Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
1.2.2. Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinhtế nông nghiệp theo hướng
nông nghiệp đô thị của một số địa phương
1.2.2.1. Kinh nghiệm của thành phố Hải Dương
Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thành phố Hải Dương thay đổi theo hướng tích cực, tạo ra giá trị kinh tế cao. Hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn lao động tốt hơn. Sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản và phát triển mở rộng "đa ngành, đa nghề"...
Kết quả ấy đã chứng minh thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn thành phố Hải Dương những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ những kết quả đã đạt được nhằm phát triển bền vững thì thành phố Hải Dương cần khắc phục những hạn chế trong nội bộ nền kinh tế, triển khai những biện pháp cơ bản có tính đột phá để xây dựng và định hình rõ rệt hơn cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về định hướng phát triển toàn diện và bền vững nền kinh tế. Cấp bách là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu hợp lý kinh tế, bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với "19 tiêu chí" theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trước hết là vấn đề nhận thức. Thói quen của nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, của cơ chế quan liêu, bao cấp, thiếu tự chủ, độc lập và sáng tạo trong tổ chức vận hành nền kinh tế đang nặng nề. Không ít cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chỉ đạo, điều hành sản xuất như tổ chức một phong trào, hoặc chỉ dừng ở mức độ xây dựng mô hình... Do đó, chưa có những hành động cụ thể, thiết thực để thay đổi và biến đổi lượng/chất trong cơ cấu kinh tế nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập để tạo ra cái mới, có tính đột phá.
Muốn giải quyết vấn đề đó, cần thay đổi cách nghĩ, cách làm dựa vào cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực và từng địa phương. Hải Dương xác định: Nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch mạnh theo hướng tăng năng lực cạnh tranh và có khả năng thích ứng linh hoạt với sự biến đổi mau lẹ của thị trường. Đó là yêu cầu hàng đầu, quyết định cho sự phát triển. Phải nâng cấp công nghệ thông qua việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhất, bảo đảm sự phát triển bền vững. Chú trọng chất lượng tăng trưởng và tạo ra sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, bảo vệ, cải thiện môi trường sống với bảo đảm an sinh xã hội của các tầng lớp dân cư. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhằm thay đổi cơ bản cơ cấu nông nghiệp và phi nông nghiệp, tạo sức hút lao động, nhất là người lao động qua đào tạo để họ có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao, từ đó nâng cao mức sống đại đa số người dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng đồng nghĩa với việc tập trung hướng sản xuất vào việc tạo ra những nhóm sản phẩm hàng hóa theo quy mô lớn, công nghệ sạch, đạt chất lượng, hiệu quả và giá trị cao, gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Khai thác tốt tiềm năng, tạo bước đột phá trong kinhtế dịch vụ để tăng nhanh tỷ
trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Trong các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới, thành phố đặt ra một cách cụ thể về sự lựa chọn việc “nuôi con gì, trồng cây gì” cho từng vùng, từng địa phương theo tư duy mới, khoa học và cụ thể. Người dân trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch và quy hoạch lựa chọn các nhóm cây, con xác định ở ngay trên mảnh đất quê hương của họ. Thành phố chú trọng làm tốt quy hoạch và thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; phát huy sự chủ động tổ chức sản xuất của nông hộ, trang trại nhằm đạt quy mô hàng hóa lớn, trong đó ưu tiên loại cây trồng, vật nuôi cho sản phẩm hàng hóa chiếm tỷ trọng ưu thế. Điểm đáng chú ý là chọn cây, con chủ lực (phát triển cả hai hình thức: đại điền và tiểu điền) cho các vùng chuyên canh nhằm tận dụng tối đa thế mạnh của từng vùng. Mặt khác, xác định quỹ đất để quy hoạch và phát triển các vùng cây nguyên liệu, cây công nghiệp tập trung; mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt và các trang trại chăn nuôi, chú trọng nghiên cứu và triển khai bộ giống mới...
Đẩy mạnh sự liên kết chặt giữa 4 nhà: nhà quản lý (Nhà nước) - nhà khoa học - nhà nông và nhà doanh nghiệp. Thành phố chú trọng khâu định hướng hỗ trợ thông tin về thị trường, về các quy trình, quy chuẩn công nghệ sạch, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và dự báo khả năng liên kết giải quyết đầu ra cho sản phẩm... những yếu tố sống còn cho phát triển bền vững của nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường. Vì lẽ, thời gian qua, những mặt hàng nông sản của Hải Dương chưa đủ sức cạnh tranh, bởi lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, theo thủ công vẫn là chính... Do đó, tỉnh tiếp tục đổi mới quy hoạch cả trước mắt lẫn lâu dài, cả về quy mô sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm. Mục tiêu đặt ra là, phải tạo dựng được thương hiệu nông phẩm hàng hóa (Nguyễn Thị Liên, 2019).
