Khả năng của việc dạy học tích hợp môn Tiếng Việt theo quan điểm

Một phần của tài liệu Dạy học tích hợp môn tiếng việt ở lớp 4,5 theo quan điểm phê bình sinh thái (Trang 31 - 34)

Chương 1 Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài

1.2. Tiếng Việt và vấn đề dạy học tích hợp

1.2.3. Khả năng của việc dạy học tích hợp môn Tiếng Việt theo quan điểm

điểm phê bình sinh thái

Trong vòng quay của hiện đại, khi con người ta cảm thấy mệt mỏi trước những xô bồ, áp lực của cuộc sống, trước gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cũng là lúc con người biết quý trọng những giây phút thư thái cùng thiên nhiên. Chúng ta bắt đầu có xu hướng muốn trở về với tự nhiên, để được hòa mình vào những cơn gió mát lành bên những bóng cây cổ thụ, trở về với dòng sông quê hương, với biển cả,… Có lẽ cũng do đó mà ngày càng có nhiều những công viên, các khu nghỉ dưỡng,… những môi trường nhân tạo được tạo ra, như là một cách để con người tìm về với tự nhiên.

Trở về với văn chương, nơi phản biện lại những thói quen của tư duy. Có thể thấy rằng, những bức tranh thiên nhiên trong văn học như một điểm tựa để cứu rỗi tâm hồn con người khỏi những cuồng quay của xã hội. Hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên từ trung du, miền núi, đến đồng bằng và biển đảo con người như được thả hồn, gội mát trong thiên nhiên để thấy tâm hồn mình thanh thản hơn.

Việc dạy học văn chương trong nhà trường không nằm ngoài không khí học thuật và tình hình nghiên cứu ngữ văn. Trong một thời gian dài phê bình xã hội học đóng vai trò hoa tiêu chỉ dẫn cho công việc dạy văn học. Gần đây không ít nhà văn lại đề cập đến việc vận dụng lí thuyết tiếp nhận, lí thuyết liên văn bản, lí thuyết kí hiệu học vào dạy văn học. Họ đã chứng minh tính khả dụng của các lí thuyết này trong việc trình bày cách “đọc” một số văn bản trong chương trình giáo dục phổ thông các cấp.

Và câu chuyện tiếp theo là phê bình sinh thái.

Là một lí thuyết mới mẻ, nên dường như mới chỉ có giới nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, các trường đại học quan tâm đến lí thuyết này, còn ở các cấp học phổ thông lí thuyết này vẫn còn khá xa lạ.

Đối với các sáng tác và nghiên cứu văn học, phê bình sinh thái chắc chắn có những tác động tích cực. Vậy trong công cuộc dạy văn thường ngày

trong các trường học phê bình sinh thái có giúp ích gì trong bối cảnh hiện nay. Đó là một vấn đề rất đáng được quan tâm.

Tuy không mang nặng về phần phân tích và bình giảng văn học, đối với các văn bản nghệ thuật trong chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học, bước đầu là việc hình thành kĩ năng đọc và tìm hiểu sơ bộ nội dung của văn bản. Nhưng chắc hẳn việc dạy các văn bản này cũng cần bám sát không khí nghiên cứu ngữ văn. Và chắc chắn việc áp dụng lí thuyết phê bình sinh thái là rất có ích đối với việc dạy Tiếng Việt ở Tiểu học.

Trong bối cảnh môi trường ngày càng bị suy thoái hiện nay. Việc giáo dục ý thức sinh thái được tiến hành và phổ cập ở mọi cấp học. Ở trường Tiểu học, tuy không tồn tại với tư cách là một môn học độc lập, nhưng việc giáo dục môi trường vẫn được thực hiện thường xuyên thông qua các buổi ngoại khóa và cụ thể nhiều hơn cả là nó được tích hợp lồng ghép trong các môn học khác có trong chương trình. Việc tích hợp nội dung bảo vệ môi trường vào các tiết học là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Không chỉ với các môn học như Tự nhiên Xã hội, Khoa học, Địa lí,… mới có thể tích hợp nội dung này, mà những môn học khác cũng cần được chú ý, và lồng ghép sao cho phù hợp. Trong đó đặc biệt với môn Tiếng Việt, thông qua các văn bản nghệ thuật có đề cập tới vấn đề sinh thái, người giáo viên hoàn toàn có thể tích hợp nội dung giáo dục môi trường để giáo dục ý thức sinh thái cho học sinh.

Việc dạy Tiếng Việt trong nhà trường Tiểu học, giáo viên tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm viết về thiên nhiên, vũ trụ. Có thể xem đó là những tác phẩm văn học sinh-thái-tiền-lí-thuyết. Muốn khai thác tốt kiến thức môi trường từ những bài học này đòi hỏi giáo viên phải thâm nhập vào tác phẩm, phải nhạy bén, phát hiện ra những cảm quan sinh thái biểu hiện tinh vi trong sáng tạo của người nghệ sĩ.

