Nghiên cứu về thảm thực vật, hệ thực vật ở tỉnh Quảng Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm cơ bản của một số kiểu thảm thực vật tại xã kỳ thượng, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh​ (Trang 33 - 35)

Chương 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.6. Nghiên cứu về thảm thực vật, hệ thực vật ở tỉnh Quảng Ninh

Công trình nghiên cứu về thảm thực vật và hệ thực vật ở Quảng Ninh còn ít và chủ yếu là kết quả nghiên cứu của những năm gần đây.

Nguyễn Thế Hưng, Hoàng Chung (1995) [28] khi nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái, sinh vật học của savan Quảng Ninh và các mô hình sử dụng đã phát hiện được 60 họ thực vật khác nhau với 131 loài.

Nguyễn Thế Hưng (2003) [29] đã thống kê trong các trạng thái thảm thực vật ở huyện Hoành Bồ, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) có 324 loài, 251 chi và 93 họ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch. Tác giả cũng xác định được dạng sống thực vật trong các trạng thái ở Hoành bồ (Quảng Ninh) gồm: nhóm cây chồi trên đất chiếm 60,49% tổng số loài của hệ thực vật; nhóm cây chồi sát đất chiếm 8,02%; nhóm cây chồi nửa ẩn chiếm 13,27%; nhóm cây chồi ẩn chiếm 7,47%; nhóm cây 1 năm chiếm 10,80%.

Phùng Văn Phê, Trần Minh Hộ, Nguyễn Thành Trung (2006) [49] khi nghiên cứu tính đa dạng thực rừng đặc dụng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra những số liệu quan trọng. Hệ thực vật ở đây đã được ghi nhận 711 loài, 427 chi, 154 họ thuộc 4 ngành. Trong đó, ngành Hạt kín (Angiospermae) chiếm ưu thế với 670 loài, 398 chi và 133 họ. Thực vật ở rừng đặc dụng Yên Tử có tất cả các kiểu dạng sống khác nhau. Trong đó sự ưu thế thuộc về nhóm cây có chồi trên đất (Ph), chiếm 84,29% tổng số loài đã biết. Về giá trị sử dụng có 547 loài cây có

ích, với 13 nhóm công dụng khác nhau. Rừng đặc dụng Yên Tử có 20 loài thực vật bị đe doạ tiêu diệt, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) và 6 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cần được ưu tiên bảo tồn.

Phan Thanh Lâm (2016) [34] khi nghiên cứu tính đa dạng thực vật và cấu trúc rừng tại rừng Quốc gia Yên tử đã mô tả và phân tích đặc điểm thảm thực vật, các chỉ số đa dạng sinh học, sự biến đổi thực vật theo đai cao, đồng thời xác định được 987 loài, 174 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó đã bổ sung 2 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam.

Đỗ Xuân Trường (2016) [70] khi nghiên cứu tính đa dạng thực vật cây gỗ tại khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, đã đưa ra kết luận: hệ thực vật cây gỗ của khu BTTN này có 375 loài thuộc 211 chi, 73 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch.

Nguyễn Thế Hưng, Hoàng Văn Hải, Lê Ngọc Công, Đỗ Thị Hà (2017) [30] nghiên cứu đặc điểm cấu trúc thảm thực vật trên núi đá vôi Cẩm phả đã đưa ra nhận định: cấu trúc tổ thành của thảm thực vật núi đá vôi Cẩm Phả tương đối phức tạp, các loài ưu thế không rõ ràng. Trung bình có 3-5 loài tham gia vào cấu trúc tổ thành, chỉ số IVI% dao động từ 20,8-71%, cấu trúc N/D1.3 và N/Hvn của thực vật thung lũng núi đá vôi ổn định, không gián đoạn, tương quan Hvn và D1.3 không chặt chẽ…

Vũ Thị Thanh Hương (2017) [32] nghiên cứu đặc điểm thảm thực vật thoái hóa và một số mô hình rừng trồng ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã xác định được các mức độ thoái hóa khác nhau như rừng IIA, thảm cây bụi (IC, IA) và thảm cỏ cao, giữa các thảm thực vật này có sự khác biệt về thành phần, mức độ ưu thế của các loài, tỷ lệ các loài cây gỗ, độ che phủ, cấu trúc không gian và đặc điểm tái sinh của các loài cây gỗ…

Như vậy, có thể thấy chưa có công trình nào nghiên cứu về đặc điểm của thảm thực vật ở xã Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh). Vì vậy, đây là lý do cần thiết để chúng tôi thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ này, nhằm cung cấp những tư liệu góp phần bảo vệ và phát triển bền vững thảm thực vật ở địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm cơ bản của một số kiểu thảm thực vật tại xã kỳ thượng, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh​ (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)