Khám lông và da 1 Trạng thái lông

Một phần của tài liệu Giáo trình chẩn đoán bệnh trên ngựa (Trang 27 - 30)

4.1. Trạng thái lông

Gia súc khoẻ lông bóng, mềm, đều và bám chặt. Gia cầm phát triển tốt, lông bóng và đẹp. Thời gian thay lông: trâu, bò, cừu, ngựa và chó một năm thay lông 2 lần vào mùa xuân và mùa thu; gia cầm chỉ rụng từng đám, thay từng bộ phận.

Ảnh 8: Lông bóng, mềm mượt

- Lông thô và khô dài ngắn không đều. Do dinh dưỡng kém (thức ăn kém, chăn nuôi không đúng quy cách), bệnh mạn tính – tỵ thư, lao ký sinh trùng, bệnh ở đường tiêu hoá.

- Thay lông chậm: do bệnh mạn tính, rối loạn tiêu hoá, sau bệnh nặng.

- Thay lông không đúng mùa, thay lốm đốm từng đám thường là do ký sinh trùng ở da, nấm, những bệnh gây suy dinh dưỡng, một số trường hợp trúng độc mạn tính, rối loạn thần kinh.

4.2. Màu của da

Những gia súc da không có màu (cừu, lợn trắng...) và gia cầm khám da có thể biết tình trạng tuần hoàn và hô hấp của cơ thể (giống khám niêm mạc).

- Da nhợt nhạt: triệu chứng thiếu máu tuỳ theo mức độ thiếu máu. Da có màu trắng xám, trắng phớt hồng, trắng nhợt.

Do mất máu cấp tính: vỡ gan, vỡ lách, vỡ dạ dày.

Da nhợt nhạt mạn tính do: suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính, ký sinh trùng, bệnh rối loạn trao đổi chất. Còn có thể do suy tim, viêm thận.

- Da đỏ ửng: huyết quản nhỏ sung huyết, đỏ ửng một vùng da: do viêm da, ký sinh trùng. Đỏ ửng vùng rộng, nhiều chỗ: các bệnh truyền nhiễm cấp tính (bệnh đóng dấu lợn, nhiệt thán...). Da đỏ ửng lấm tấm xuất huyết, có khi từng đám rộng trên cơ thể, thường do những bệnh truyền nhiễm cấp tính như dịch tả lợn.

-Da tím bầm: triêụ chứng rối loạn tuần hoàn và hô hấp nặng (xem phần niêm mạc tím bầm).

4.3. Nhiệt độ của da

Sờ bằng mu bàn tay kiểm tra rất chính xác

Ngựa: lỗ tai, cuối sống mũi, mé cổ, mé bụng, 4 chân

Nhiệt độ các vùng da trên cơ thể không giống nhau, vì phân bố mạch quản khác nhau. Ở mé ngực ngựa nhiệt độ da là 35,2oC, ở chân là 13 - 15oC, ở bàn chân là 11,5oC.

Da vùng nhiều lông ấm hơn vùng ít lông. Gia súc làm việc, hưng phấn, da nóng hơn lúc đứng yên.

4.4. Mùi của da

Mùi của da do tầng mỡ, mồ hôi, tế bào thượng bì bong tróc ra phân giải tạo thành. Da có mùi phân: do chuồng trại thiếu vệ sinh.

Da mùi khai nước tiểu: Ure niệu, vỡ bàng quang. Mùi chloroform (xeton huyết). Da thối tanh: do hoại tử tại chỗ, bạch lỵ bê nghé, phó thương hàn, đậu cừu, ghẻ Demodex.

4.5. Độ ẩm của da

Độ ẩm của da do hoạt động phân tiết của tuyến mồ hôi ở da quyết định. Ngựa nhiều mồ hôi, thứ đến bò, chó, mèo; gia cầm không có mồ hôi.

Lúc yên tĩnh, da gia súc khô; nhưng nhìn kỹ vẫn có một lớp mồ hôi mịn như sương.

Làm việc nặng, trời nóng bức, hưng phấn, gia súc ra nhiều mồ hôi hơn.

