- Đền Đầm Giếng
2.2.1. Công tác quản lý, tổ chức khai thác các di tích lịch sử văn hoá
- Công tác quản lý
Hằng năm, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng thường xuyên kiểm tra tình trạng xuống cấp của di tích để kịp thời xây dựng phương án tu bổ. Các di tích xuống cấp trầm trọng và có dấu hiệu xuống cấp đều được UBND các xã kịp thời báo
cáo UBND huyện để đề nghị được tu bổ, tôn tạo. Đối với các di tích đã xếp hạng và các di tích thuộc loại hình đình, đền, miếu, quán chưa xếp hạng trước khi tu bổ, tôn tạo đều được lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt và thực hiện tu bổ, tôn tạo nghiêm túc theo quy định. Quá trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản, Luật xây dựng, có sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, còn một số chùa chưa xếp hạng còn hiện tượng tu bổ, sửa chữa, xây dựng tùy tiện, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho ý kiến dẫn đến kiến trúc không phù hợp truyền thống.
Từ năm 2015 đến 2021, trên địa bàn huyện có 53 di tích được tu bổ tôn tạo (không kể các di tích tu sửa nhỏ); tổng mức đầu tư khoảng 268,75 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách đầu tư 157,25 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 111,5 tỷ đồng (29 di tích được tu bổ do nhân dân đóng góp 100% kinh phí).
Năm 2018, UBND huyện ban hành Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND huyện Đan Phượng về việc phê duyệt đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia thuộc huyện Đan Phượng giai đoạn 2018-2025. Trong 3 năm (2018-2020) thực hiện Đề án, có 8 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư 40,9 tỷ (nguồn NS 29,4 tỷ; nhân dân đóng góp 11,5 tỷ).
Về quy hoạch mở rộng di tích: UBND huyện chỉ đạo các Phòng chuyên môn, UBND các xã thị trấn thực hiện quản lý chặt chẽ khoang vùng bảo vệ tại các di tích, không xảy ra hiện tượng lấn chiếm. Tiến hành rà soát quy hoạch mở rộng một số di tích như chùa Bảo Phúc (Đan Phượng), chùa Hưng Tích (Liên Hà), chùa Vĩnh Kỳ, chùa Thúy Hội (Tân Hội), đình Bãi Thụy, chùa Đồng Vân, chùa Thọ Vực (Đồng Tháp)...
Trong năm 2020, 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 nên một số di tích thực hiện tu bổ tôn tạo chưa đảm bảo tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng một số công trình.
Thực hiện các văn bản quy định của pháp luật và Quyết định số 41/2016/QĐ- UBND, Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, UBND huyện thống nhất quản lý toàn bộ hệ thống di tích, giao UBND các xã, thị trấn quản lý trực tiếp các di tích trên địa bàn.
100% các xã đã thành lập Ban quản lý di tích do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban; mỗi di tích đều có Tiểu ban quản lý di tích trực tiếp thực hiện tổ chức hoạt động. 100% di tích trên địa bàn huyện không có có nguồn thu từ bán vé hoặc dịch vụ khác. Nguồn thu chủ yếu ở các di tích từ công đức của nhân dân, được Tiểu ban quản lý di tích quản lý chặt chẽ, hàng năm đều có báo cáo thu, chi với Ban quản lý di tích cấp xã. Kinh phí chủ yếu được sử dụng vào việc đèn nhang, bao sái, mua sắm trang thiết bị hoặc tu sửa nhỏ tại di tích. Nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức hoạt động ở di tích đảm bảo đúng quy định, không xảy ra hiện tượng sử dụng sai mục đích, không hoạt động mê tín di đoan, đáp ứng nhu cầu hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân.