CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.3.4. Tận dụng và khai thác vốn sống trên cơ sở đó nâng cao
hóa từng bước nhận thức của học sinh trong dạy học đại lượng và đo đại lượng
2.3.4.1. Cơ sở khoa học của biện pháp
Các đại lượng, phép đo đại lượng được giới thiệu trong chương trình môn Toán ở Tiểu học là đại lượng thường gặp trong thực tiễn. Mục đích chủ yếu giúp học sinh nắm được các kiến thức thực hành về phép đo đại lượng, góp phần củng cố các kiến thức khác trong môn Toán và ngược lại, phát triển năng lực thực hành, rèn luyện một số phẩm chất trí tuệ, bồi dưỡng năng lực thực tiễn trong việc nhận thức. Trong dạy học đại lượng và đo đại lượng thường dựa trên các phương tiện trực quan, tổ chức thực hành đo một số đại lượng, ước lượng số đó sau đó sử dụng dụng cụ đo. Chính vì vậy trong dạy học đại lượng và đo đại lượng việc khai thác vốn sống của trẻ là rất cần thiết.
2.3.4.2. Mục đích sử dụng biện pháp
Trong dạy học toán ở Tiểu học nói chung và dạy học đại lượng và đo đại lượng nói riêng, một yêu cầu đặt ra là tích cực hoá người học; tạo điều kiện để người học tự phát hiện và lĩnh hội kiến thức. Các nội dung đại lượng thường mang đặc tính trừu tượng và khái quát cao trong khi đặc điểm nhận thức của trẻ ở Tiểu học lại mang nặng tính cụ thể trực giác và cảm tính.
Để đạt được mục tiêu dạy học đại lượng và phép đo đại lượng, việc tận dụng và khai thác vốn sống của trẻ là một giải pháp sư phạm tạo cho học sinh những ý niệm ban đầu về đại lượng, giúp học sinh nhận thức được các kiến thức trừu tượng; giải pháp này tác động vào hoạt động nhận thức của trẻ theo đúng quy luật: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn khách quan”.
2.3.4.3. Thực hiện biện pháp
Để thực hiện biện pháp này người giáo viên cần chuẩn bị tốt các phương tiện trực quan gần gũi với học sinh, học sinh thường được tiếp xúc trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời cho học sinh thực hành với các đồ vật giúp học sinh nhận ra tính chất chung của các vật giúp học sinh có được những ý niệm ban đầu về đại lượng, đo đại lượng. Tuy nhiên khi khai thác vốn sống của học sinh cũng cần uốn nắn cách hiểu thông dụng để học sinh hiểu đại lượng theo đúng nghĩa khoa học.
Ví dụ 2.37.
- Trước khi học về ki - lô - gam, cho học sinh thao tác với các đồ vật để thấy vật này nặng hơn vật kia. Khi dùng tay xách học sinh bước đầu nhận thức được có vật nặng có vật nhẹ, qua kinh nghiệm nhận thức được gói đường 1kg. Khi giới thiệu quả cân 1 kg, cho học sinh sử dụng quả cân và so sánh nó với đồ vật khác. Sử dụng bài tập thực hành với đồ vật dùng 1 xô xách nước thì xô đầy nước nặng hơn xô ít nước, từ đó giúp học sinh nhận ra một tính chất chung của các vật là "có khối lượng".
- Khi dạy về "lít" giáo viên nên đưa ra những đồ vật khác như cái chai, cái hộp sắt, hình lập phương mỗi cạnh 1 dm… để học sinh thấy các vật khác nhau nhưng đều có tính chất chung là "có dung tích" và một giá trị cụ thể của đại lượng dung tích (chẳng hạn lít) có thể nằm trong các đồ vật hình dạng khác nhau.
- Khi dạy về khoảng thời gian 1 giờ. Muốn HS có được biểu tượng về khoảng thời gian 1 giờ, GV cần kết hợp cho HS theo dõi hoạt động của đồng hồ mô hình và đồng hồ thật.