Trong quy trình tín dụng, bước chuẩn bị cho vay là bước quan trọng nhất, tức là khách hàng nộp hồ sơ xin vay vốn còn ngân hàng xem xét để quyết định cho vay hay không. Đây là bước có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng, vì đây là cơ sở định lượng rủi ro trong quá trình cho vay. Do vậy, ngay từ ban đầu các cán bộ ngân hàng phải thực hiện tốt các nội dung quy trình tín dụng, phải có biện pháp sàng lọc khách hàng ngay từ bước đầu tiên này. Bên cạnh đó, hầu hết các khách hàng đến vay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp này có năng lực tài chính ở mức trung bình, việc lập phương án vay còn nhiều thiếu xót chưa đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng nên công tác thẩm định và kiểm tra càng cần phải chú ý nhiều hơn. Có như thế mới có thể lựa chọn được những khách hàng tốt và loại bỏ được những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn.Từ đó giảm được rủi ro tiềm ẩn trong ngân hàng, đồng thời nâng cao được chất lượng hoạt động tín dụng. Trong quy trình tín dụng, đối với ngân hàng ngoài bước xem xét quyết định cho vay thì khâu giải ngân và kiểm soát sau giải ngân cũng quan trọng không kém và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Thứ nhất, liên quan đến khâu giải ngân: Việc giải ngân theo đúng quy trình tín dụng của ngân hàng sẽ giảm thiểu tối đa những thiệt hại gây ra nếu khách hàng phát sinh quá hạn. Thực tế Ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc mất khả năng thu hồi vốn vay mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến khâu giải ngân, đặc biệt là khâu hoàn thiện quy trình về tài sản đảm bảo, số tiền mất vốn lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Do đó, quy trình giải ngân của ngân hàng phải được tiến hành chặt chẽ và do một bộ phận tách biệt với bộ phận kinh doanh thực hiện. Theo đúng tiêu chuẩn quy trình quốc tế mà nhiều ngân hàng TMCP đang theo đó là đưa toàn bộ bộ phận giải ngân lên Hội sở quản lý và thực hiện giải ngân, như vậy bộ phận hỗ trợ sẽ là một bộ phận độc lập, có chức năng kiểm soát lại toàn bộ các quy trình thẩm định có đúng quy định không? giải ngân có đúng theo điều kiện của thông báo phê duyệt không?…do đó sẽ quản lý tập trung và giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Tuy nhiên, quy trình thực hiện giải ngân tập trung cần phải được cải tiến hơn nữa về mặt thủ tục, hồ sơ trọng yếu…như vậy mới rút ngắn được thời gian xử lý hồ sơ, đảm bảo kịp thời giải ngân cho khách hàng.
Thứ hai, liên quan đến khâu kiểm soát sau giải ngân: Sau giải ngân là thời gian tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh nợ quá hạn do những nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan từ phía khách hàng. Do đó MB chi nhánh Mỹ Đình cần phải kiểm soát chặt chẽ và hoàn thiện các quy trình liên quan đến kiểm soát sau giải ngân bao gồm cả tài chính của khách hàng và thông tin về tài sản đảm bảo. Việc thực hiện báo cáo nợ quá hạn hàng ngày, hàng tuần, định kỳ 3 tháng/lần đánh giá lại tài sản đảm bảo hoặc định kỳ 3 tháng/lần xếp hạng tín dụng lại khách hàng…một cách nghiêm túc cũng là một trong những biện pháp MB chi nhánh Mỹ Đình nên thực hiện.