Khi được hỏi “Em hiểu thế nào là đa trí tuệ?” hoặc “Theo em như thế nào là một người đa trí tuệ?” thì câu trả lời của các em thường là người học giỏi toán, nhanh nhẹn trong giao tiếp. Cũng có lẽ vì suy nghĩ như thế nên không dễ gì công nhận một người là thông minh và cũng không mấy HS dám nghĩ mình là người thông minh. Nắm bắt được vấn đề này GV có thể bắt đầu với HS bằng câu hỏi “Theo em những người nghệ sĩ, ca sĩ, họa sĩ, các vận động viên thể thao có thông minh không?” hoặc “Ai trong các em nghĩ là mình thông minh?”. Sau khi HS trả lời GV sẽ khẳng định với các em là trí thông minh không giới hạn như các em vẫn nghĩ, mà nó rất đa dạng, cụ thể là có 8 loại hình trí thông minh. Các em có thể học toán không giỏi nhưng các em lại hát rất hay, hoặc viết văn đầy cảm xúc, hoặc đá bóng giỏi điều đó có nghĩa là các em cũng rất thông minh. Và thông minh như thế nào cũng đều đáng quý, đáng trân trọng cả. Khả năng của con người là vô hạn, vì vậy chúng ta không nên giới hạn trí thông minh trong vô vàn những khả năng mà con người có.
- HS mô tả được tám loại hình đa trí tuệ:
Cùng được học về thuyết đa trí tuệ, nhưng chắc chắn mỗi em sẽ ghi nhớ theo những cách khác nhau. Có em sẽ nhớ dựa vào tưởng tượng ra hình ảnh GV đã dưa ra; có em sẽ nhớ dựa vào sự so sánh, liên hệ thự tế ví dụ như ca sĩ, nhạc sĩ là trí thông minh âm nhạc, hay nhà văn nhà thơ là trí thông minh ngôn ngữ…; có những em thì ghi nhớ thông qua việc ghi chép lại những điều cô nói; hoặc có những em ghi nhớ nhờ vào quá trình tham gia trò chơi về 8 trí thông minh. Điều đó là điều dễ hiểu vì các em có những trí thông minh khác nhau nên việc ghi nhớ cũng sẽ khác nhau. Chính vì thế khi dạy HS về thuyết đa trí tuệ thì GV cần áp dụng linh hoạt nhiều cách mô tả khác nhau, mô tả bằng lời, bằng hình ảnh, bằng video, bằng liên hệ thực tế, sau đó có thể tổ chức cho HS chơi trò chơi liên quan. Sau đây là ví dụ để GV tham khảo.
Hình 1.2. Sử dụng BĐTD mô tả tám loại hình trí tuệ
Tổ chức trò chơi, chẳng hạn như chơi chọn nghề nghiệp. GV đưa ra một số nghề nghiệp HS đã biết, sau đó các em phải ghép mỗi nghề với một vài dạng trí tuệ phù hợp (ghép xong phải giải thích lý do, và thuyết phục được mọi người thấy hợp lý).
- HS khám phá ra trí tuệ của bản thân từ đó rút ra phương thức học tập hiệu quả cho mình:
Trước hết, từ việc học tập về thuyết đa trí tuệ GV cần giúp HS liên hệ với bản thân để khám phá ra những dạng trí tuệ nổi trội mà các em có (vì tuy mỗi người đều có đủ 8 loại hình trí tuệ nhưng chúng ở những mức độ khác nhau và chỉ có một vài dạng trí tuệ vượt trội hơn). Sẽ có những em dễ dàng nhận ra được dạng trí tuệ nổi trội của mình do được bộc lộ trong quá trình các em học tập và hoạt động ở trường, nhưng cũng có rất nhiều em chưa nhận ra được khả năng của mình.Vì thế, GV cần hỗ trợ các em tìm ra khả năng đó. Một số ý tưởng mà GV có thể tham khảo như:
- Dạy một bài học bằng nhiều dạng trí tuệ hoặc chỉ đi sâu vào một loại trí tuệ, sau đó lấy ý kiến của các em xem cách dạy nào thu hút được sự chú ý của các em nhất, từ đó rút ra cho các em dạng trí thông minh các em đã sử dụng và tìm ra phương thức các em học tập hiệu quả.
- Cho HS tham gia hoạt động trải nghiệm nhanh đó là đề nghị HS thực hiện 8 hoạt động, mỗi hoạt động sử dụng ưu tiên một dạng trí tuệ, cố gắng chọn những hoạt động vừa sức, hoạt động nào các em không làm được thì cho hoạt động khác thay thế, những hoạt động mà các em thực nhanh và hứng thú nhất sẽ thể hiện dạng trí thông minh tương ứng của các em.
- HS viết báo, mỗi tập báo có 8 mục đại diện cho 8 trí tuệ, khuyến khích các em tham gia viết bài cho những chủ đề mà các em thích có thể là sáng tác thơ, viết văn, vẽ tranh, nói về thiên nhiên, nói về môn thể thao, nói về một bài toán, hay kể về một danh nhân…
Trong quá trình giúp các em tìm ra trí thông minh nổi trội của mình, GV có thể lồng vào đó những phương pháp học phù hợp với mỗi dạng trí thông minh, để định hướng cho HS áp dụng.