CHƯƠNG 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn về nâng cao thu nhập, giảm nghèo đối với hộ nông dân
1.2.1. Kinh nghiệm nâng cao thu nhập giảm nghèo cho hộ nông dân ở một số địa phương của Việt Nam phương của Việt Nam
1.2.1.1. Kinh nghiệm của Huyện Phong Thổ - Tỉnh Lai Châu
Phong Thổ là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Huyện có 28 xã, thị trấn thì có đến 13 xã biên giới, 15 xã đặc biệt khó khăn. Kinh tế còn chậm phát triển. Kể từ khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ, cơ sở hạ tầng đã có nhiều thay đổi, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.
Năm 2008 trở về trước, khi chưa có Nghị quyết 30a thì chỉ có một số xã trong huyện có điện. Hiện nay, 100% số xã của huyện đã được đầu tư lưới điện đến trung tâm xã. Về công tác xóa đói giảm nghèo, mỗi năm, huyện Phong Thổ giảm được 5 - 6%. Triển khai các chương trình của tỉnh Lai Châu như chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển cây cao su… huyện đã trồng được trên 1.000 ha cao su, đến nay bắt đầu cho thu hoạch. Phong Thổ cũng đang hình thành một số cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây, Phong Thổ đã phát triển cây chuối và cho thu nhập khá cao, từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng chuối, cao su trên địa bàn huyện, đồng thời bước đầu đưa các giống cây có giá trị kinh tế vào sản xuất. Ngay trong năm 2015 này,
huyện sẽ trồng thử nghiệm khoảng 20 ha cây mắc-ca. Nhờ những kết quả tích cực từ Nghị quyết 30a, nhân dân các dân tộc của huyện Phong Thổ thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và từ đó tự mình vươn lên thoát nghèo. Cho đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ trên 58% năm 2009 xuống còn 26% năm 2015. Thu nhập của người dân từ 12 triệu đồng/người/năm.
Phong Thổ có 97% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số… nên việc phát triển kinh tế xã hội ở Phong Thổ nhìn chung còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất không đồng đều, còn phải kể đến tình trạng thiếu vốn để phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã tạo mọi điều kiện để nhiều người nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể… Trên cơ sở đó, đã có ngày càng nhiều hộ dân có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ vào phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, đời sống bà con bản Phai Cát 1, xã Khổng Lào đã không ngừng được cải thiện. Trước năm 2010, số hộ đói, nghèo ở bản Phai Cát 1 lên tới 28 hộ, chiếm gần 60%. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là việc tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi nên nhiều hộ trong bản đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến đầu năm 2016, bản Phai Cát 1 chỉ còn 10 hộ nghèo, không còn hộ đói. Theo thống kê, chỉ riêng Chi hội Phụ nữ bản Phai Cát 1 đã đứng ra ủy thác giúp hội viên vay trên 1,7 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Hướng đến tạo ra hiệu quả sử dụng vốn vay cao nhất và thiết thực hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, Chi nhánh Ngân hàng CSXH ở huyện vùng cao Phong Thổ còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân để nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và phát triển sản xuất.[11]
Thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiều năm qua xã Phú Nghiêm đã triển khai các chủ trương, chính sách của cấp trên đến các đoàn thể và nhân dân; phân công cán bộ, công chức theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn bản trong quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tại bản Pọng, thành viên ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo đã chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn bản; thường xuyên vận động nhân dân tham gia sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng rừng để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình; tham mưu với UBND xã hỗ trợ các công cụ sản xuất, cây giống, con giống cho các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, do vậy, nâng tổng đàn gia súc từ 179 con (năm 2015) lên gần 300 con (năm 2018), gia cầm từ 925 con lên 1.650 con. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; thâm canh tăng năng suất, nhờ đó sản lượng lương thực hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Qua đó công tác giảm nghèo của bản Pọng đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm dần qua các năm, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều của bản là 7,79%; đến hết năm 2018 giảm xuống dưới 7%; cơ sở hạ tầng, đường giao thông được quan tâm xây dựng, kinh tế - xã hội từng bước đi lên. Hay như, Hội Nông dân xã Nam Động đã triển khai xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Hội nông dân xã đã triển khai mô hình “một giúp một”, tức là một chi hội nông dân giúp đỡ ít nhất một hội viên thoát nghèo. Để phong trào “một giúp một” đi vào thực chất và hiệu quả, trong quá trình xây dựng mô hình, hội nông dân lựa chọn những hộ còn nhiều khó khăn tham gia cùng với các hộ khá làm trước để giúp nhau cùng phát triển sản xuất. Ngoài việc giám sát, giúp đỡ của cán bộ chi hội cơ sở, thông qua những mô hình này, các hội viên nghèo sẽ học hỏi được kinh nghiệm sản xuất của các hộ khá để tích lũy kiến thức và tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình. Từ những hoạt động thiết thực của hội, phong trào thi đua hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh
giỏi của xã đã có sự phát triển ngày càng sâu rộng. Qua 5 năm (từ 2013 đến 2018) trên địa bàn xã đã có 48 hộ thoát nghèo.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Quan Hóa đã chỉ đạo các địa phương rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, từ đó hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất nhằm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng... Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế nhằm xóa nghèo nhanh và bền vững. Theo số liệu thống kê của huyện Quan Hóa qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm và có xu hướng bền vững hơn. Sau khi tổng điều tra, rà soát theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, đầu năm 2016, toàn huyện có 3.817 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,46%, đến cuối năm 2017, toàn huyện còn 2.516 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 22,83%; còn 3.247 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 29,46%. Như vậy, trong hai năm giảm được 1.301 hộ nghèo, tương đương 12,63%, bình quân mỗi năm giảm 6,32%, đạt 114,9% kế hoạch. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại tăng; tỷ trọng lao động trong các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, đời sống nhân dân cũng dần được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng (đầu năm 2016) năm 2018 ước đạt 25 triệu đồng/người, đạt 100,4% kế hoạch.[12]