5. Bố cục luận văn
1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về thu hút
đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững
1.2.3.1. Các yếu tố khách quan * Nhóm yếu tố về điều kiện tự nhiên:
- Vị trí địa lý là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển bền vững công nghiệp của một địa phương cũng như của một quốc gia. Vị trí địa lý tạo điều kiện thúc đẩy phát triển của địa phương theo hướng bền vững khi nó đáp ứng được ít nhất một trong các yêu cầu gần hệ thống giao thông chính như; gần nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp; gần thị trường tiêu thụ lớn, tiềm năng; gần các trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị lớn; gần các địa phương phát triển nhanh, năng động, các trung tâm khoa học,
công nghệ cao; nằm trong hoặc gần các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế… Ngược lại, vị trí địa lý sẽ tạo ra những yếu tố không bền vững trong sự phát triển của địa phương nếu nằm trong hoặc gần các khu vực không ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng, xung đột sắc tộc, tôn giáo; gần các khu vực thường xảy ra thiên tai, khu vực không thuận lợi về giao thông, thị trường tiêu thụ,…
- Tài nguyên khoáng sản là điều kiện cần và có tác động mạnh đến phát triển bền vững, nếu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú và có trữ lượng khá sẽ tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định cho các ngành sản xuất công nghiệp, tạo ra lợi thế so sánh và đảm bảo an ninh nguyên liệu cho các ngành công nghiệp phát triển ổn định và bền vững, nhất là trong điều kiện các nguồn nhiên liệu hoá thạch như than, dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo khác ngày càng trở nên cạn kiệt, khan hiếm và đang là nguyên nhân gây ra các các cuộc tranh chấp, xung đột ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Các địa phương giàu tài nguyên khoáng sản có lợi thế trong việc phát triển đa dạng, bền vững các ngành công nghiệp và tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các địa phương khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một vài địa phương có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú lại luôn tiềm ẩn những yếu tố không bền vững trong quá trình phát triển do việc lạm dụng và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên không tái tạo dẫn đến các vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan và quy hoạch. Bên cạnh đó, một đặc điểm cơ bản đối với các địa phương ở nước ta hiện nay là mới ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, trình độ công nghệ, sản xuất còn thô sơ, lạc hậu; do đó, các ngành công nghiệp chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai thác, sơ chế khoáng sản, công nghiệp chế biến mới chỉ dừng lại ở mức độ gia công, sơ chế là chủ yếu, ít có những ngành chế biến sâu và chưa xuất
hiện những ngành sản xuất có kỹ thuật cao, trình độ sản xuất hiện đại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển thiếu bền vững.
- Tài nguyên nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mặc dù trong nhiều trường hợp nước không phải là yếu tố đầu vào trực tiếp tạo ra sản phẩm công nghiệp, nhưng nó lại là yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với hầu hết mọi quá trình sản xuất công nghiệp. Vai trò của nước đối với sản xuất còn quan trọng hơn cả nguyên liệu đầu vào, bởi lẽ các nguyên liệu đầu vào nhiều khi có thể vận chuyển từ nơi khác đến phục vụ cho quá trình sản xuất, nhưng việc vận chuyển nước ở quy mô công nghiệp là rất tốn kém. Các cơ sở sản xuất cần được bố trí gần các nguồn nước để thuận tiện trong quá trình thoát nước thải ra môi trường, nhất là trong điều kiện phần lớn các địa phương chưa có hệ thống thu gom, thoát nước thải công nghiệp một cách đầy đủ, đồng bộ. Tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm 2 nguồn chính là: nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm, tuy nhiên hiện nay chỉ mới có nguồn nước mặt được khai thác chủ yếu thông qua hệ thống sông, ngòi, ao, hồ… trong khi nguồn nước ngầm ít được khai thác do chi phí khai thác, sử dụng còn lớn.
Nhóm nhân tố về dân số và nguồn nhân lực: Dân số quyết định quy mô của nguồn nhân lực, để phát triển bền vững chúng ta cần một nguồn nhân lực đủ về số lượng và có chất lượng, bởi lẽ muốn làm chủ và vận hành được những công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến đỏi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo, có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, cùng với đó là đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý giỏi, có kinh nghiệm. Dân số và nguồn nhân lực quá ít hoặc quá đông đều có ảnh hưởng đến phát triển bền vững, nếu quá ít sẽ không đủ lực lượng để tham giá quá trình sản xuất của cải vật chất cho xã hội, trường hợp dân số quá đông lại gây áp lực trong việc giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội có liên quan. Ngoài số lượng dân số và nguồn nhân lực, cơ cấu dân số và nguồn nhân lực về độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn
giáo, trình độ, ngành nghề lao động… cũng có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển bền vững nói riêng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán các biện pháp khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và có phương án đào tạo, củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững.
