2.1. Những thuận lợi và khó khăn của sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế ở Bắc Ninh trong quá trình phát triển kinh tế ở Bắc Ninh
2.1.1. Tổng quan đặc diểm tự nhiên, kinh tế - xã hội ở Bắc Ninh
Bắc Ninh là một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, với diện tích 822,71 km2 nằm trọn trong nội địa, không có đường biên giới quốc gia và đường biển. Bắc Ninh thuộc phía Bắc Đồng bằng Sông Hồng, tiếp giáp vùng trung du Bắc Bộ tại Bắc Giang, là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 31 km về phía Đông Bắc. Phía Tây và Tây Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp Bắc Giang, phía Đông và Đông Nam giáp Hải Dương, phía Nam giáp Hưng Yên. Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm: tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có các đường giao thông quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền Bắc: quốc lộ 1A nối liền Bắc Ninh - Hà Nội - Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ long, quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng. Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh là cầu nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Địa hình Bắc Ninh tương đối bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông được thể hiện qua các dòng chảy bề mặt đổ về sông Đuống và sông Thái Bình. Diện tích đồi núi chiếm tỷ lệ nhỏ (0.53%) so với tổng diện tích chủ yếu ở hai huyện Quế Võ và Tiên Du.
Bắc Ninh nổi tiếng với các làn điệu quan họ, các làng nghề truyền thống như tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ… Hàng năm
trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn ra hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau như lễ Hội Lim, lễ Đền Đô, lễ hội Phù Đổng…
Về dân cư lao động: Theo số liệu thống kê năm 2009, Bắc Ninh có 1.026.715 người, phân bố ở một thành phố, một thị xã và 6 huyện lỵ. Trong đó dân số nông thôn chiếm 76,5%, dân số thành thị chiếm 23,5%, thành phần dân số này có xu hướng chuyển dịch theo cơ cấu tăng dân số thành thị giảm dân số nông thôn. Dân số Bắc Ninh là dân số trẻ, trên 60% dân số trong độ tuổi lao động với chất lượng ngày càng được nâng cao. Đội ngũ dân số trẻ này là lực lượng hùng hậu trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển KT - XH của tỉnh.
Chặng đường gần 20 năm xây dựng và phát triển mặc dù còn nhiều khó khăn thử thách nhưng tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức cao. Tốc độ tăng tăng trưởng kinh tế đạt 15,1%/năm giai đoạn 2006-2009. Trong đó khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 44,9%, khu vực công nghiệp xây dựng tăng 21,4%, khu vực dịch vụ tăng 13,4%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,24% năm 2005 xuống còn 9,6% năm 2007 (theo Tiêu chuẩn số 1751/LĐTBXH).
Cơ cấu kinh tế của Tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng nhanh từ 23,77% năm 1997 lên 51,01% năm 2007, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 22,18 % năm 1997 lên 33,34 % năm 2007, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm từ 54,05% năm 1997 xuống 18,65% năm 2007.
2.1.2. Những thuận lợi và khó khăn
Từ tổng quan những đặc điểm tự nhiên, KT - XH có thể thấy ở đó chứa đựng những yếu tố thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn với việc sử dụng NNL ở Bắc Ninh.
2.1.2.1. Về thuận lợi
Xét về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lí Bắc Ninh có nhiều thuận lợi. Với địa hình chủ yếu là đồng bằng, gần các trung tâm kinh tế, chính trị lớn, gần sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng, cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái, giao thông đi lại dễ dàng, là nơi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng và phát triển kinh tế.
Trong những năm gần đây kinh tế Bắc Ninh có sự tăng trưởng cao, có nhiều chuyển biến về chất lượng và hiệu quả. Tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân 15,1%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%; dịch vụ tăng 19,1%. Đây là mức tăng trưởng bình quân cao nhất từ khi tái lập tỉnh. Năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 1800 USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,4 triệu đồng. Nông nghiệp phát triển tương đối ổn định, việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá, dịch vụ nông nghiệp phát triển cùng với chính sách “dồn điền đổi thửa” đã giúp thay đổi bộ mặt nông thôn một cách đáng kể.