Phê bình sinh thái cung cấp cho giáo viên một công cụ hữu hiệu để giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa văn học và đời sống. Còn đối với học sinh tiểu học - lứa tuổi đang phát triển cả về trí tuệ và nhân cách thì việc giáo dục ý thức về sinh thái cho các em là rất cần thiết. Giáo dục bảo vệ môi trường

nhằm ngay từ đầu hình thành ở các em thói quen, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện với môi trường. Không cung cấp cũng như cho học sinh tìm hiểu một cách trực tiếp về thiên nhiên như các môn Tự nhiên - Xã hội, Khoa học,… ở môn Tiếng Việt, dưới sự hướng dẫn của giáo viên bằng lí thuyết phê bình sinh thái để hình thành ở học sinh tình yêu với thiên nhiên, những xúc cảm tâm hồn về cái đẹp.

Thông qua các văn bản nghệ thuật viết về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, từ tình yêu dạt dào của các tác giả đối với không gian, cảnh vật. Người giáo viên hướng dẫn, giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ đó hình thành ở các em tình yêu thiên nhiên. Có lẽ đó là con đường hữu hiện nhất để cải thiện mối quan hệ của con người với môi trường. Bởi một đặc tính của con người là chỉ thực lòng đối tốt với cái gì khi mà người ta yêu nó, quan tâm đến nó và ý thức được về nó. Với tâm hồn nguyên sơ, thánh thiện, trẻ em luôn là những người gần với thiên nhiên, vạn vật hơn cả. Ở các em luôn có một trái tim yêu thương, nhạy cảm với tự nhiên, những cảm giác trong trẻo nguyên sơ về một sinh thái bình yên. Trẻ nhỏ tìm thấy niềm vui giản dị, thuần khiết bằng cách hòa nhập với thiên nhiên. Chính vì vậy, giáo dục tình yêu thiên nhiên ngay từ nhỏ cho học sinh nhằm nuôi dưỡng tâm hồn, biến tình cảm thành hành động vì môi trường.

Bằng việc chọn lọc và sử dụng các hình ảnh nghệ thuật có liên hệ với nhau, không gian sinh thái (theo chiều ngang địa lí) trong các văn bản nghệ thuật của Tiếng Việt lớp 4, 5 đã được khắc họa rõ nét, thể hiện được đặc trưng của từng vùng miền. Nó giúp cho việc hình dung về tự nhiên được trở nên dễ dàng hơn, nhất là đối với học sinh tiểu học, khi mà các em chưa được đi đến nhiều nơi của mọi miền tổ quốc. Từ các văn bản này, học sinh thấy được thiên nhiên của các vùng miền ra sao? Cuộc sống con người như thế nào? Sau cùng là để học sinh nhận ra vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên đất nước, từ đó biết quý trọng và bảo về cảnh sắc quê hương.

Không chỉ cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên, các văn bản này còn giúp học sinh hiểu rằng tự nhiên không phải là vô tri, vô giác, vạn vật đều có đời sống

riêng, có tiếng nói, cảm nhận riêng của nó. Và con người không có quyền tước đi sinh mệnh của một loài khác. Từ đó, học sinh biết phân biệt hành vi sinh thái, biết lên án, phê phán những hành động phi nhân đạo với môi trường. Tất cả nhằm mục đích giáo dục ở trẻ ý thức sinh thái, triệt bỏ mọi mầm mống “bá chủ” của con người với tự nhiên.

Giải quyết các vấn đề về môi trường sẽ không thể trong ngày một ngày hai, nó là cả một quá trình. Mọi vấn đề cần được thay đổi từ ý thức. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất mà phê bình sinh thái muốn hướng tới, thay đổi nhận thức của nhân loại về tự nhiên. Sẽ thật tốt biết bao khi trong tương lai chúng ta có những thế hệ biết sống hòa hợp với thiên nhiên bằng chính tình yêu xuất phát từ tâm hồn mình.

Như vậy có thể thấy, phê bình sinh thái không phải là một lí thuyết đối lập với các lí thuyết đã có, ngược lại nó chỉ bổ sung thêm một cách nhìn nhận, cách tiếp cận văn chương mới. Đặc biệt theo mục tiêu giáo dục hiện nay, người giáo viên không thể nào tránh những vấn đề “nóng” của dân tộc, nhân loại, thì việc tiếp cận với những nội dung cơ bản của phê bình sinh thái sẽ giúp họ chủ động hơn trong công việc giảng dạy. Giúp học sinh tiếp nhận thêm ở bài một nội dung mới liên quan đến môi trường. Thông qua đó để giáo dục bảo vệ môi trường. Tác phẩm nghệ thuật vốn đa trị. Những gì được phát hiện dưới góc nhìn phê bình sinh thái chẳng những không loại trừ các giá trị khác vốn có, mà còn làm phong phú, sâu sắc thêm bảng giá trị của văn học mà thôi.

Một phần của tài liệu Dạy học tích hợp môn tiếng việt ở lớp 4,5 theo quan điểm phê bình sinh thái (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)