1.4. Kinh nghiệm cho vay dự án nước sạch nông thôn ở một số quốc gia
1.4.1. Thực tiễn cho vay dự án nước sạch nông thôn ở một số quốc gia
Ở Indonesia: Việc tư nhân hóa doanh nghiệp cung cấp nước sạch ở thủ đô Jakarta đã được lên kế hoạch từ tháng 6 năm 1991 nhưng đến 2003 mới được hiện thực hóa rõ ràng. Năm 1997, trong con số 190 triệu Dola mà Worldbank cho Indonesia vay, WB đã đề nghị trích ra 92 triệu Dola để nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt và đưa vào sử dụng các cơ sở cung cấp nước sạch ở Pulogadung, Jakarta. WB đồng thời chỉ định những nhà tư vấn cho việc quản lý nguồn nước tại các doanh nghiệp này. Khoản vay đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia vào thị trường cung cấp nước sạch ở Jakarta. 70% nguồn nước của người dân Jakarta lấy từ các giêng khoan trong lòng đất dần được thay thế bằng nguồn nước sạch được cung cấp từ những doanh nghiệp nước sạch ở địa phương. Từ đó cho thấy, việc tư nhân hóa doanh nghiệp cung cấp nước sạch ở thủ đô Jakarta – Indonesia đã mang lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội.
Ở Bangladesh: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã đồng ý khoản vay 250 triệu Dola để mở rộng diện tích phủ sóng các nhà máy cung cấp nước
và tăng cường chất lượng của nguồn nước tới 11 triệu người ở Dhaka - thủ đô của Bangladesh vì thủ đô này đang trong giai đoạn phát triển nhanh về dân số. Norio Saito (2016) phát biểu rằng: “Thành phố này đang gặp vấn đề rất lớn về nhu cầu sử dụng nước sạch so với tỷ lệ gia tăng dân số mạnh và quan ngại sâu sắc về trữ lượng nước đang giảm rất nhanh. Sự giúp đỡ của ADB sẽ giúp cho các doanh nghiệp cung cấp nước ở Dhaka làm tăng chất lượng và số lượng, cũng như tìm ra các nguồn nước sạch mới, giúp giảm áp lực cho những nguồn nước hiện hành”. Với dự án cho vay này thì ADB có thể cung cấp vốn cho một nhà máy xử lý nước cung cấp 500 triệu lít nước một ngày, và trong tương lai dự án có thể giúp nâng lượng nước sạch cung cấp ở Dhaka lên 1,9 tỷ lít vào năm 2021. Mục tiêu của dự án là cung cấp nước 24/24 đến tất cả các hộ gia đình được lắp đặt đường ống trong 6 vùng dịch vụ của Dhaka và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước khoan từ lòng đất.
Ở Philippines: Người dân ở thủ đô Malina đến năm 2016 vẫn sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn nước từ hệ thống cung cấp nước sạch của thành phố gồm một nhà máy sản xuất nước sạch thủ đô và hai doanh nghiệp phân phối vì thế sự thiếu thốn nguồn nước sạch là không tránh khỏi đối với người dân địa phương. Nhà máy sản xuất nước sạch thủ đô đã tồn tại 75 năm và đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn nhận được khó khăn đó, vào tháng 3 năm 2016, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã đồng ý cho Philippines vay số tiền 123,3 triệu Dola để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch tại thủ đô Malina – Philippines. Theo đó, Malina sẽ thực hiện tư nhân hóa nguồn cung nước sạch bằng việc hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong địa phương có khả năng sản xuất và phân phối nước sạch. Mục tiêu của dự án là đến năm 2021, thủ đô Malina sẽ thực hiện tư nhân hóa thành công nguồn cung nước sạch của toàn thành phố, và người dân địa phương sẽ được sử dụng nước sạch từ các doanh nghiệp mới, hiện đại.
1.4.1.2. Tại một số ngân hàng thương mại trong nước
Thời gian qua, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý công trình nước sạch nông thôn tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh thành; đồng thời có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư công trình nước sạch nông thôn, tăng cường tiếp cận, thẩm định các dự án để đầu tư, cho vay. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa ngân hàng và doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tín dụng thuận lợi và các ngân hàng có sự gắn kết, nắm bắt thông tin kịp thời về doanh nghiệp nước sạch. Sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng thương mại trên thời gian qua cũng có vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp thực hiện các dự án nước sạch nông thôn mới giải quyết những khó khăn về vốn.
