3.4. Đánh giá chung về dịch vụ cho vay vốn dự án ODA tại SGD3
3.4.1. Kết quả đạt được
i. Xây dựng mô hình ngân hàng bán buôn phù hợp
Với gần 20 năm thực hiện mô hình ngân hàng bán buôn trong dự án TCNT mà trong đó có 17 năm mô hình này được triển khai tại SGD3 đã cho thấy mô hình
này là phù hợp đối với những quốc gia như Việt Nam và phù hợp với ngân hàng thương mại như BIDV. Mô hình ngân hàng bán buôn đã tách bạch rõ ràng giữa bán buôn và bán lẻ với mô hình tổ chức phù hợp và đội ngũ chuyên nghiệp làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ và các Nhà tài trợ ngay từ giai đoạn đầu chuẩn bị dự án sẽ đảm bảo nội dung dự án được xây dựng đáp ứng nhu cầu nhà tài trợ và phù hợp với điều kiện Việt Nam từ đó tạo thuận lợi cho giai đoạn thực hiện dự án về sau.
Thông qua việc thực hiện Dự án TCNT, BIDV đã xây dựng được một Ban QLDA đặt tại SGD3, một đơn vị của hệ thống, với cơ cấu tổ chức đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của WB được qui định tại các Hiệp định Tài trợ và là mô hình chuẩn của WB cho các Dự án tín dụng bán buôn, tuân thủ các qui định của Chính phủ về quản lý và thực hiện các dự án vay vốn ODA.
Đồng thời, trong quá trình triển khai, SGD3 cũng đã tích cực chủ động đề xuất, xây dựng các văn bản pháp lý liên quan làm cơ sở thực hiện sử dụng và quản lý nguồn vốn Dự án TCNT có hiệu quả. Các văn bản này vừa là sự tổng hợp từ các văn bản hướng dẫn của WB vừa phải phù hợp với các quy định của Việt Nam về quản lý và sử dụng vốn ODA, như xây dựng các Sổ tay chính sách, Sổ tay hoạt động của Dự án, các Hướng dẫn thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm trong Tiểu cấu phần cấp phát 5 triệu USD…
Việc triển khai thành công chuỗi 3 Dự án TCNT (và hiện nay đang thực hiện dự án VNSAT) của WB đã củng cố thêm sự hiệu quả về mô hình ngân hàng bán buôn tại SGD 3. Điều đó cho thấy sự phù hợp của mô hình ngân hàng bán buôn các dự án ODA tại ngân hàng thương mại, làm cho đồng vốn ODA được triển khai hiệu quả hơn với cơ chế thương mại.
ii.Cải thiện năng lực quản lý rủi ro các dự án tín dụng quốc tế
Năng lực quản lý rủi ro trong mô hình kinh doanh bán buôn của SGD3 đã được cải thiện rõ nét, đặc biệt trong giai đoạn 2012-2013, khi hệ thống tài chính
ngân hàng Việt Nam thực hiện tái cơ cấu và cả nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ của khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Trải qua các biến cố bất lợi của nền kinh tế vĩ mô thời gian vừa qua, Dự án đã được SGD3 kiểm soát và hạn chế thông qua: (i) quản lý chặt chẽ việc lựa chọn, cấp hạn mức cho các PFI, (ii) bổ sung điều chỉnh tiêu chí lựa chọn PFI, (iii) phân tích đánh giá tình hình tài chính của PFI định kỳ, và (iv) điều chỉnh công thức tính dự phòng rủi ro và công thức tính lãi suất.
Với việc lựa chọn PFI, các biện pháp được thực hiện bao gồm: (i) lên kế hoạch lựa chọn và cấp hạn mức tín dụng từng quý, (ii) điều chỉnh hạn mức tín dụng, cắt giảm, thậm chí dừng cấp nếu có dấu hiệu rủi ro cao, (iii) đưa ra các biện pháp ứng xử hàng quí (iv) thường xuyên báo cáo WB các kế hoạch hành động; và (v) chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để có được thông tin trước từ cơ quan thanh tra giám sát đối với các PFI bị kiểm soát đặc biệt để thu hồi vốn trước, không để tình trạng bị động trong xử lý. Có thể lấy ví dụ như các trường hợp: hợp nhất ba ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín nghĩa thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn; trường hợp Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội sáp nhập với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội; trường hợp Ngân hàng TMCP Đại Tín chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; trường hợp Ngân hàng TMCP Phương Tây bị Công ty tài chính Dầu khí mua và chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank)... Các trường hợp này SGD3 đã sát sao theo dõi việc chuyển đổi pháp nhân mới của các ngân hàng trên, và áp dụng biện pháp dừng giải ngân kịp thời, theo dõi thu hồi nợ.
Việc bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí lựa chọn PFI cũng được tiến hành thường xuyên, nhằm đảm bảo bám sát tình hình diễn biến thực tế và thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Thông tư 13/2010 do NHNN ban hành đã điều chỉnh yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tăng từ 8% lên 9% đã được SGD3 áp dụng đưa vào tiêu chí lựa chọn PFI.
