Các rào cản với giáo dục Bạo lực học đường

Một phần của tài liệu nghien-cuu-the-he-tre-viet-nam (Trang 34)

Bạo lực học đường

Các đáp viên thảo luận nhóm tập trung thường đề cập tới vấn đề bạo lực học đường. Người Việt trẻ nhận thấy bạo lực giữa học sinh đang gia tăng, so với trước đây, trong khi bạo lực giữa giáo viên và học sinh thì không còn nổi cộm như trước, do hệ thống giám sát của nhà trường và việc sử dụng mạng xã hội để thông tin về các sự vụ này. Bạo hành thể xác cũng được coi là phạm pháp theo Luật Giáo dục Việt Nam năm 2005 và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Tuy nhiên, các báo cáo về bạo hành cảm xúc và tinh thần trong trường học gồm bắt nạt, nhạo báng hoặc mắng mỏ, vẫn mang tính thời sự. Một nam đáp viên đã nói rằng: “Bây giờ có hình thức bạo hành mới, chính là chê bai ngoại hình. Kiểu bạo hành này thậm chí còn gây đau đớn hơn cả bạo hành thể xác.” (Nam giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 16–19, An Giang). Điều này thống nhất với số liệu từ OECD, cho thấy 27% học sinh Việt Nam cho biết đã bị bắt nạt ít nhất vài lần một tháng (OECD, 2019). Những đáp viên là cha mẹ trẻ trong phỏng vấn sâu cũng nêu lên quan ngại đối với sự an toàn của con cái họ, thể hiện sự lo lắng rằng con họ có thể bị bạo hành thể xác ở trường. Thảo luận nhóm cũng đề cập bạo hành thể xác trong trường học, nhất là giữa học sinh, và coi đó có thể là một yếu tố dẫn đến tỉ lệ bỏ học giữa chừng.

Chi phí

Học phí, cả cho học chính khóa và học thêm, cũng là một trong những rào cản ngăn người trẻ học tập. Đồng nhất với kết quả nghiên cứu của Anh (2009) và OECD (2017), các đáp viên phỏng vấn sâu thuộc nhóm thu nhập thấp và thảo luận nhóm chia sẻ rằng, nếu gia đình gặp khó khăn tài chính thường thì hệ quả thường là nạn bỏ học giữa chừng. Một số học sinh, dù có thể trả được học phí chính khóa, đã phải bỏ học thêm vì gia đình không đủ sức chi trả. Thi thoảng, trường hoặc chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ một phần học phí (Đáp viên thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 25–30, ven đô Hà Nội). Tuy nhiên, với những người khác, chi phí vẫn là một rào cản nghiêm trọng:

Kết quả học tập của em đạt loại giỏi nhưng em cảm thấy gia đình không thể lo cho em đi học được nữa, nên em chọn nghỉ học, và cha mẹ em cũng không phản đối.

Nam giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 16–19, An Giang

Nghĩa vụ gia đình cũng được các đáp viên thảo luận nhóm coi là một yếu tố dẫn đến bỏ học, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể chỉ cần con cái học vừa đủ để kiếm được việc và kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Thú vị là, chính các đáp viên nam trong thảo luận nhóm – chứ không phải đáp viên nữ - đã chỉ ra rằng một số học sinh nghỉ học để lập gia đình hoặc vì mang bầu:

Khoảng một đến hai phần trăm học sinh sẽ bỏ học giữa chừng vì họ không muốn học tiếp: họ chỉ muốn kiếm tiền, có bầu, đánh lộn, và không thể lo nổi tiền học.

Nam giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 20–24, ven đô TP. Hồ Chí Minh

Ưu tiên đi làm hơn đi học chính quy là một trong những nguyên do dẫn đến việc bỏ học do tài chính ổn định là điều mà nhiều người Việt trẻ mong ước. Một đáp viên phỏng vấn sâu nói rằng cô muốn học xong trung học và sẽ không học đại học để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Các thảo luận nhóm phân tích xoay quanh những câu chuyện về bán rong kiếm tiền để nuôi gia đình. Trong các thảo luận nhóm tập trung, một số sinh viên đại học cho biết họ đã bỏ học ngay khi kiếm được việc làm bán thời gian – dù là để kiếm tiền hay để lấy kinh nghiệm (Nam giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 20–24, ven đô Hà Nội). Với họ, hứng thú học thêm phai nhạt sau khi họ bắt đầu tự kiếm được tiền: “Em không muốn học, đi học chán lắm, đi làm kiếm tiền vui hơn.” (Nam giới thảo luận nhóm, nhóm tuổi 16–19, An Giang). Một cách bù lấp khoảng trống thông tin này có thể là đưa ra những lựa chọn học tập trong tương lai thông qua phân tích chi phí – lợi ích của thu nhập ngắn hạn và thu nhập dài hạn. Một cách khác có thể cân nhắc là tạo dựng diễn đàn doanh nghiệp trẻ chuyên cung cấp thông tin rõ ràng về mối liên hệ giữa giáo dục với kĩ năng.

Một phần của tài liệu nghien-cuu-the-he-tre-viet-nam (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)