Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tại Công ty TNHH Dịch vụ tin học FPT – Chi nhánh Đà Nẵng (Trang 29 - 31)

1.4.2.1 .Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải

1.4.2.2. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, trong đó, các bên tham gia tranh chấp thống nhất tranh chấp phát sinh nếu có sẽ do Trọng tài viên hoặc Ủy ban trọng tài giải quyết, và phán quyết của trọng tài có tính chất bắt buộc thực hiện. Có thể hiểu một cách đơn giản trọng tài là một biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính pháp lý, giống như thủ tục giải quyết tại tòa án, và hoàn toàn khác biệt với nhóm các biện pháp không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý như đàm phán, trung gian, điều tra và hòa giải. Hoạt động của trọng tài thương mại được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 (LTTTM 2010).

Ngày nay, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng phổ biến, đặc biệt đối với các tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế. Trọng tài

không chỉ phán xử những tranh chấp phát sinh giữa cá nhân với cá nhân, mà thậm chí cả những tranh chấp giữa cá nhân với quốc gia hay quốc gia với quốc gia.

Trong quá trình giải quyết các tranh chấp trọng tài cũng phải tuân theo các trình tự, thủ tục nhất định mà pháp luật quy định và phải được các bên thỏa thuận cụ thể về phương thức giải quyết tranh chấp, điều kiện tiên quyết là các bên tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài.

So với giải quyết tranh chấp tại tòa án, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có những lợi thế nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, các bên có quyền tự do lựa chọn trọng tài viên, đối với những tranh chấp có tính chuyên môn cao, các bên có thể lựa chọn trọng tài viên có trình độ chuyên môn đúng với lĩnh vực tranh chấp.

Thứ hai, thời gian nhanh chóng, thủ tục linh hoạt. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài nhanh gọn hơn thủ tục tố tụng tại tòa án.

Thứ ba, phán quyết trọng tài được công nhận rộng rãi ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Cho đến nay đã có nhiều Công ước quốc tế về trọng tài thương mại được ký kết và phê chuẩn bởi nhiều quốc gia như: Công ước New York 1958; Công ước Washington 1965; Công ước Liên Mỹ về trọng tài thương mại quốc tế.

Thứ tư, tính chung thẩm. Phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm, các bên tham gia tranh chấp không có quyền kháng cáo đối với phán quyết của trọng tài (tuy nhiên, tòa án vẫn có quyền hạn nhất định đối với việc ra quyết định hủy phán quyết trọng tài hoặc tuyên bố phán quyết của trọng tài vô hiệu) [33, Khoản 5, Điều 4].

Thứ năm, tính bảo mật. Nội dung tranh chấp được giữ bí mật, phán quyết của trọng tài không được công bố rộng rãi. Điều này rất có lợi khi công ty muốn giữ uy tín của mình.

Theo LTTTM 2010, có 02 hình thức trọng tài thương mại mà các bên tranh chấp có thể lựa chọn là:

+ Trọng tài vụ việc (còn gọi là trọng tài ad hoc): Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của LTTTM 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận [33, Khoản 7, Điều 3]. Trọng tài vụ việc không thuộc một tổ chức trọng tài nào, do đó, các bên tham gia tranh chấp có thể thỏa thuận quyết định tất cả các vấn đề về trọng tài như số lượng trọng tài viên, cách thức chỉ định, thủ tục tố tụng trọng tài, luật áp dụng… Trọng tài vụ việc có ưu điểm là linh hoạt, chi phí thấp và thủ tục nhanh chóng hơn, với điều kiện là các bên tham gia tranh chấp có ý chí hợp tác. Đối với trọng tài vụ việc, Ủy ban trọng tài là do các bên hoặc do đại diện của các bên chỉ định. Sau khi Ủy ban trọng tài được thành lập, việc phân xử sẽ do Ủy ban trọng tài thực hiện và các bên không được tham gia vào việc phân xử đó.

+ Trọng tài quy chế: Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó [33, Khoản 6, Điều 3]. Khi các bên thống nhất đưa tranh chấp ra giải quyết theo phương thức trọng tài định chế, trung tâm trọng tài được lựa chọn sẽ chịu trách nhiệm chỉ định trọng tài viên cho Ủy ban trọng tài.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tại Công ty TNHH Dịch vụ tin học FPT – Chi nhánh Đà Nẵng (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)