CHƢƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2 Cơ sở lý thuyết về hình ảnh điểm đến
2.2.2 Sự hình thành hình ảnh điểm đến
Để tìm hiểu về quá trình hình thành hình ảnh điểm đến, trước tiên cần nghiên cứu sự hình thành hình ảnh của một cá nhân (khách du lịch). Đã có một số nghiên cứu thực nghiệm trong các nghiên cứu liên quan trước có đề cập đến thông tin hình ảnh của một cá nhân. Việc hiểu được quá trình hình thành hình ảnh mỗi trong mỗi cá nhân, nơi họ đã đến sẽ giúp các điểm đến cạnh tranh hơn bằng cách nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến.
Một số nhà nghiên cứu đã thảo luận về sự hình thành hình ảnh điểm đến, nhiều nhà nghiên cứu đã kiểm định thực nghiệm quá trình hình thành hình ảnh điểm đến, trong đó có nghiên cứu lý thuyết của Gunn (1972), ông đã đề xuất 7 giai đoạn về hình ảnh cảm xúc và hình ảnh cơ bản. Ông đã lập luận rằng sự phát triển hình ảnh trong quá trình trải nghiệm của khách du lịch dựa trên sự thay đổi hình ảnh thông qua 7 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Bao gồm sự hiểu biết về một địa điểm nào đó (hình ảnh cơ bản); Giai đoạn 2: Chuyển đổi những hình ảnh này thông qua việc bổ sung thông tin (hình ảnh cảm xúc);
Giai đoạn 3: Việc quyết định đi du lịch dựa vào hình ảnh, hiệu quả, mong đợi trải nghiệm nhưng trong phạm vi bị ràng buộc về mặt thời gian, tài chính và những ràng buộc khác;
Giai đoạn 4: Đi đến điểm du lịch có hình ảnh hấp dẫn;
Giai đoạn 5: Tham gia các hoạt động tại điểm đến và trải nghiệm;
Giai đoạn 6: Quay lại du lịch theo những phản ánh, đánh giá, bao gồm cả thảo luận về điểm đến bởi các du khách, như qua truyền miệng tích cực về điểm đến,…
Giai đoạn 7: Tích luỹ mới hình ảnh dựa vào quá trình đã được trải nghiệm. Gunn (1972) cũng cho rằng hình ảnh điểm đến có thể thay đổi trong 7 giai đoạn này. Ông cũng phát hiện, hình ảnh điểm đến tiến triển trên hai cấp độ hình ảnh cơ bản và hình ảnh được kích thích.
Trong đó, hình ảnh cơ bản là hình ảnh mà cá nhân nắm bắt được tại điểm đến xuất phát từ thông tin cụ thể như: từ các cuốn sách, báo, tạp chí, lịch sử và địa lý, sổ tay, thông tin trên truyền hình mà không chỉ sử dụng riêng cho hoạt động thông tin du lịch. Do đó, những người mà chưa bao giờ được đến thăm một điểm đến cũng như chưa tìm ra bất cứ thông tin du lịch cụ thể nào có thể có một số loại thông tin đã được lưu trữ trong trí nhớ của họ. Điều này có thể là một hình ảnh không đầy đủ mà khách du lịch cần bổ sung thêm.
Còn hình ảnh kích thích, có nguồn gốc từ nỗ lực xúc tiến trực tiếp của các cơ quan tổ chức du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, công ty lữ hành,…Trong khi hình ảnh cơ bản (organic) thường nằm trong sự kiểm soát của các nhà marketing, hình ảnh kích thích được thực hiện trực tiếp bởi những nỗ lực marketing điểm đến. Điều này có thể được xây dựng trên các tài liệu quảng cáo đầy sắc màu và được thông tin cho khách du lịch thông qua các trung tâm lữ hành du lịch, đại lý du lịch, các bài báo, tạp chí, quảng cáo trên truyền hình, trên internet, mạng xã hội,… và các hoạt động khác mà các cơ quan tổ chức du lịch có thể lựa chọn để xúc tiến điểm đến du lịch. Khi mà khách du lịch mong muốn đi du lịch, họ sẽ tìm kiếm những thông tin du lịch liên quan
và tham khảo các nguồn thông tin cụ thể. Kết quả là, họ có thêm thông tin hình ảnh điểm đến, mà hình ảnh phức hợp được giải thích từ sự hình thành hình ảnh điểm đến (Baloglu & McCleary, 1999).
