THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA LÀNG NGHỀ Ở VIỆT NAM
2.1. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA LÀNG NGHỀ Ở VIỆT NAM
Làng nghề Việt Nam có từ lâu đời với các nghề tiêu biểu là hàng TCMN, đã gắn liền với những tên làng, tên phố. Nhiều làng nghề đã được ghi danh trong lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam. Làng nghề Việt Nam hình thành và phát triển khắp nước với hàng nghìn làng nghề nổi tiếng. Các làng nghề thủ công tuy qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn lưu giữ được tinh hoa của con người và vùng đất với hàng nghìn loại sản phẩm đóng góp cho kinh tế, văn hóa Việt Nam.
Theo tài liệu lịch sử, ngay từ thế kỷ thứ nhất, nghề dệt đã xuất hiện, tiếp đó là các nghề rèn, đúc, khảm trai, sơn mài, đan lát mây tre... Từ cuối thế kỷ thứ X, nghề dệt chiếu đã thịnh hành, nghề chạm bạc đã xuất hiện từ thế kỷ 17. Đến thời nhà Lý - Trần, nghề thủ công Việt Nam phát triển rực rỡ. Một số sản phẩm đã đi vào văn minh dân tộc, trong đó phải kể đến nghề gốm (gốm Chu Đậu); chạm khắc gỗ, đá; dệt tơ lụa; đúc đồng; kim hoàn....
Đến thời nhà Lê - Mạc, các làng nghề thủ công tiếp tục phát triển ổn định với đội ngũ thợ giỏi nghề. Cũng tại thời điểm này, các làng nghề chuyển tới kinh thành Thăng Long để tạo nên các phố nghề vẫn được lưu truyền tới ngày nay...
Tiếp đến thời nhà Nguyễn, vai trò của làng nghề trở nên rất quan trọng. Các địa phương có làng nghề phát triển mạnh nhất là Thăng Long, Hà Đông, Sơn Tây, Kinh Bắc... Ngoài nghề gốm, dệt đã khẳng định được, các nghề khác đã hình thành như cơ khí, khai mỏ...
Thời Pháp thuộc, người Pháp nhìn nhận thấy tiềm năng của TTCN Việt Nam nên đã tiến hành điều tra và đầu tư phát triển một số ngành hàng.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, Nhà nước đánh giá cao vai trò của làng nghề và đưa ra nhiều chính sách phát triển thích hợp. Nhờ đó, đến năm 1960, làng nghề được phục hưng và phát triển mạnh, xuất khẩu sang Đông Âu. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, làng nghề và TTCN vẫn phát triển mạnh. Hàng TCMN xuất khẩu tới nhiều nước và đỉnh cao là những năm 1970. Năm 1975, toàn miền Bắc có 4.000 cơ sở sản xuất thủ công nghiệp với hơn 800.000 lao động, giá trị sản lượng chiếm 31,4% sản lượng công nghiệp toàn quốc.
Vào những năm 1980, sản xuất làng nghề và TTCN sa sút, mất dần thị trường. Năm 1991, cả nước chỉ còn 2.700 cơ sở TTCN. Sự sụp đổ của Đông Âu và Liên xô cũng làm mất đi thị trường truyền thống của TCMN Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận với hơn 100 tuổi trải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Nếu tính cả những làng nghề chưa được công nhận thì con số sẽ rất lớn. Ví dụ tỉnh Hà Tây, hiện chỉ mới công nhận gần 200 làng trên tổng số 972 làng có nghề.
Miền Bắc có nhiều làng nghề nhất, chiếm hơn 70% tổng số làng nghề cả nước. Các địa phương có nhiều làng nghề là Hà Tây, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang...
Ở miền Bắc, Hà Tây là tỉnh có nhiều làng nghề nhất nước, gần 200 làng nghề được công nhận với khoảng 200.000 lao động. Giá trị sản xuất của các làng nghề năm 2005 đạt khoảng 2.300 tỷ đồng. Theo số liệu của Sở Công nghiệp Hà Tây, tỉnh có 972/1.300 làng có nghề. Tiếp theo là Thái Bình (159 làng), Ninh Bình (78 làng), Hải Dương (72 làng), Bắc Ninh (66 làng), Hà
Nam (49 làng), Vĩnh Phúc (48 làng), Hà Nội (44 làng), Nam Định (43 làng), Hưng Yên (42 làng) và Hải Phòng (24 làng).
Ở miền Trung, đứng đầu là tỉnh Quảng Nam có 66 làng nghề, tiếp đến là Bình Định 19 làng, Phú Yên 11 làng, Quảng Ngãi 11 làng… Trong đó đáng chú ý là tỉnh Quảng Nam, các làng nghề thu hút khoảng 20.000 lao động trực tiếp.
Ở Nam bộ, An Giang là tỉnh có nhiều làng nghề nhất với 70 làng, tiếp theo là Đồng Tháp (31 làng), Tây Ninh (25 làng), Cần Thơ (24 làng), Cà Mau (20 làng), Bình Thuận (19 làng), T.p Hồ Chí Minh (12 làng)…18
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện có khoảng 32% số làng nghề phát triển tốt, 42% làng nghề hoạt động cầm chừng, 26% làng nghề còn lại hoạt động kém và đang có nguy cơ mai một.