Xét một cách tương quan, giới trẻ nhìn chung nhận thấy nhiều điểm tích cực hơn điểm tiêu cực ở mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện mà mạng xã hội mang lại, giới trẻ vẫn ý thức được những mặt trái của mạng xã hội. Mặc dù coi mạng xã hội là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất nhưng họ cũng bận tâm về sự lan tràn thông tin sai lệch và tin tức giả trực tuyến. Trong các phỏng vấn định tính, một nhóm nhỏ cho biết họ ít tin tưởng thông tin trực tuyến. Đối với nhóm thành thạo công nghệ và cảnh giác này, họ lo lắng rằng các thông tin lan tỏa có thể bị sai lệch và thận trọng kiểm chứng thông tin họ thấy trên mạng. Một nhóm thảo luận tập trung ở TP. Hồ Chí Minh (Nam giới, 25–30 tuổi) cho biết họ thực hiện nhiều bước kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. Các phương pháp họ áp dụng bao gồm kiểm tra phần bình luận và kiểm tra chéo với các nguồn khác để xác thực thông tin. Với mức độ phổ biến của mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử, người Việt trẻ nhận thức được hành vi lừa đảo mua sắn trực tuyến – phần lớn các sản phẩm đều không như miêu tả trên mạng, chất lượng sản phẩm thấp, và không giao hàng. Các nhóm thảo luận cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề xâm phạm riêng tư và các tội ác trên mạng. Đồng thời, sự gia tăng các giá trị vật chất trong giới
trẻ như đề cập ở phía trên cũng là một mối lo thường được cho là liên quan tới thói quen sử dụng mạng xã hội. Một số đáp viên thảo luận nhóm cho biết, văn hóa khoe khoang trên mạng đang gia tăng. Một nữ đáp viên đã tổng kết rằng “nhờ mạng xã hội mà nhiều người phô trương sự giàu có của họ. Việc này thôi thúc lòng tham của người khác” (Nữ giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 25–30, TP. Hồ Chí Minh).