Mồ hôi ra nhiều (vã mồ hôi – Hyperhidrosis).

- Mồ hôi ra nhiểu trên toàn thân: do các bệnh phổi gây khó thở, các bệnh gây đau đớn kịch liệt, các bệnh gây co giật như uốn ván, các bệnh gây rối loạn tuần hoàn. Còn do các bệnh sốt cao, say nắng cảm nóng, lúc hạ sốt trong các cơn sốt cao.

- Mồ hôi ra nhiều từng vùng do tổn thương thần kinh tuỷ sống hoặc khí quan nội tạng bị vỡ. ví dụ: vùng da dọc cung sườn vã mồ hôi thường do vỡ ruột.

Mồ hôi lạnh và nhầy: do choáng, trúng độc, vỡ dạ dày, sắp chết.

Mồ hôi lẫn máu (Haematydrosis); do máu chảy vào tuyến mồ hôi; trong các bệnh huyết ban, nhiệt thán, dịch tả lợn, các bệnh truyền nhiễm gây bại huyết và xuất huyết.

Da khô (Anhidrosis): do cơ thể mất nước; trong các bệnh gây nôn mửa, ỉa chảy nặng sốt cao. Gia súc già, do suy nhược, da khô.

Chú ý quan sát ở gương mũi loài mhai lại, lợn chó luôn có lớp mồ hôi lấm tấm, lau sạch lai xuất hiện. Nếu gương mũi khô là triệu chứng gia súc sốt.

4.6. Đàn tính của da

Khám bằng cách: kéo rúm da lại rồi thả ra và quan sát.

- Da đàn tính tốt: kéo rúm lại rồi thả ra, da căng lại vị trí cũ ngay.

- Da đàn tính kém: do già suy dinh dưỡng, viêm ký sinh trùng. Các trường hợp da khô, đàn tính kém.

4.7. Da sưng dày

Chú ý: diện rộng hay hẹp, có ranh giới hay miên man.

Có thể do thuỷ thũng hay khí thũng, lâm ba ngoại thấm, ổ mủ, do xạ khuẩn (actynomyces), do viêm. phần này chỉ trình bày khí thũng và thuỷ thũng.

4.8. Da nổi mẩn (Eruptio)

Là những đám đỏ nổi trên da; thường thấy trong các bệnh truyền nhiễm, một số trường hợp trúng độc.

Có mấy loại sau:

Phát ban: là những chấm đỏ do tụ máu hay chảy máu, có khi thành đám dùng tay ấn mạnh vào thì mất, bỏ tay ra thì xuất hiện. Trong bệnh đóng dấu lợn xuất hiện những mảng đỏ trên da có hình bầu dục, hình vuông. Ở lợn bị dịch tả, mảng đỏ dày ấn tay không mất.

Nốt sần (papylae): hình tròn đỏ, to bằng hạt gạo; thấy trong bệnh cúm ngựa, ở trâu bò bị dịch tả.

Mụn nước (Vesicula): do tương dịch thấm xuất tụ lại dưới da, tạo thành mụn nước nhỏ bằng hạt đậu. Mụn nước ở trong bệnh lở mồm long móng trâu, bò, dê, cừu và lợn.

Nổi mẩn đay (Urticaria): những nốt to bằng hạt đậu, có khi bằng nắm tay nổi lên từng đám ở mặt da; gia súc rất ngứa. Do dị ứng hay trúng độc thức ăn.

Mụn mủ (Pustula): những mụn nước trong có mủ, thấy trong các bệnh đậu, dịch tả lợn, dịch tả trâu bò, Care ở chó.

Những nốt loét: do mụn mủ vỡ ra, da bị hoại tử tạo thành. Nốt loét trên da thường có trong bệnh tỵ thư ở ngựa, viêm hạch lâm ba, lao. Viêm miệng, viêm niêm mạc mũi, vết thương không điều trị tốt đều có thể thành nốt loét.

Sẹo do loét, vết thương sau lành.

Một phần của tài liệu Giáo trình chẩn đoán bệnh trên ngựa (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)