CHƯƠNG 3 : THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
3.3. Đánh giá ưu điểm và và hạn chế trong quản lý nhà nước về thu hút
vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững của tỉnh Tuyên Quang
3.3.1. Ưu điểm
- Về mặt xây dựng kế hoạch, chính sách: Tỉnh đã xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế xã hội chi tiết, cụ thể, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Trong đó đã xác định được chủ trương, ưu tiên, nhiệm vụ cụ thể của công tác quản lý nhà nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững của địa phương. Việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch của địa phương đã tính toán và nghiên cứu rất kỹ lưỡng điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, các yếu tố truyền thống văn hóa và lịch sử; trong đó đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững. Một điểm mạnh của tỉnh Tuyên Quang là yếu tố phát triển bền vững rất được chú trọng trong tất cả các mặt công tác với chủ trương không đánh đổi tất cả để lấy tốc độ phát triển. Trong tất cả các kế hoạch, quy hoạch, tỉnh đều chú trọng đặc biệt đến công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, xác định điều kiện tự nhiên là nguồn lực lớn nhất của tỉnh; chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Việc xây dựng kế hoạch được thực hiện đồng bộ, từ trên xuống dưới, các kế hoạch, quy hoạch được ban hành kịp thời, bám sát định hướng từ trung ương đến địa phương và bám sát tình hình thực tế.
Cơ chế chính sách ưu đãi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài cơ bản được chú trọng, tỉnh đã ban hành một số chính sách phù hợp, cần thiết nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững tập trung vào các ngành có lựa chọn mà tỉnh có thế mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài tại địa phương đều đã
nhận được những ưu đãi nhất định về chính sách, được đảm bảo về nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ.
- Về đóng góp của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế của địa phương: Nhờ một phần đóng góp của vốn đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tuyên Quang trong năm năm trở lại đây luôn được duy trì ổn định ở mức cao, trên 9%; các dự án có vốn đầu tư nước ngoài góp phần giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động với mức thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, ổn định an sinh xã hội; đời sống của người lao động tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đều được thực hiện tốt, chưa phát sinh vụ việc liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài xâm hại quyền lợi của người lao động, việc xây dựng và triển khai hoạt động của các tổ chức công đoàn tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được chú trọng đẩy mạnh.
- Về việc bảo vệ môi trường: Công tác bảo vệ môi trường của tỉnh luôn được quan tâm và thực hiện tốt, diện tích rừng của tỉnh Tuyên Quang luôn được duy trì ở mức trên 60%, trong đó có nhiều rừng nguyên sinh tự nhiên với hệ động thực vật đa dạng; các nguồn tài nguyên khoáng sản được khai thác có kế hoạch, có giới hạn, không phát hiện có trường hợp khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép hoặc quá mức. Qua công tác kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan chức năng chưa phát hiện các dấu hiệu, vụ việc hay nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Về công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài: Đây là mặt công tác mới được chú trọng nhưng đã đạt được một số kết quả khả quan, tỉnh đã chú ý lựa chọn công tác xúc tiến với những nhà đầu tư ở các nước có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện môi trường như Nhật Bản, Hàn Quốc..., tập trung vào những lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng phát triển, có ưu thế vượt trội so với các địa phương lân cận.
3.3.2. Hạn chế
Tư duy phát triển bền vững ở địa phương đã được xây dựng và duy trì trong nhiều năm, tuy nhiên, trong một số thời điểm, lĩnh vực, hoàn cảnh, tỉnh đang quá chú trọng vào vấn đề “bền vững”, quá đề phòng các yếu tố từ nước ngoài nên kiểm duyệt các dự án quá chặt chẽ dẫn đến thời gian phê duyệt dự án bị kéo dài, đưa ra quá nhiều cam kết về bảo vệ môi trường... Điều này vô hình chung tạo ra tâm lý e dè đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Tuyên Quang.
Tổng lượng vốn và số lượng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh vẫn còn tương đối ít, chưa phát huy hết tiềm năng của tỉnh. Thực tế cho thấy, tiềm năng của tỉnh Tuyên Quang trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững còn rất lớn do có nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi; các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã được chú trọng phát triển tương đối đồng bộ nhưng vẫn chưa được các nhà đầu tư có vốn nước ngoài lấp đầy khoảng trống.
Các cụm, khu công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang được phân bổ chưa đồng đều, còn phân mảnh, thiếu tính kết nối, đường giao thông nối giữa các cụm, khu công nghiệp còn chưa phát triển tạo khó khăn trong kết nối giữa các ngành nghề sản xuất với phụ trợ, kết nối giữa các ngành nghề sản xuất. Cơ sở hạ tầng các cụm, khu công nghiệp đã được trang bị tương đối đầy đủ nhưng tỉ lệ lấp đầy còn chưa cao, nếu không có phương án bảo trì, sử dụng thì rất dễ xuống cấp, khó thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm quản lý các khu công nghiệp của địa phương còn yếu, đặc biệt là trong quản lý khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp nước ngoài do đó, trong những tình huống nhất định, chưa giải quyết đúng, kịp thời những vấn đề phát sinh.
Công tác xúc tiến đầu tư đã được chú trọng trong những năm gần đây nhưng hình thức xúc tiến đầu tư, quy mô xúc tiến đầu tư còn tương đối nhỏ lẻ;
chưa quảng bá được hết tiềm năng của tỉnh, chưa phối hợp được với các địa phương khác để tổ chức chung các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá.
Quy mô kinh tế của Tuyên Quang còn nhỏ bé, khả năng và sự chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên thị trường tương đối yếu trên cả ba phương diện: vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý; các doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế và ngay cả thị trường trong nước; điều kiện để phát triển một số ngành công nghiệp mới như sản xuất hàng tiêu dùng trở nên khó khăn, do phải cạnh tranh về giá.
Thách thức do phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về thu nhập, đời sống giữa miền núi với miền xuôi, giữa nông thôn với thành thị dẫn đến mất ổn định xã hội là một trong những thách thức lớn. Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm trong nội địa, xa các cửa khẩu, bến cảng, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, việc cung cấp thông tin, công nghệ tiên tiến, thu hút vốn gặp khó khăn. Dân số tăng nhanh, lực lượng lao động bổ sung hàng năm ở nông thôn chủ yếu tham gia vào sản xuất nông, lâm nghiệp, năng suất lao động còn thấp. Việc sử dụng, thu hút chất xám của Tuyên Quang còn nhiều hạn chế.
Công tác phát triển nguồn nhân lực đã và đang được địa phương quan tâm, tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực mặc dù đã có sự phát triển, quy hoạch, định hướng của địa phương, số lượng lực lượng lao động đã tăng đáng kể nhưng lao động trong các ngành công nghệ cao vẫn còn thiếu hụt và trở thành hạn chế lớn đối với địa phương. Trong những năm qua, Việt Nam nói chung và các địa phương đã tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để cạnh tranh với các nước trong khu vực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến việc phát triển các ngành công
nghệ cao vốn thân thiện với môi trường và mang lại giá trị thương mại to lớn. Dưới ảnh hưởng của xu thế trên, nhu cầu lao động công nghệ cao cũng vì thế mà ngày càng lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng leo thang căng thẳng, xu thế chuyển dịch của các công ty công nghệ của Mỹ từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực ngày càng rõ rệt. Đây là cơ hội của Việt Nam nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Muốn tận dụng được cơ hội này thì việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao là điều tất yếu.
CHƯƠNG 4 : PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THEO HƯỚNG BỀN
VỮNG TẠI TỈNH TUYÊN QUANG