Sau khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986), Việt Nam đã thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991- 2000). Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991-2000) được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước hết sức khó khăn. Kinh tế phát triển chậm và không ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,4% trong khi dân số tăng 2,3%. Thâm hụt ngân sách chiếm trên 8% GDP, kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 54% kim ngạch nhập khẩu. Ba năm liền lạm phát ở mức 3 con số. Tỷ lệ tiết kiệm nội địa hầu như không đáng kể; hàng hóa thiếu, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu, thị trường khan hiếm làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp trên 10%, gây sức ép lớn lên nền kinh tế và an toàn xã hội.
Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bằng hàng loạt những cải cách mang tính đột phá và gắn với thực tế, Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu. Tổng sản phẩm trong nước năm 2000 tăng 2,07 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%/năm, cao thứ 2 so với các nước trong khu vực. Đất nước đã bước qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm trước đó, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1994 và AFTA vào năm 1995.
Quá trình công ngiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa đã thực sự trở thành xu hướng khách quan và chi phối mạnh mẽ đời sống kinh tế của mỗi quốc gia.
Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á lắng xuống, cùng với các chương trình cải cách hướng vào cải tổ cơ cấu kinh tế, bao gồm thúc đẩy phát triển khu vực ngoài quốc doanh và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp ngoài nhà nước vừa huy động được tiết kiệm trong dân cư, vừa tạo động lực cạnh tranh trong nền kinh tế. Khu vực kinh tế nông nghiệp và nông thôn cũng có những bước chuyển mạnh mẽ dưới tác động của các chính sách khuyến khích kinh tế trang trại và cải cách phân phối sản phẩm. Tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng tăng lên. Tất cả những đổi thay khiến nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng lên đến trên 8% từ năm 2005 trở lại đây. Đầu tư phát triển xã hội tăng cả về quy mô và tốc độ, tạo động lực cho phát triển sản xuất. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tổng đầu tư xã hội trên tổng sản phẩm quốc nội ở mức cao trên thế giới (40%). Từ tháng 1/2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện này tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế- chính trị - xã hội.
Do kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối khá và việc điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 180 nghìn đồng cuối năm 2000 lên 450 nghìn đồng năm 2006 cùng với việc triển khai nhiều chương trình tạo việc làm, phát triển nông nghiệp và nông thôn, xoá đói giảm nghèo nên đời sống các tầng lớp dân cư ở cả thành thị và nông thôn nhìn chung tiếp tục được cải thiện. Trong các Báo cáo những năm gần đây, UNDP cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia dẫn đầu các nước đang phát triển về thành tích giảm nghèo và tiêu biểu cho nhóm các nước đang phát triển đã đạt được sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển các chính sách xã hội vì con người. Báo cáo Phát triển Con người năm 2005 của tổ chức này đã xếp Việt Nam ở vị trí 108/177 nước
Một vấn đề bức xúc khác chậm được giải quyết đang gây áp lực lớn đối với việc giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội có liên quan, đó là tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. Theo kết quả điều tra lao động và việc làm những năm vừa qua thì tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tuy có giảm nhưng rất chậm và đến nay vẫn ở mức 4-5%. Tỷ lệ thời gian lao động chưa được sử dụng của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn cũng thường ở mức trên dưới 20%. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn vẫn còn ở mức cao là do phần lớn số người trong độ tuổi lao động cần việc làm nhưng lại chưa qua đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2005 mới đạt 24,8%, không những thấp xa so với yêu cầu của thực tiễn, mà còn thấp hơn cả mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra là đến năm 2005 tỷ lệ này phải đạt 30%.