Đồng thời, SGD3 liên tục tổ chức các khóa đào tạo về quản lý rủi ro, phân tích tài chính NHTM, phân tích và đánh giá dự án, khảo sát nước ngoài về mô hình quản trị ngân hàng hiện đại, đảm bảo các cán bộ của SGD3 được trang bị kiến thức và kinh nghiệmvề quản lý rủi ro trong mô hình bán buôn. SGD3 đã chủ động xây dựng hệ thống phần mềm quản lý dự án, tiên phong ứng dụng phương pháp xác định xác suất vỡ nợ theo chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro của Basel 2 để ước tính xác suất rủi ro của các PFI, từ đó đưa ra luận cứ thuyết phục NHNN phê duyệt mức trích lập dự phòng rủi ro của Dự án là 2% (theo thông báo 3813/NHNN- TTGSNH ngày 22/6/2012), thay vì mức 0,75% (theo Thông tư 02/2013- NHNN).Quỹ dự phòng rủi ro này được trích từ một phần khoản phí bán buôn mà SGD3 được hưởng.
iii. Cải thiện khả năng quản lý tài chính dự án
Năng lực quản lý tài chính, kiểm soát dự án của SGD3 được cải thiện với việc thành lập riêng bộ phận quản lý tài chính dự án trong phòng Tài chính Kế toán. Để giải ngân một khoản vay đến người vay vốn cuối cùng, trên cơ sở hồ sơ đề xuất của PFI, phòng Thẩm định dự án sẽ kiểm soát, thẩm định lại một lần nữa, sau đó, chuyển xuống phòng Kế toán để làm thủ tục bồi hoàn cho PFI, thời gian tính từ khi PFI gửi hồ sơ đến lúc PFI nhận được bồi hoàn là 03 ngày đối với khoản vay ngắn hạn và 08 ngày đối với khoản vay trung dài hạn.
Việc quản lý tài chính của Dự án được tách bạch về dòng tiền của dự án so với các nguồn vốn khác, có hệ thống tài khoản riêng, giám sát dòng tiền riêng. Với hệ thống phần mềm quản lý Dự án tự động, SGD3 có thể Quản lý dự án một cách độc lập so với việc quản lý tài chính của SGD3 do toàn bộ hệ thống thông tin kế toán, mẫu biểu báo cáo, số liệu được chiết xuất riêng, nhanh gọn chính xác, tùy theo mục đích quản lý, kiểm soát của Dự án.
Hàng năm, SGD3 tự trích kinh phí hoạt động thực hiện Báo cáo kiểm toán độc lập. Báo cáo kiểm toán độc lập không phát hiện ra các sai sót trọng yếu nào liên quan đến tài chính trong quá trình thực hiện các Dự ánTCNT của SGD3.
iv. Tăng cường khả năng quản lý, giám sát Dự án
Việc kiểm tra, giám sát khoản vay được đặc biệt chú trọng quan tâm, với mục đích: Đảm bảo tính tuân thủ các quy định của Dự án (các tiêu chuẩn hợp lệ), Kiểm tra các số liệu do các ĐCTC cung cấp; Đánh giá tiến độ thực hiện dự án tại các định chế và xác định các vấn đề tồn tại (nếu có), nhằm kịp thời có biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh, Đánh giá tác động kinh tế xã hội của các tiểu dự án được lựa chọn.nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, đảm bảo Dự án giải ngân đúng tiến độ, đúng mục đích.
Song song với việc kiểm tra trên hồ sơ, SGD3 còn chủ động xây dựng một kế hoạch kiểm tra, giám sát tại chỗ, thường xuyên cử các đoàn cán bộ đến kiểm tra, đối chiếu hồ sơ tại PFI, thậm chí đến thăm cơ sở kinh doanh của người vay vốn cuối cùng. Hiện nay có tổng số 29 PFIs đang vay vốn Dự án TCNT, vốn của Dự án được triển khai tại 60 tỉnh/thành phố. Hàng quý, SGD3 đã cử các đoàn kiểm tra thực địa tại khoảng 3-4 chi nhánh PFI ngẫu nhiên trong số các PFI tham gia Dự án, căn cứ trên dư nợ Dự án. Các đợt kiểm tra luôn đảm bảo phát huy vai trò, trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát của mỗi PFI và đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác và minh bạch trong việc thu thập và xử lý thông tin về kết quả hoạt động kiểm tra giám sát có đề xuất và kiến nghị xử lý.
Tóm lại, với mô hình ngân hàng bán buôn hoạt động có hiệu quả và không ngừng hoàn thiện, phát triển, SGD3- BIDV đã liên tục được nhà tài trợ WB và các bộ ngành tin tưởng giao thực hiện các Dự án ODA với điều kiện triển khai ngày càng khó khăn, phức tạp tăng lên về kỹ thuật, thể hiện rõ ở các điều kiện ngày càng chặt chẽ hơn đối với từng Dự án TCNT 1, TCNT2, TCNT3 và gần đây nhất là dự án VNSAT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ dự án. Kết quả
này cũng khẳng định dịch vụ bán buôn nguồn vốn tín dụng quốc tế đang ngày càng phát triển tại BIDV – chi nhánh SGD3 và có tác động lan tỏa không nhỏ tới hệ thống ngân hàng.