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn, Hải Dương coi trọng phát triển mạnh các làng nghề truyền thống, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, như: dệt may thêu, mây tre đan, chế biến nông, lâm, thủy sản… có thể thu hút lực lượng lao động nông thôn. Hải Dương có tiềm lực về các cụm công nghiệp làng nghề cổ truyền, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản nhưng chưa được tận dụng. Vì vậy, cần tiếp tục ưu tiên mở rộng các làng nghề truyền thống, tiếp thu nghề mới để tạo ra lợi thế và sức cạnh tranh. Khai thác các nguồn vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư là một trong những nhân tố hàng đầu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn một cách phù hợp với yêu cầu phát triển. Khai thác nguồn vốn trong khu vực kinh tế tư nhân và thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài. Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát triển lao động có tay nghề trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo như đào tạo nghề cho thanh niên, khuyến học, tín dụng đào tạo. Đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở thôn, xã. Tạo mọi điều kiện để thu hút nhân tài về làm việc ở nông thôn. Coi trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ đến cơ sở sản xuất và hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa bàn nông thôn.
Hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các dự án khoa học - công nghệ để cải tiến và đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng để tiết kiệm năng lượng, áp dụng năng lượng mới... phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, bao gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch, thoát nước, điện, viễn thông, giáo dục, bệnh viện, trạm y tế ở nông thôn. Xây dựng hệ thống cửa hàng, chợ nông thôn, chợ đầu mối.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ biết tận dụng những thế mạnh và có các chính sách, định hướng đúng đắn nên kinh tế thành phố Hòa Bình đã có sự chuyển biến theo xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, nhân dân các dân tộc thành phố đã tin tưởng, đoàn kết tốt, phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn bản sắc dân tộc, tập trung lao động sản xuất, xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng phát triển.
Thành phố Hòa Bình có lực lượng lao động dồi dào, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp như: lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản. Được Nhà nước đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nên người dân đã được học tập, chuyển giao kỹ thuật và biết cách sản xuất, làm ăn, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội.
Cùng với việc đầu tư nguồn lực cho nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, thành phố Hòa Bình đặc biệt chú trọng triển khai lồng ghép nhiều chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông thôn; đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững trong nông thôn. Các mô hình trồng mía tím, trồng cây có múi, cây lấy hạt, trồng cỏ chăn nuôi gia súc… bước đầu phát huy hiệu quả. Thành phố đã thực hiện mở rộng được 425 ha diện tích các loại cây như bí xanh, bí đỏ, dưa lấy hạt, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía tím trên 625ha; thực hiện mô hình trồng cây có múi tại các vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Ngoài các mô hình chăn nuôi truyền thống như chăn nuôi lợn, nuôi gà thả đồi; mô hình nuôi ong đang có xu hướng phát triển với tổng đàn ong trên 800 đàn, trong đó nhiều hộ đã đầu tư nuôi trên 20 đàn,
cho thu nhập khá…Việc thực hiện thành công các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa không chỉ làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, mà còn tạo điều kiện để các địa phương tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Về sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), xây dựng và dịch vụ, giải pháp đột phá của huyện là khai thác lợi thế địa phương, tiếp tục phát triển CN - TTCN, tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất TTCN như: mộc, sửa chữa, cơ khí...; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Khuyến khích những dự án đầu tư phát triển các nhà máy bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch có công nghệ sạch. Chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hóa, sản phẩm của địa phương như: gà đồi, lợn bản địa, hạt dổi... và các sản phẩm truyền thống.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016-2020, thành phố Hòa Bình sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư có năng lực thực sự triển khai những dự án đã được phê duyệt. Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các dự án đầu tư chậm tiến độ, sử dụng đất sai phạm.
Thời gian tới, thành phố Hòa Bình tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo định hướng phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVI đề ra và bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo cụ thể các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là thu hút đầu tư vào thành phố, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất theo mô hình sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao và không ảnh hưởng đến môi trường … Bên cạnh đó thành phố quảng bá hình ảnh về du lịch để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch; khuyến khích đầu tư các nhà hàng
lớn, các khu nhà nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái ở các xã theo đề án phát triển du lịch của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.