trẻ suy nghĩ, tìm kiếm phương thức giải quyết
2.2.5.1. Mục đích, ý nghĩa
- Mục đích: Tạo các tình huống có vấn đề hấp dẫn để kích thích trẻ suy nghĩ, tìm kiếm phương thức giải quyết nhằm tạo ra nhu cầu, hứng thú nhận thức cho trẻ, kích thích trẻ vận dụng những cái đã biết vào trong những hoàn cảnh và điều kiện mới để giải quyết nhiệm vụ nhận thức đặt ra; nâng cao tính tích cực nhận thức cho trẻ.
- Ý nghĩa: Biện pháp tạo các tình huống có vấn đề hấp dẫn để kích thích trẻ suy nghĩ, tìm kiếm phương thức giải quyết phù hợp với đẵ điểm tâm, sinh lí của trẻ mầm non và phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ mẫu giáo lớn. Trong quá trình tổ chức hoạt động khám phá thiên nhiên vô sinh, sử dụng những tình huống có vấn đề hấp dẫn làm tăng sức lôi cuốn của hoạt động đối với trẻ, tạo ra hứng thú và duy trì được sự chú ý bền vững của trẻ với hoạt động. Từ đó giúp trẻ tích cực giải quyết nhiệm vụ nhận thức, kích thích sự tò mò, sự ham muốn khám phá những điều chưa biết về các sự vật, hiện tượng của thiên nhiên vô sinh. Đồng thời, biện pháp này góp phần giúp trẻ phát triển khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, phát triển tính chủ động, độc lập, sáng tạo và tính tích cực nhận thức của trẻ.
2.2.5.2. Cách tiến hành
- Giáo viên đưa ra những hoàn cảnh cụ thể, trong đó có biểu hiện của mâu thuẫn, đòi hỏi trẻ phải giải quyết mâu thuẫn đó.
- Tạo tâm thế cho trẻ hoạt động: Giáo viên cần dựa vào nhu cầu của trẻ để tạo những tình huống có thể kích thích động cơ bên trong của trẻ, gây hứng thú, lôi cuốn trẻ tham gia vào hoạt động và tích cực tìm ra cách giải quyết nhiệm vụ nhận thức.
- Trong quá trình trẻ hoạt động, giáo viên tích cực khơi gợi ở trẻ trí tò mò bằng hệ thống câu hỏi: Tại sao? Nếu… thì sao? Nếu không… thì sao? Làm thế nào để được như vậy? Sự vật này còn có những điều gì thú vị nữa không?...
Ví dụ: Đây là cái gì? Không biết nó có tan trong nước không? Làm thế nào để biết được?… Những câu hỏi như vậy sẽ kích thích trẻ, buộc trẻ phải suy nghĩ, hoạt động với đối tượng để tìm ra lời giải đáp đúng đắn. Các câu hỏi đó sẽ làm cho trẻ trở nên say sưa, tìm kiếm những cái mới, cái chưa biết về sự vật, hiện tượng, và với giọng nói có sức thuyết phục, lời giải thích rõ ràng, mạch lạc, tác phong sư phạm của cô giáo cũng góp phần quan trọng vào việc gây hứng thú cho trẻ trên tiết học.
- Nếu trẻ đã giải quyết được tình huống và nhiệm vụ nhận thức mà cô đặt ra thì cần tăng dần độ khó của nhiệm vụ nhận thức để kích thích trẻ tìm kiếm phương thức giải quyết.
- Cô chú ý quan sát, bao quát hoạt động của trẻ, kịp thời đưa ra những gợi ý để tránh trẻ chán nản khi chưa tìm ra được phương thức giải quyết.
- Khuyến khích, động viên trẻ, khen ngợi trẻ để tăng cường sự tích cực của trẻ khi trẻ tham gia khám phá các yếu tố của thiên nhiên vô sinh và tìm ra những tri thức mới về các yếu tố ấy.
2.2.5.3. Điều kiện vận dụng
- Giáo viên phải nắm được đặc điểm nhận thức, đặc điểm tư duy của trẻ mẫu giáo lớn để đưa ra các tình huống cho phù hợp, đồng thời có kỹ năng tổ chức các hoạt động có sử dụng những tình huống có vấn đề hấp dẫn.
- Giáo viên phải là người linh hoạt, sáng tạo, có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ tốt, biết cách dẫn dắt trẻ tới mục đích của hoạt động.
- Chuẩn bị cho trẻ những điều kiện, đồ dùng và phương tiện tốt nhất để tham gia hoạt động.
- Giáo viên cần tạo môi trường thuận lợi cho trẻ tự phát hiện và giải quyết vấn đề.
Tóm lại: Việc tạo ra các tình huống hấp dẫn có ý nghĩa lớn trong việc phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo nói riêng. Trong quá trình tổ chứ hoạt động khám phá thiên nhiên vô sinh cho trẻ, giáo viên cần đưa ra các tình huống đa dạng, phong phú, hấp dẫn để thu hút sự chú ý, khuyến khích trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm phát huy tính tích cực nhận thức cho trẻ.