1.2.3.2. Các yếu tố chủ quan
Thể chế chính sách về phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững điều kiện đầu tiên và tiên quyết là chính quyền nhà nước các cấp phải xây dựng được các thể chế, chính sách về phát triển bền vững, nó thể hiện quan điểm chính thức của quốc gia và địa phương đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Một nền kinh tế không thể phát triển bền vững nếu những người lãnh đạo điều hành nó không mong muốn hướng đến phát triển bền vững. Quan điểm, thể chế về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và các địa phương là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp và quy hoạch công nghiệp của địa phương. Để phát triển bền vững, ngoài đỏi hỏi phải có quy hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, các vùng và các địa phương. Nếu như chiến lược phát triển công nghiệp xác định trạng thái tương lai của công nghiệp và chỉ ra cách thức để đưa công nghiệp đến trạng thái tương lai ấy, thì quy hoạch phát triển công nghiệp chỉ ra cách bố trí, sắp xếp, phân bố các cơ sở công nghiệp, các ngành công nghiệp theo không gian và thời gian trên các vùng lãnh thổ, các địa phương sao cho khai thác được tối đa lợi thế của đất nước về tài nguyên, sử dụng các nguồn lực cho phát triển công nghiệp trên cơ sở giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nguồn lực tài chính huy động cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Như đã phân tích ở trên, nội dung của phát triển bền vững bao gồm cả ba vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, do đó, muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần tập trung đầu tư không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn giải quyết tốt các
vấn đề về xã hội và bảo vệ môi trường. Một số quan điểm cho rằng phát triển bền vững là một thứ hàng hoá xa xỉ, có nghĩa là chỉ khi có thu nhập cao, khi đã trở nên giàu có người ta mới tính đến chuyện phát triển bền vững. Điều này, xét trên góc độ chi phí phản ảnh một thực tế là cần có nguồn lực tài chính đủ lớn để đầu tư phát triển bền vững, không thể nói đến chuyện phát triển bền vững chỉ bằng ý muốn chủ quan của cộng đồng và xã hội thông qua việc hô khẩu hiệu, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp về phát triển bền vững. Việc đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn so với việc sử dụng các công nghệ sản xuất truyền thống; việc áp dụng và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử, các chuẩn mực xã hội, các tiêu chuẩn đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động, quản lý, kiểm soát môi trường sẽ làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Như vậy, quy mô nguồn lực tài chính huy động cho phát triển kinh tế xã hội có tác động lớn đến phát triển bền vững. Đối với một địa phương nguồn lực tài chính huy động cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được lượng hoá thông qua chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ tiêu này phụ thuộc vào cân đối thu chi ngân sách địa phương; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; nguồn vốn hình thành từ thu hút đầu tư nước ngoài; nguồn vốn tín dụng đầu tư; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, vốn vay và viện trợ từ bên ngoài.
Nếu phân theo chủ thể quản lý, các nguồn tài chính nêu trên có thể được chia thành hai loại, đó là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và dân cư. Trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ, tạo lập môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp và nền kinh tế; còn vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và dân cư là nguồn lực vật chất chủ yếu để hình thành nên hệ
thống các doanh nghiệp và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, do đó cần chú trọng khai thác, khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn này.
Sự đồng thuận và tham gia rộng rãi của cộng đồng trong việc thực hiện phát triển bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu của mỗi quốc gia, địa phương trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ đó, cần phải có sự đồng thuận, phối hợp, chung sức, tham gia rộng rãi của mọi thành viên trong xã hội, bao gồm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc xây dựng thể chế, chính sách, cũng như các chế tài của nhà nước, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyên, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức trong xã hội về phát triển bền vững và khuyến khích sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong việc thực hiện phát triển bền vững là một trong những yếu tố không thể thiếu để có thể đảm bảo phát triển một cách thực sự bền vững.