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thônViệt Nam là ngân hàng thương mại luôn đi đầu trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vì thế ngân hàng đã thực hiện việc khơi thông nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nước sạch nông thôn từng bước hiệu quả. Thực hiện chủ trương xã hội hóa nước sạch nông thôn của nhà nước, thời gian qua ngân hàng luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dự án nước sạch nông thôn. Ngân hàng thành lập các tổ dự án, cử cán bộ trực tiếp đi tham quan, nghiên cứu về một số dự án nước sạch nông thôn ở các tỉnh thành, ngân hàng nhận thấy tính khả thi và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là tương đối cao bởi nhu cầu nước sạch của người dân ngày càng tăng. Thực tế một số khách hàng vay vốn của Ngân hàng hiện đang sản
xuất, kinh doanh hiệu quả và chấp hành tốt những quy định của Ngân hàng, có nhiều doanh nghiệp đã trả hạn vốn định kỳ đầy đủ, đúng thời hạn.
Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam là một trong những ngân hàng thực hiện rất tốt chính sách tăng trưởng tín dụng linh hoạt theo từng thời kỳ, giải quyết hiệu quả tình trạng thừa vốn hay tăng trưởng tín dụng nóng nhờ việc nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn khách hàng, tăng cường các biện pháp quản lý tín dụng, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Nhờ đó, Vietinbank có quy mô tín dụng tăng trưởng bình quân hàng năm trên 30%, đáp ứng được các nhu cầu vốn hợp lý của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vietinbank luôn đề cao và chú trọng tìm hiểu các dự án nước sạch với quy mô lớn, đáp ứng nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời bằng việc kí kết các hợp đồng tín dụng với quy mô hàng trăm – hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công thương - chi nhánh Thái Bình đã cam kết cho vay 19 dự án nước sạch nông thôn mới của Công ty cổ phần Bitexco Nam Long nhận chuyển nhượng từ chương trình mục tiêu quốc gia và World Bank, tổng số tiền cam kết cho vay trên 250 tỷ đồng, bình quân 13 tỷ đồng/ dự án; đã giải ngân khoảng 180 tỷ đồng; dư nợ khoảng 170 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB) được đánh giá là một trong những ngân hàng nhanh nhạy về thị trường khi triển khai gói sản phẩm, dịch vụ tài trợ vốn cho các dự án đầu tư công trình cấp nước sạch phục vụ cộng đồng dân cư nông thôn với nhiều ưu đãi khác nhau. Các doanh nghiệp có dự án đáp ứng đủ các điều kiện được phép đầu tư bao gồm có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có giấy phép khai thác và sử dụng nước dưới đất hoặc giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt tùy vào quy mô và kỹ thuật của dự án theo quy định của pháp luật… có thể tham gia vay vốn tại NCB theo chương trình này. Dựa trên phương án khai thác và kinh doanh thực tế
của doanh nghiệp, NCB sẽ tiến hành đánh giá tính khả thi và hiệu quả của dự án để đưa ra quyết định đầu tư. Các dự án được tài trợ bao gồm dự án xây dựng mới công trình cấp nước sạch, dự án cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch mà doanh nghiệp được nhà nước chuyển giao quyền sở hữu, quản lý và khai thác và các dự án cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch mà doanh nghiệp nhận lại từ chủ đầu tư trước theo quy định của pháp luật. NCB nhận tài sản bảo đảm là tài sản của toàn bộ dự án bao gồm cả tài sản hiện hữu và tài sản hình thành trong tương lai như quyền sử dụng đất; nhà máy, nhà xưởng, nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà ăn, nhà kho, bể chứa và các công trình xây dựng khác, trạm biến áp, trạm bơm, máy móc thiết bị, đường ống… và các hạng mục khác thuộc dự án. Tham gia vay vốn tại NCB cho các dự án đầu tư nước sạch nông thôn, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức cho vay tối đa lên tới 70% tổng mức đầu tư của dự án với phương thức cho vay và thời hạn cho vay linh hoạt phù hợp cho từng dự án cụ thể. Mặc dù vừa mới khai trương chi nhánh tại Thái Bình ngày 18/10/2016 nhưng NCB rất tích cực tham gia nhiều cuộc họp kết nối ngân hàng và doanh nghiệp nước sạch của tỉnh Thái Bình để tiếp cận khách hàng, và ngân hàng đã tham gia kí kết đối tác chiến lược với Hiệp hội nước sạch tỉnh Thái Bình với tổng hạn mức dư nợ tín dụng dự kiến cung cấp đạt tới 500 tỷ đồng.