Bắc Ninh là tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp rất lớn, hiện nay toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 7.525 ha trong đó 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, hình thành các khu công nghiệp, đô thị hiện đại, thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia như: Canon, Samsung… Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai khu công nghiệp hỗ trợ. Các khu công nghiệp tập trung đến nay có gần 200 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giá trị sản xuất đạt 40% giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh, thu hút 44.500 lao động trong đó 53% lao động là người địa phương ở các trình độ khác nhau từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ đại học và trên đại học.
Sự quan tâm của Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo để phát triển NNL đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVIII xác định: “Triển khai đồng bộ
các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất, mũi nhọn ở các cấp học… Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đào tạo, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nâng cao chất lượng NNL nhất là NNL có trình độ cao, gắn kết đào tạo NNL với nhu cầu xã hội đáp ứng đòi hỏi đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề” [23, tr.15].
Trong những năm gần đây kinh tế Bắc Ninh bước đầu có sự khởi sắc cùng với sự thay đổi về nhận thức của người dân về nghề nghiệp. Do đó số người có nhu cầu học nghề tăng lên, đối tượng học nghề đa dạng với nhiều độ tuổi khác nhau, ngân sách đầu tư cho giáo dục đào tạo nghề tăng lên, việc xã hội hoá giáo dục cũng như đào tạo nghề bước đầu có kết quả.
Bắc Ninh là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội nên gần các trường Đại học, Cao đẳng của quốc gia, các viện nghiên cứu và gần tam giác tăng trưởng kinh tế của khu vực Bắc Bộ nên nhận được nhiều ảnh hưởng theo chiều thuận lợi với việc đào tạo và sử dụng NNL.
2.1.2.2. Về khó khăn
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, mật độ dân số vào loại cao. Số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Đây là một tiềm năng quý đối với quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng hiện nay số lao động có trình độ kỹ thuật tay nghề cao còn ít, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn khoảng 25%. Trung bình mỗi năm ở Bắc Ninh có hàng nghìn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong đó mới chỉ 3.000 em thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Hơn nữa, hàng năm Bắc Ninh đón hàng ngàn thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về lao động và làm việc tại địa phương. Do vậy nhiệm vụ đạt ra cho việc khai thác phát huy tiềm năng con người không kém phần quan trọng và khó khăn.
Mặc dù có sự thay đổi nhận thức trong nhân dân cũng như các cấp, các ngành đối với công tác đào tạo nghề song còn thấp xa so với thực tế vị trí của nó trong quá trình CNH, HĐH. Đặc biệt là vấn đề phân luồng học sinh sau
trung học cơ sở, trung học phổ thông và sử dụng học sinh trung học chuyên nghiệp đã tốt nghiệp ra trường.
Các cơ sở đào tạo nghề chưa nhiều, lại tập trung ở thành phố, nguồn tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị đều thiếu và lạc hậu trong khi nhu cầu của xã hội đối với giáo dục đào tạo tăng nhanh. Bắc Ninh mới có một trường Đại học chính quy trên địa bàn toàn tỉnh, có 2 trường Cao đẳng nghề, 48 cơ sở dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề thiếu về cơ sở vật chất, yếu về khả năng đào tạo nên số lượng học viên theo học còn hạn chế.
Ở Bắc Ninh tuy có sự phát triển các ngành nghề và đặc biệt là các làng nghề truyền thống, nhưng số lao động và tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng chưa cao, tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 5%, lao động ở nông thôn vẫn mang tính chất mùa vụ nên thất nghiệp theo mùa, hiệu quả sử dụng lao động thấp, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng chưa phát triển theo chiều sâu.
Nhìn chung Bắc Ninh là nơi hội tụ nhiều tiềm năng thuận lợi về tự nhiên và xã hội để phát triển một nền kinh tế đa dạng, phong phú và có sức hút lớn với các đối tác đầu tư. Bắc Ninh có nguồn lao động phong phú, có nhiều làng nghề và nhiều khu công nghiệp đã và đang được xây dựng, đó là những nhân tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Song để có thể khai thác tốt tiềm năng của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế cần kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó giải pháp đúng đắn về sử dụng NNL có vai trò rất quan trọng.