Vốn sản xuất ở làng nghề hiện rất thiếu trong khi tài sản thế chấp giá trị thấp nên khó tiếp các nguồn vốn tín dụng. Vốn làng nghề chủ yếu do người sản xuất bỏ ra, nếu vay mượn thường từ quan hệ gia đình, thân quen do đó nguồn vốn nhỏ. Thiếu vốn đã kìm hãm sự phát triển của làng nghề. Thông qua chính sách tạo vốn, Nhà nước tạo cú huých cho làng nghề.
+ Quan trong nhất là xây dựng chính sách và cơ chế cung ứng, huy động vốn theo hướng tổng hợp các nguồn lực. Huy động mọi kênh vốn thành dòng vốn lớn cho làng nghề.
+ Đẩy mạnh lưu thông vốn qua nhiều kênh như hệ thống tín dụng, ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, quỹ hỗ trợ đầu tư... Triển khai rộng rãi các hình thức tín dụng ngoài quốc doanh và quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên, nguồn vốn cho làng nghề phải có lãi suất phù hợp.
+ Tạo điều kiện cho làng nghề tiếp cận các nguồn vốn. Tạo được nguồn vốn dồi dào cho làng nghề chỉ là bước đầu mà làng nghề hấp thụ được hay không mới quan trọng. Do đó, Nhà nước tạo điều kiện trong tiếp cận vốn cho làng nghề như đa dạng hóa các hình thức cho vay vốn, thực hiện lãi suất ưu đãi, thay đổi định mức cho vay và thời gian cho vay phù hợp với yêu cầu của làng nghề;
+ Đổi mới hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay bảo lãnh đối với làng nghề. Hoàn thiện hơn nữa hệ thống ngân hàng thương mại sao cho quan hệ giữa ngân hàng với làng nghề không còn mang tính chất “xin - cho”.
+ Cải tiến các thủ tục cho vay, giảm thiểu phiền hà, nhưng vẫn giữ được an toàn vốn vay. Chỉ làng nghề nào đang tiêu thụ tốt hoặc có triển vọng thì mới được hưởng ưu đãi trong hỗ trợ tín dụng.
Chính sách tạo vốn cho làng nghề còn giúp Nhà nước quản lý, định hướng khu vực kinh tế này theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, theo các mục tiêu đã hoạch định. Đồng thời, các nhà quản lý tài chính có thể uốn nắn được dòng lưu chuyển vốn vận động đúng hướng, cũng như dự báo rủi ro cho các doanh nghiệp làng nghề.