Đặc điểm kinh tế xã hội vùng nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm cơ bản của một số kiểu thảm thực vật tại xã kỳ thượng, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh​ (Trang 45 - 48)

Chương 2 ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.2. Đặc điểm kinh tế xã hội vùng nghiên cứu

3.2.1. Dân số, dân tộc

Kỳ Thượng là một xã miền núi thuộc huyện Hoành Bồ, có diện tích tự nhiên 9.780,16 ha, dân cư phân bố theo triền núi và chia làm 3 thôn, 6 bản, với 146 hộ dân và 674 nhân khẩu. Đặc biệt, 100% dân số của xã là người dân tộc Dao. Người dân Kỳ Thượng chủ yếu sống bằng nghề nông, điều kiện kinh tế của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều. Ngoài ra, phong tục tập quán ở các thôn, bản còn nhiều lạc hậu, nhất là nhận thức về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình còn hạn chế. Do đó, công tác y tế trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn.

3.2.2. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp

Kỳ Thượng là xã nghèo vùng cao, miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Kinh tế của nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp và trồng rừng.

- Ngành nông nghiệp:

+ Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng trong cả năm đạt 121 ha, trong đó diện tích gieo trồng lúa vụ chiêm đạt 22,5 ha. Tổng diện tích gieo trồng trong vụ mùa là 29,5 ha. Vì vậy, thu nhập hàng năm về trồng trọt của người dân là khá thấp.

+ Chăn nuôi: Tổng đàn trâu 65 con, bò 89 con, dê 33 con; lợn 471, đàn gà 5.450 con, thu từ chăn nuôi đạt 625 triệu đồng. Do không có bãi chăn thả nên nhân dân chuyển đổi sang trồng rừng.

- Ngành lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng trồng trong năm 139,6 ha; tổng diện tích khai thác gỗ rừng trồng 56 ha = 2.201m3; chủ yếu là cây keo và quế, củi 685m3. Thu từ lâm nghiệp 2.193 triệu đồng. Trong đó cây Keo đem lại nguồn thu chính cho người dân trong xã.

3.2.3. Giao thông

Những năm gần đây được tỉnh đầu tư vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm xã đều là đường bê tông, đường nhựa, việc đi lại và vận tải hàng hóa thuận lợi. Phong trào xây dựng nông thôn mới được thực hiện đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

3.2.4. Giáo dục, y tế

- Giáo dục: Công tác giáo dục tiếp tục được các cấp quan tâm chỉ đạo,

chất lượng giảng dạy và học tập được cải thiện rõ rệt. Xã Kỳ Thượng chưa có trường THPT, có 1 trường THCS với 114 học sinh, 1 trường Mầm non với 80 cháu, tỷ lệ các cháu đến trường học đạt 100%. Công tác xã hội hoá giáo dục phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Hình thành nhiều mô hình giáo dục như: Mẫu giáo tư thục, trung tâm giáo dục cộng đồng nhằm đa dạng hoá các loại hình giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân.

- Y tế: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức

khoẻ nhân dân, tập thể cán bộ Trạm y tế xã Kỳ Thượng đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác. Với biên chế 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, nhiều năm qua trạm đã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người; trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh và tiêm phòng đủ 6 liều vắc xin; phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ được khám thai và tiêm phòng uốn ván…; Công tác xã hội hoá y tế và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, giám sát dịch bệnh cũng được triển khai tích cực.

* Nhận xét và đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến thảm thực vật KVNC

* Những yếu tố thuận lợi :

- Xã Kỳ Thượng thuộc địa bàn quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, do đó tài nguyên rừng được bảo vệ, hạn chế rất nhiều các vụ khai thác trái phép gỗ, chặt phá rừng lấy đất trồng trọt so với trước đây.

- Xã Kỳ Thượng thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa có nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm khá thuận lợi cho cây trồng nông nghiệp và thảm thực vật rừng phát triển.

- Xã Kỳ Thượng là xã vùng cao, được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường giao thông, các dự án xóa đói giảm nghèo, cho người dân vay vốn và hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi…nên đời sống từng bước được cải thiện, làm giảm bớt áp lực khai thác tài nguyên rừng.

* Những yếu tố khó khăn:

- Xã Kỳ Thượng là xã vùng cao, có 100% đồng bào là dân tộc Dao, trình độ nhận thức còn hạn chế, đất trồng lúa ít, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, một bộ phận thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng với săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản trái phép là nguồn thu chủ yếu.

- Tập quán lâu đời của người dân là chặt phát rừng lấy đất làm nương, rãy. Thói quen thả trâu, bò tự do trong rừng có khi hàng tháng trời mới đi tìm trâu, bò về.

- Điều kiện thời tiết mùa đông thường có rét đậm, rét hại, sương muối…, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông lâm nghiệp (trồng rừng, cây trồng nông nghiệp, chăn nuôi…).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm cơ bản của một số kiểu thảm thực vật tại xã kỳ thượng, huyện hoành bồ, tỉnh quảng ninh​ (Trang 45 - 48)