Kiến nghị với ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng tín dụng ngắn hạn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh quốc oai (Trang 81 - 83)

3.3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

3.3.2. Kiến nghị với ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Để cho hoạt động tín dụng có hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách cho vay, quy định và tạo môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng sao cho phù hợp với từng thời kỳ:

- Tách bạch rõ ràng thị trường tín dụng ưu đãi:

Trước hết, có thể thấy rằng, thị trường tín dụng ưu đãi tồn tại song song với thị trường tín dụng thương mại. Mặc dù đã được tách ra làm hai nhưng ranh giới giữa hai thị trường này vẫn chưa được phân định rõ ràng. Việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển trước đây và ngân hàng chính sách hiện nay là nhằm tách bạch hoạt động cho vay chính sách với cho vay thương mại. Thế nhưng, hoạt động của các tổ chức này có nhiều tác động đến việc hình thành lãi suất liên quan theo cung cầu thị trường.... Đặc biệt là giữa ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách. Do vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường công tác giám sát hoạt động tín dụng ưu đãi để hạn chế những ảnh hưởng đến khả năng quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua thị trường tiền tệ và thị trường tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

- Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành:

Nâng cao vai trò định hướng trong quản lý và tư vấn cho các ngân hàng thương mại thông qua việc thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, đưa ra các nhận định và dự báo khách quan, mang tính khoa học, đặc biệt là liên quan đến hoạt động tín dụng để các ngân hàng thương mại có cơ sở tham khảo, định hướng trong việc hoạch định chính sách tín dụng của mình sao cho vừa đảm bảo phát triển hợp lý, vừa phòng ngừa được rủi ro.

Về cơ chế tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các quy định hiện nay về chế độ và thể lệ tín dụng hiện hành. Đồng thời, cần hoàn thiện các quy chế quy định và môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng. Ngân hàng Nhà nước nên ban hành một hệ thống văn bản mang tính chất khung pháp lý chung tổng hợp tất cả các loại hình tín dụng. Không nên quy định một cách quá chi tiết thuộc vào một nghiệp vụ kinh doanh của một tổ chức tín dụng để hạn việc can thiệp sâu không phù hợp với cơ chế thị trường, tạo chủ động cho các tổ chức tín dụng trong kinh doanh tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ ngành có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thủ tục phát mãi tài sản.

Nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể để các ngân hàng thương mại áp dụng chuẩn xác, kịp thời các công cụ bảo hiểm cho hoạt động tín dụng như: bảo hiểm tiền vay, quyền chọn và các công cụ tài chính phái sinh khác. Đồng thời, tổ chức đào tạo, hướng dẫn các nghiệp vụ trên để giúp các ngân hàng thương mại vừa đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, vừa phòng ngừa và phân tán rủi ro trong hoạt động tín dụng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát:

Ngân hàng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát các NHTM thông qua hình thức giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ. Hệ thống NHNN cần phải phối hợp một cách chặt chẽ giữa quản lý và kinh doanh. Xây dựng bộ máy thanh tra của Ngân hàng Nhà nước phải có chất lượng.

Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm soát dưới nhiều hình thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm tiêu cực trong hoạt động tín dụng nhằm đưa hoạt động tín dụng của ngân hàng vào đúng theo quỹ đạo luật pháp. Chương trình thanh tra cần được xây dựng chi tiết, khoa học, thông tin được thu thập cần phân tích kỹ lưỡng, tránh mang tính hình thức,

nội dung thanh tra nên được cải tiến sao cho chương trình thanh tra đảm bảo kiểm soát được ngân hàng thương mại, thể hiện vai trò của mình là cảnh báo, ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.

- Nâng cao chất lượng của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC): Thực tế hiện nay, trung tâm thông tin tín dụng CIC được coi là kênh thông tin chính thức duy nhất để các ngân hàng có thể vào đó tra cứu tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Hiển nhiên rằng, chất lượng thông tin càng cao thì việc cập nhật các thông tin về doanh nghiệp càng đầy đủ, chính xác và công tác đánh giá, đưa ra các quyết định về tín dụng đối với các doanh nghiệp càng xác đáng. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hoạt động của Trung tâm thông tin CIC rất cần thiết, chẳng hạn như là: thông tin tín dụng phải bao hàm tất cả các thông tin về tình hình vay vốn của khách hàng tại tất cả các tổ chức tín dụng, phải có sự phân tích thông tin tổng hợp về khách hàng để lưu ý các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra việc báo cáo, khai thác thông tin của các ngân hàng, đồng thời nên có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với những ngân hàng vi phạm chế độ báo cáo thông tin tín dụng về khách hàng như: báo cáo thiếu, báo cáo thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, có biện pháp khuyến khích các ngân hàng sử dụng thông tin tín dụng từ CIC như là một tài liệu bắt buộc phải có trong quá trình thẩm định cho vay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng tín dụng ngắn hạn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh quốc oai (Trang 81 - 83)