2.3.1. Nội dung phương pháp
Phương pháp so sánh là phương pháp xem xét các chỉ tiêu phân tích bằng cách dựa trên việc so sánh số liệu với một chỉ tiêu cơ sở (chỉ tiêu gốc).
2.3.2. Mục đích sử dụng phương pháp
- Đối chiếu, tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt trong các nghiên cứu về vấn đề rủi ro trong thanh toán quốc tế và các giải pháp hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế.
- Thông qua việc so sánh các chỉ số, việc phân tích các luận cứ, giả thuyết
đưa ra sẽ sâu sắc hơn, quá trình đánh giá, nhìn nhận rủi ro trong thanh toán quốc tế, mức độ tổn thất, từ đó giúp người tiếp nhận thông tin có thể định lượng được thông tin một cách tối đa nhất.
- Xác định mức độ biến động tuyệt đối và mức độ biến động tương đối cùng xu hướng biến động của chỉ tiêu phân tích. Trên cơ sở đó có những khuyến nghị sát thực, hiệu quả cho công tác dự báo rủi ro có thể xảy ra và giải pháp hạn chế được rủi ro.
2.3.3. Cách thức luận văn sử dụng phương pháp
Bước 1: Xác định các chỉ tiêu, nội dung so sánh
Nội dung được so sánh phải là những nội dung liên quan, có ảnh hưởng hay có mối liên hệ với vấn đề cần phân tích là rủi ro trong thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Hà Nội.
Ví dụ: Chỉ tiêu về doanh số thanh toán xuất khẩu, doanh số thanh toán nhập khẩu, tỷ trọng các phương thức thanh toán quốc tế....
Bước 2: Xác định phạm vi, số gốc so sánh
- Phạm vi so sánh được tiến hành trong nội bộ ngân hàng, trong thời gian 3 - 4 năm trước liền kề.
- Số gốc so sánh được xác định tùy theo nội dung so sánh:
Ví dụ: khi phân tích mức doanh số thanh toán quốc tế, tỷ trọng các phương thức thanh toán quốc tế của các chỉ tiêu: số gốc để so sánh được lấy là chỉ tiêu đó ở các năm trước.
Bước 3: Xác định điều kiện để so sánh được các chỉ tiêu + Đảm bảo thống nhất về nội dung của chỉ tiêu.
+ Đảm bảo tính thống nhất về phương pháp tính các chỉ tiêu. Có những chỉ tiêu được thực hiện so sánh tuyệt đối (như doanh thu, số lượng L/C phát hành...), có những chỉ tiêu thực hiện so sánh tương đối (tỷ lệ rủi ro giữa các phương thức thanh toán quốc tế...).
+ Đảm bảo tính thống nhất về đơn vị tính, các chỉ tiêu về cả số lượng, thời gian và giá trị.
Bước 4: Xác định mục đích so sánh
Mỗi số liệu của ngân hàng có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Việc xác định mục đích so sánh để làm gì sẽ giúp luận văn tập trung phân tích và làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.
Bước 5: Thực hiện và trình bày kết quả so sánh
Dựa trên kết quả so sánh, luận văn đưa ra những nhận xét, đánh giá, làm cơ sở cho những khuyến nghị đối với Ngân hàng Eximbank chi nhánh Hà Nội để nhận biết được mức độ rủi ro, mức độ nghiêm trọng của từng loại rủi ro và đưa ra những giải pháp phù hợp.