quốc tế của NHTM
Qua phân tích trên, việc đánh giá mức độ phát triển của dịch vụ cho vay ODA có thể được hiểu là sự mở rộng về quy mô đồng thời gia tăng chất lượng dịch vụ cho vay nguồn vốn ODA như sự gia tăng về số lượng, chất lượng về doanh số giải ngân, về dư nợ, số lượng người vay lại… Tuy nhiên ODA là một nguồn vốn đặc biệt, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, nên khi đánh giá cần cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Trong khuôn khổ luận văn, tác giả đưa ra quan điểm đánh giá mức độ phát triển dịch vụ nguồn vốn tín dụng quốc tế tại BIDV dựa trên một số chỉ tiêu chính như sau:
1.4.1. Tỉ lệ hoàn thành các chỉ tiêu đầu ra chủ yếu của dự án (KPI)
Việc đảm bảo Dự án đến thời điểm kết thúc đạt được tỉ lệ hoàn thành cao đối với các kết quả đầu ra của Dự án cho thấy khả năng quản lý và sử dụng vốn Dự án tốt của ngân hàng bán buôn làm cơ sở tiếp tục vận động nguồn vốn mới đầu tư cho nền kinh tế. Đối với mỗi Dự án, theo các thời kì khác nhau, tại từng nước nhận tài trợ khác nhau sẽ có các kết quả đầu ra khác nhau. Các kết quả đầu ra của Dự án thường được tập hợp tại bảng các chỉ số hoạt động chủ chốt (còn gọi là KPI – Key Performing Index) với các mục tiêu đạt được cụ thể, ví dụ: số lượng ngân hàng bán lẻ được lựa chọn tham gia dự án, lũy kế giải ngân dự án, số lượng người vay, tỉ lệ nợ quá hạn, số lượng việc làm tăng thêm…
1.4.2. Tỉ lệ đáp ứng chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của NHTM tham gia dự án
Hiệu quả hoạt động của NHTM tham gia dự án có thể được xem xét thông qua các tiêu chí lựa chọn của nhà tài trợ đối với các NHTM tham gia dự án. Khi tham gia dự án ODA, năng lực của các NHTM được các nhà tài trợ đánh giá qua việc đáp ứng các tiêu chí lựa chọn nhất định, có thể được kể đến như: khả năng thanh toán, tính thanh khoản, khả năng sinh lời và hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực … Bộ các chỉ tiêu này được đánh giá cho cả ngân hàng bán buôn và ngân hàng bán lẻ tham gia dự án, và sẽ được sử dụng trong suốt vòng đời dự án để đảm bảo sức khỏe của các ngân hàng tham gia dự án.
1.4.3. Doanh số cho vay và tỉ lệ sử dụng nguồn vốn của các NHTM
Doanh số cho vay thể hiện quy mô tuyệt đối của hoạt động tín dụng, còn tốc độ tăng doanh số thể hiện khả năng mở rộng quy mô và hình thức cho vay qua các thời kỳ. Doanh số cho vay lớn và tốc độ cho vay tăng nhanh cho thấy khả năng hoạt động cho vay lại vốn vay ODA. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện chứ chưa thể khẳng định hiệu quả hoạt động cho vay lại vốn vay ODA mà cần phải kết hợp nghiên cứu, phân tích các chỉ tiêu khác.
1.4.4. Khả năng thu hồi nợ gốc và lãi các khoản cho vay
Khả năng thu hồi nợ gốc và lãi các khoản cho vay được đánh giá thông qua việc trả nợ gốc, lãi đầy đủ cũng như tỉ lệ nợ quá hạn thấp tại dự án. Chỉ tiêu này được đánh giá cho cả ngân hàng bán buôn dự án và ngân hàng bán lẻ tham gia dự án. Đối với ngân hàng bán buôn, việc thu nợ gốc, lãi đầy đủ và tỉ lệ nợ quá hạn thấp phản ánh hiệu quả lựa chọn và cấp hạn mức tín dụng cho các PFI, đồng thời vừa thể hiện hiệu quả tín dụng bán buôn của ngân hàng đầu mối.
1.4.5. Thu nhập của ngân hàng bán buôn
Thu nhập từ hoạt động cho vay vốn ODA của ngân hàng đầu mối đến từ khoản phí bán buôn trích từ lãi cho vay các ngân hàng bán lẻ. Do đây là các Dự án tín dụng phát triển, không vì mục đích lợi nhuận, nên khoản phí này thường chỉ có mục tiêu giúp ngân hàng bán buôn đủ bù đắp chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro phát sinh khi thực hiện dự án. Với việc quản lý tốt việc cho vay và thu nợ từ các PFI, đây có thể xem như là nguồn thu nhập ổn định của ngân hàng bán buôn.
1.4.6. Tính bền vững của dự án
Tính bền vững của dự án được xem xét như một chỉ tiêu đảm bảo dự án có tác dụng tích cực đến các đơn vị thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng liên quan ngay cả sau khi kết thúc Dự án. Có thể bao gồm:
- Sự tuân thủ các văn bản pháp luật và hướng dẫn của nhà tài trợ trong tổ chức hoạt động, triển khai các hoạt động của Dự án, liên quan đến các hoạt động giải ngân tín dụng, tuân thủ các hướng dẫn đấu thầu mua sắm, tư vấn, đào tạo nhằm tăng cường năng lực thể chế cho các ĐCTC trong cấu phần phi tín dụng.
- Thay đổi nhận thức trong hoạt động cho vay vốn dự án: ví dụ đối với dự án do WB tài trợ, các biên bản cam kết bảo vệ môi trường là tài liệu không thể thiếu trong mỗi hồ sơ vay, và việc kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay định kì luôn kèm với việc kiểm tra các cam kết bảo vệ môi trường của người vay. Điều này được thực hiện thường xuyên và liên tục cho thấy nhận thức của các cán bộ tín dụng và
người vay vốn đều có sự cải thiện, đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh đi liền với việc bảo vệ môi trường.