư vào các dự án có khả năng tạo công ăn việc làm cao, góp phần tăng thu nhập và giảm đói nghèo. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến quyết định cho vay các của các PFI tham gia Dự án.
Chính phủ có vai trò quyết định trong các mối quan hệ với các nhà tài trợ. Việc phát triển và mở rộng quan hệ với các nhà tài trợ sẽ có ảnh hưởng lớn tới chất lượng và khối lượng tài trợ từ các nhà tài trợ quốc tế. Chính phủ cần xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao với các nhà tài trợ quốc tế để tăng lượng vốn cam kết dành cho Việt Nam. Cần ủng hộ mạnh mẽ các chương trình vận động vốn cho các dự án tín dụng của ngành Ngân hàng, chỉ đạo các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với NHNN và ngân hàng cho vay trong việc chuẩn bị, xây dựng và triển khai các dự án tín dụng của ngành. Chính phủ cũng cần mở rộng định hướng việc quản lý và sử dụng vốn tài trợ cho các dự án trực tiếp sinh lời và cho vay theo cơ chế thương mại như các Dự án TCNT. Việc này rất quan trọng vì sẽ đảm bảo khả năng trả nợ nguồn vốn vay ODA của quốc gia về lâu dài.
Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng ODA qua ngân hàng bán buôn
Hiện nay tại Việt nam chỉ có dự án TCNT và VNSAT là dự án duy nhất được giải ngân qua mô hình bán buôn và được WB và các Bộ Ban ngành đánh giá cao, bằng chứng là việc trả nợ gốc và lãi đúng hạn, với tỉ lệ nợ quá hạn bằng 0. Có thể lý giải điều này là nguồn vốn dự án được giao cho NHTM quản lý, tách biệt người quản lý vốn và người sử dụng vốn. Ngoài ra ngân hàng bán buôn được lựa chọn (BIDV/SGD3) là đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm nên việc quản lý vốn dự án an toàn và mang lại hiệu quả cao.
Do đó, Chính phủ cần xem xét đánh giá đầy đủ hiệu quả quản lý vốn dự án ODA thông qua BIDV để duy trì và nhân rộng mô hình này đối với các dự án ODA khác như các dự án điện, cấp nước, nước sạch nông thôn... từ đó xem xét để thành lập ngân hàng bán buôn nguồn vốn ODA. Điều này sẽ giúp sử dụng hoạt động ngân hàng bán buôn như một công cụ truyền tải chính sách và định hướng phát triển kinh tế quy mô vừa và nhỏ gắn với các chính sách xã hội. Đồng thời, Chính phủ cần sớm nghiên cứu xây dựng ban hành qui định về quản lý vốn ODA
thông qua ngân hàng bán buôn nhằm tăng hiệu quả quản lý vốn ODA góp phần phát triển kinh tế đất nước.
4.3.3. Đối với Ngân hàng Nhà nước
NHNN với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự hỗ trợ cần thiết bằng các hình thức tranh thủ sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế, tổ chức hội thảo hoặc các khóa học cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nghiệp vụ để cung cấp các kiến thức về lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm trong nước liên quan đến tổ chức hoạt động và quản lý các nguồn vốn được tài trợ.
NHNN cần xúc tiến mạnh mẽ công tác vận động tài trợ cho các Dự án của ngành Ngân hàng, hình thành chiến lược huy động nguồn vốn được tài trợ bởi các tổ chức tài chính quốc tế và cần phải có chính sách phát triển ở cấp ngành và hợp lý nhất là giao cho một vụ chức năng của NHNN đảm nhận (Vụ Quan hệ Quốc tế). Đồng thời, NHNN cần thiết kế cơ chế trao đổi thông tin giữa Ngân hàng bán buôn và các vụ chức năng của NHNN thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Liên ngành của các Dự án nhằm có được các thông tin cảnh báo sớm từ NHNN tới Ngân hàng bán buôn vì NHNN có đầy đủ hơn nguồn thông tin về hoạt động của các NHTM tham gia Dự án. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các NHTM phối hợp chặt chẽ với SGD 3 trong việc giải ngân để rút ngắn thời gian giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các dự án Tín dụng quốc tế, coi đây là một nhiệm vụ chung của ngành ngân hàng là góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xoá đói giảm nghèo.