CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
2.1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên
2.1.1.1. Vị trí địa lý
Yên Minh là một huyện miền núi cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hà Giang, tổng số đơn vị hành chính của huyện bao gồm 17 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 78.346,17 ha. Toạ độ địa lý của huyện nằm trong khoảng từ 22°16’12” đến 22°52’35” Vĩ độ Bắc và từ 104°57’21” đến105°23’15” Kinh độ Đông.
- Phía Bắc giáp nước CHND Trung Hoa;
- Phía Nam giáp tỉnh Cao Bằng và huyện Bắc Mê; - Phía Tây giáp huyện Quản Bạ và Vị Xuyên; - Phía Đông giáp huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.
2.1.1.2. Điều kiện địa hình
Huyện Yên Minh có địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi và thung lũng. Địa hình phổ biến là đồi, núi đá xen kẽ giữa đồi núi là các thung lũng nhỏ hẹp. Bao gồm có các địa hình sau:
- Địa hình núi cao: với độ dốc phần lớn trên 25°, nhiều nơi đá mẹ lộ đầu thành cụm. Các loại đất hình thành trên địa hình này có tầng dày từ 30-70cm.
- Địa hình núi thấp: Có độ cao thay đổi dưới 900m ở dạng địa hình này, độ dốc và mức độ chia cắt rất phức tạp, nhiều khu vực có độ dốc lớn trên 25°, độ chia cắt mạnh, đá lộ đầu nhiều, tầng đất thường mỏng, một số khu vực độ dốc dưới 25°, độ chia cắt yếu, tầng đất hình thành dày.
- Địa hình thung lũng: Ở Yên Minh có các thung lũng kín xung quanh là núi thấp địa hình ở các thung lũng này khá bằng phẳng.
- Địa hình castơ: chủ yếu là các dãy núi đá vôi. Đất hình thành thường là đất đỏ vàng, tầng đất dày, kết cấu đất tốt.
2.1.1.3. Điều kiện khí hậu thuỷ văn - Khí hậu:
Yên Minh nằm trong vùng khí hậu á đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Mùa hè trùng với gió mùa Đông Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, thời
tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa Đông trùng với gió mùa Đông Bắc kéo theo từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời tiết lạnh, khô và ít mưa.
- Thủy văn:
Yên Minh có 2 con sông lớn chạy qua là sông Miện từ Trung Quốc qua huyện Yên Minh đến thành phố Hà Giang rồi đổ ra sông Lô có chiều dài là 48km, rộng 25 - 70m, sâu 3,5m và sông Nhiệm chảy qua huyện Yên Minh - Mèo Vạc - sông Gâm với chiều dài 22km, rộng 40-50m, sâu 2,5m. Đây là 2 nguồn cung cấp nước tưới chủ yếu cho sản xuất nông lâm nghiệp của huyện. Ngoài ra hệ thống sông suối nhỏ khá dày đặc. Do địa hình phức tạp, các sông suối đều ngắn và dốc nên vào mùa khô thường thiếu nước, vào mùa mưa hay gây ra lũ quét, vào mùa khô chỉ những xã núi đất mới được đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Còn các xã núi đá thường thiếu nước dùng. Các xã núi đất có nguồn nước ngầm nông, sạch có thể khai thác phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.[10]