Tuy nhiên, Cooper & ctg (2008) cho rằng các giai đoạn đầu tiên là không rõ ràng mà hơi mơ hồ và tưởng tượng về hình ảnh. Ở giai đoạn này, các nhà marketing điểm đến có ảnh hưởng nhất đối với khách du lịch tiềm năng, vì hình ảnh tinh thần được thiết lập liên tục, bị ảnh hưởng bởi tin tức hàng ngày và các nguồn thông tin khác, mà không nhất thiết phải được kết nối với thực tế du lịch nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến một trong những hình ảnh của một điểm đến du lịch. Tùy thuộc vào ảnh hưởng của mức độ marketing điểm đến mà có thể thay đổi hình ảnh của một cá nhân trong giai đoạn 2, khi các nhà tiếp thị điểm đến có thể quảng bá sản phẩm du lịch bằng các phương tiện như "đào tạo" và quan hệ công chúng để nâng cao nhận thức và thông tin cho du khách tiềm năng.
Trong khi đó Lin & ctg (2007); Zhang & ctg (2014) có xu hướng xem xét hình ảnh được tạo thành bởi hai thành phần liên quan chặt chẽ, bao gồm: các thành phần nhận thức (cognitive) và mang tính cảm xúc (affective) của khách du lịch. Thành phần nhận thức đề cập kiến thức và niềm tin của một cá nhân về điểm đến. Thành phần cảm xúc đề cập đến tình cảm của cá nhân đối với điểm đến đó.
Từ quan điểm nhận thức, hình ảnh điểm đến du lịch được đánh giá trên một tập hợp các thuộc tính tương ứng với các nguồn lực hay các yếu tố thu hút mà điểm đến đó có được để sử dụng. Những yếu tố hấp dẫn để thu hút khách du lịch thường là phong cảnh, các hoạt động để tham gia, các trải nghiệm để nhớ. Chúng là những thứ tạo ra động cơ lôi kéo hay sức hấp dẫn cần thiết để thuyết phục một cá nhân đến du lịch ở một điểm đến nhất định.
Thành phần nhận thức có trước thành phần cảm xúc và sự phản ứng của người tiêu dùng là xuất phát từ những hiểu biết của họ về sự vật (Beerli & Martin, 2004). Hơn nữa, sự kết hợp giữa hai thành phần này tạo ra hình ảnh toàn diện (overall image)
hay hình ảnh hỗn hợp (compound image) là hình ảnh liên quan đến sự đánh giá tích cực hoặc tiêu cực về một sản phẩm hoặc thương hiệu.
Yoon & Uysal (2005) cho rằng con người đi du lịch bởi vì họ được đẩy vào việc đưa ra quyết định đi du lịch từ các lực bên trong (động cơ) và được kéo bởi các lực bên ngoài thuộc về các thuộc tính điểm đến. Với các thúc đẩy bên trong của khách du lịch và kích thích bên ngoài của một điểm đến, khách du lịch sẽ quyết định chọn đi hoặc không chọn đi du lịch tới điểm đến đó. Hành động này là thành phần thuộc về động cơ, là thành phần hoạt động của hình ảnh, tương đương với hành vi.
Nhưng một số nhà nghiên cứu hình ảnh điểm đến thì cho rằng, khách du lịch có những tình cảm đối với một điểm đến nào đó, cho nên hình ảnh điểm đến bao gồm cả thành phần nhận thức và thành phần cảm xúc. Lý thuyết hình ảnh nhận thức - cảm xúc của điểm đến đã được thực nghiệm trong các nghiên cứu của họ (Beerli & Martín, 2004; Pike & Ryan 2004; Martin & ctg 2008; Lin & ctg, 2007).
Chi & Qu (2008) đã khẳng định rằng, các nhà nghiên cứu gần đây có xu hướng xem xét hình ảnh như là sự hình thành bởi hai thành phần liên quan chặt chẽ: đánh giá về mặt nhận thức và đánh giá về mặt cảm xúc. Đánh giá về mặt tình cảm tương ứng với cảm xúc của một cá nhân đối với một đối tượng.
Tóm lại, theo quan điểm tác giả, trong luận văn này, hình ảnh điểm đến được hình hành bởi nhận thức (cảm nhận) của khách du lịch về điểm đến và cảm xúc của khách du lịch về các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch tại điểm đến. Do đó, việc tìm hiểu thêm những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự hình thành của hình ảnh nhận thức và hình ảnh cảm xúc đối với điểm đến du lịch được xem xét trong các phần tiếp theo.