Chính sách phát triển nguồn nhân lực tại một số địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh hà nam (Trang 36 - 41)

1.3.1.1. Chính sách phát triển nguồn nhân lực tại tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, thuộc đồng bằng sông Hồng và nằm trên vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trong công cuộc CNH, HĐH đất nước hiện nay, Bắc Ninh đang ra sức phấn đấu trở thành vùng đô thị văn minh, giàu bản sắc (văn hóa Kinh Bắc), hiện đại, sinh thái và bền vững, dựa trên nền tảng kinh tế tri thức; có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại; có môi trường sống tiện nghi, trong lành đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Ninh đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát triển nguồn nhân lực được coi là một trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản có tính pháp quy về chính sách đào tạo, thu hút nhân lực, nhân tài cho tỉnh. Quyếtđịnh số 33/2012/QĐ-UBND ngày 8/6/2012 của UBND tỉnh về việc quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; Nghị quyết số 83/2013/NQ-HĐND ngày 23/4/2013 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43/2012/QĐ-HĐND ngày 25/4/2012 của HĐND tỉnh về quy định chế độ, chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài.

Bắc Ninh đã có những chính sách nhằm thu hút nhân tài làm việc trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng và các loại phụ cấp khác cho những chuyên gia, nhân tài về tỉnh công tác.Thu hút chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi từ bên ngoài (kể cả Việt kiều và người nước ngoài).Tổ chức thi tuyển, thử việc, giao đơn đặt hàng, luân chuyển vị trí để tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện.Tạo môi trường cởi mở, dân chủ, khuyến khích và coi trọng sáng tạo, tính vượt trội, độc đáo của cá nhân.Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để kiểm chứng tài năng, những thực chứng có thể đo đếm được.Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ngành, các cấp trong tỉnh.

Và kết quả đạt được là tỉnh đã cử 679 cán bộ đi học sau đại học. Trong đó có 19 nghiên cứu sinh, 514 người học thạc sỹ, 146 bác sỹ chuyên khoa và dược sỹ chuyên khoa cấp I, II. Trong 3 năm gần đây, Bắc Ninh đã thu hút 129 người, trong đó, 72 người có trình độ chuyên môn sau đại học và 57 người tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi về công tác.

Chỉ tính trong hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 33, Bắc Ninh đã thu được một số kết quả khả quan như:

Số cán bộ được cử đi học sau đại học tổng số 152 người, trong đó: công chức 25 (tiến sĩ 3, thạc sĩ 22); viên chức là 127 người (trong đó tiến sĩ 5, thạc sĩ 83, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 33, thạc sĩ chuyên khoa cấp II là 2).

Số công chức, viên chức được thu hút là 183 người, trong đó công chức 84 người (có 56 thạc sĩ, 28 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi); tiếp nhận từ cơ quan, địa phương khác 3 thạc sĩ, chuyển viên chức sang công chức 8 thạc sĩ, tuyển mới 73 người (3 người từ tỉnh khác)…

Cán bộ đi học về được sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo và được bổ nhiệm vào những chức danh theo quy hoạch, đảm bảo đúng người, đúng việc. Cán bộ được xét tuyển mới có công việc ổn định, đúng

chuyên ngành đào tạo nên phấn khởi công tác, phát huy những kiến thức đã học vào thực tiễn, được các cơ quan, đơn vị đánh giá tốt.

1.3.1.2. Chính sách phát triển nguồn nhân lực tại tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc bộ, Với quy mô dân số năm 2014 là hơn 1.019,7 nghìn người. Mật độ dân số của tỉnh khoảng 675 người/km2, dự kiến dưới 1 triệu người đến năm 2020 và đang nằm trong “thời kỳ dân số vàng”, là lợi thế không nhỏ để cung cấp nguồn lao động, thuận lợi trong quản lý và không gây sức ép lớn đối với phát triển kinh tế. Nguồn lao động trong tỉnh khá về cả số lượng, chất lượng và đang ở thời kỳ đầu với tổng lao động năm 2010 chiếm 51,2% dân số (khoảng 480,3 nghìn người), đến năm 2014 chiếm khoảng 63% dân số (đạt khoảng 642,5 nghìn người). Ninh Bình có tỷ lệ lao động thất nghiệp đô thị khá thấp (3,7%), chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá là khá. Do vậy, đây là một nhân tố rất thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động.

Ngoài chính sách phát triển nguồn nhân lực chung của nhà nước, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể đối với người được đào tạo, làm việc trên địa bàn tỉnh như:

+ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/4/2007 của tỉnh ủy Ninh Bình về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

+ Quyết định số 613/QĐ-TU ngày 05/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc Đề án đào tạo sau đại học;

+ Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 23/01/2003 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XI, kỳ họp thứ 10 về việc Ban hành quy định về chính sách khuyến khích tài năng, đào tạo và thu hút cán bộ, công chức có trình độ cao;

+ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 22/8/2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XII, kỳ họp thứ 7 về chính sách thu hút những người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn;

+ Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 08/7/2008 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh phổ thông; đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008 - 2015;

+ Quyết định số 2645/2007/QĐ-UBND ngày 16/11/2007 của UBND tỉnh ban hành Quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Bình;

+ Quyết định số 2196/2008/QĐ-UBND ngày 03/12/2008 của UBND tỉnh bổ sung Quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển và sử dụng nhân lực đã được đề cập, trong các quy hoạch, đề án phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030; đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đề án dạy nghề định hướng đến năm 2015; đề án xây dựng trường chuẩn, đề án tăng cường công tác giảm nghèo; Kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo 5 năm 2011 - 2015…

Tuy nhiên, tỉnh chưa có những quy định: Về chính sách hỗ trợ học nghề; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống dân cư đối với các đối tượng trong diện thu hồi đất, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn; danh mục ngành nghề và mức đào tạo nghề ngắn hạn tại các cơ sở dạy nghề và mức hỗ trợ kèm nghề, giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn; chương trình phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn

nhân lực có trình độ cao; hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ngoài nước đối với học sinh các trường trung học trên địa bàn; đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài…

Đây là những vấn đề đáng quan tâm để xây dựng phương hướng phát triển nhân lực của tỉnh trong tương lai.

1.3.1.3. Chính sách phát triển nguồn nhân lực tại tỉnh Thái Bình

Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm ở phía Nam vùng đồng bằng Sông Hồng, tính đến năm 2010 tốc độ tăng dân số chung giai đoạn 2006-2010 đạt 0,06%/năm. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh giảm từ 10,7%o năm 2005 xuống còn 5,0%o năm 2010 và chỉ còn 3,3%o vào năm 2014. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động không ngừng được cải thiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng qua các năm (năm 2005 là 31,1% lên 42% năm 2010, đạt 65% năm 2014). Trong đó lao động qua đào tạo nghề tăng từ 18,1% năm 2005 lên 29% năm 2010 và 38% năm 2014.

Trong những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND, UBND đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp cho từng giai đoạn (như Nghị quyết số 13/NQ-TU ngày 02/5/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nghị quyết 79/HĐND ngày 31/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; Đề án số 940/UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao...). Các sở, ban ngành của tỉnh đã vận dụng sáng tạo các cơ chế chính sách của nhà nước để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách cụ thể để thực hiện phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống mạng

lưới giáo dục, đào tạo và dạy nghề; các chính sách thu hút cán bộ, giáo viên có trình độ cao về công tác tại tỉnh; chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ; chính sách đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng chính sách và lao động nông thôn bị thu hồi đất; ban hành các quy định tạo điều kiện cho lao động như: Quy định phối hợp giữa Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình - Sở Lao động Thương binh và Xã hội về công tác quản lý lao động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhằm triển khai có hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, đảm bảo các chế độ cho người lao động về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện tốt các chính sách cho người lao động; qua đó tổng hợp nhu cầu về tuyển dụng lao động, hỗ trợ, phối hợp trong công tác đào tạo, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.

Tỉnh đã ban hành nhiều quyết định về việc hỗ trợ đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động, hỗ trợ lao động đi lao động các nước (như tạo điều kiện về đào tạo nghề, chính sách ưu đãi về vốn vay,...). Các chính sách của tỉnh ban hành đã tạo điều kiện cho nhân lực địa phương có điều kiện học nghề, nâng cao trình độ tay nghề, tạo việc làm và tìm việc làm... Đó là những chính sách xã hội quan trọng để doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, lao động có điều kiện đi xuất khẩu lao động... nhằm giảm tình trạng thiếu việc làm trên địa bàn tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh hà nam (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)