Phá rừng lấy gỗ, củi, làm hồ thủy lợi, thủy điện

Một phần của tài liệu MÔI TRƯỜNG SINH THÁI VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BỀN VỮNG (Trang 36 - 37)

Thực tế cho thấy, hiếm có nước nào trên thế giới có tình trạng "loạn thủy điện" như nước ta. Đã đành rằng Việt Nam giàu tiềm năng thủy điện, thế nhưng làm thủy điện mà không cân nhắc kỹ lợi hại, làm thủy điện bằng mọi giá như thời gian vừa qua thì thật tai hại. Theo Bộ NN&PTNT, để làm 160 dự án thủy điện, chúng ta mất 20.000ha rừng, trung bình mỗi dự án "ngốn" 125ha. Một thống kê khác, cứ 1 MW điện sẽ mất 10ha rừng, chưa kể những thiệt hại khác như phá rừng để lấy đất phục vụ tái định cư, làm nương rẫy mới, lâm sản bị tận thu kiểu "ăn theo", tình trạng biến đổi dòng chảy, lúc thiếu lúc thừa nước, lũ lụt đe dọa, môi trường bị tàn phá, động thực vật hoang dã bị tận diệt… Việc Bộ Công thương vừa đề nghị Chính phủ loại bỏ 424 dự án, tạm dừng 136 dự án và không đưa vào quy hoạch tiềm năng thủy điện 172 vị trí chính vì lẽ đó. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm xương máu trong việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, Nhà máy Thủy điện Krong Kma, khiến cho diện tích rừng bị mất khá lớn, chưa kể nhiều hệ lụy khác như mất đất, tranh chấp nước giữa thủy lợi và thủy điện…

37

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngày 7/11, từ năm 2006-10/2013, cả nước có 205 dự án thuộc 27 tỉnh thành có rừng chuyển đổi sang làm thủy với diện tích gần 20.000ha. Trong đó, Tây Bắc có 22 dự án với diện tích 2.794ha; Đông Bắc 44 dự án với diện tích 1.306,6ha; Bắc Trung Bộ 22 dự án, với diện tích 4.343,5ha; Nam Trung Bộ 45 dự án với diện tích 2.314,3ha; Tây Nguyên 64 dự án, với diện tích 7.952,2ha; Đông Nam Bộ 6 dự án với diện tích 1.090,4 ha; Tây Nam Bộ 2 dự án với diện tích 5,0ha.

Mặc dù trước đó đã có quy định rất rõ tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP về việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác. Nghị định quy định đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư có diện tích chuyển đổi rừng làm thủy điện phải có phương án trồng rừng khả thi mới được khởi công công trình; đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương để Bộ NN&PTNT bố trí cho tỉnh khác còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2013 mới có 11/27 tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng hoặc thu tiền để trồng rừng, tương ứng với diện tích trồng rừng là 1.897,6ha/19.805,3ha, đạt 10%. 16/27 tỉnh chưa chỉ đạo trồng rừng, chưa thu tiền hoặc phê duyệt phương án trồng rừng nhưng vẫn cho xây dựng thủy điện gồm: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Bình Phước và Bình Thuận.

Tình trạng phê duyệt dự án thủy điện bừa bãi, không có phương án trồng rừng thay thế là nguyên nhân khiến hơn 20.000ha rừng bị chuyển đổi làm thủy điện nhưng chỉ có 735ha, bằng 3,7% rừng được trồng lại (theo báo cáo của Bộ NN&PTNT).

Một phần của tài liệu MÔI TRƯỜNG SINH THÁI VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BỀN VỮNG (Trang 36 - 37)