THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA LÀNG NGHỀ Ở VIỆT NAM
2.3.3. Cơ sở vật chất
Điều kiện tiên quyết để nâng năng lực sản xuất là nhà xưởng. Nhà xưởng là nơi diễn ra toàn bộ hoạt động sản xuất nếu nhà xưởng không thuận lợi sẽ kìm hãm sản xuất phát triển. Chất lượng sản xuất (sản phẩm, năng suất) tốt
hay xấu phụ thuộc nhiều vào mặt bằng nhà xưởng. Thực tế, mặt bằng sản xuất là thách thức lớn đối với làng nghề trong hội nhập. Mặc dù các địa phương đã cố gắng xây dựng KCN, CCN làng nghề nhưng mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu.
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, T.p Hồ Chí Minh, Bình Dương đang chịu áp lực về mặt bằng sản xuất cho làng nghề. Ở Hà Tây, nhiều doanh nghiệp làng nghề do không có đủ đất sản xuất đã phải di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, di chuyển sản xuất không phải là vấn đề đơn giản và chỉ những DN có tiềm lực mới thực hiện được, số còn lại do ít vốn đành phải chấp nhận.
Mặt bằng sản xuất làng nghề vừa nhỏ vừa manh mún, chắp vá gây khó khăn cho sản xuất. Khảo sát làng nghề may Cổ Nhuế (Hà Nội) với 600 cơ sở sản xuất nhưng trung bình mỗi cơ sở chỉ rộng 1.500 m2, dẫn tới nhiều công đoạn sản xuất không được thực hiện tập trung mà ở nhà của người lao động, đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất. Nhà xưởng manh mún còn trở ngại đầu tư công nghệ mới, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tiến tiến. Ví dụ khi muốn áp dụng ISO 9001/2000 hoặc quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm phải sắp xếp lại quy trình sản xuất - chỉ thực hiện được khi có mặt bằng đủ tiêu chuẩn. Mặt bằng sản xuất đã là cái áo chật đối với phát triển làng nghề.
Về trình độ công nghệ, làng nghề cũng rất lạc hậu và không đồng bộ, khó đáp ứng điều kiện của sản xuất hiện đại. Đối với làng nghề, sản xuất bằng thiết bị, máy móc mới chỉ dừng ở vài công đoạn và giảm bớt sức người, chưa đồng bộ. Các làng nghề cơ khí có trình độ công nghệ tương đối cao, nhưng sức người vẫn chiếm trên 50%, máy móc lớn sản xuất liên hoàn ít, chủ yếu là máy nhỏ.