những hành động nhỏ như nhặt rác trong ngõ xóm nhưng không biết làm thế nào để nâng cao hành động về các vấn đề biến đổi khí hậu.
Khi được đặt vào hoàn cảnh được ra quyết định, giới trẻ trong các buổi thảo luận đánh giá đưa ra đề xuất các cá nhân có thể làm những việc sau:
Với cá nhân:
1. Hạn chế sử dụng vật liệu nhựa và khuyến khích mọi người sử dụng các vật liệu thay thế an toàn cho môi trường
2. Trồng rau tại nhà hoặc chuyển sang dùng thực phẩm hữu cơ
3. Nâng cao nhận thức về phân loại rác và rác có thể tái chế
4. Tiếp nhận sự hỗ trợ truyền thông và giáo dục của Chính phủ về tất cả những vấn đề nói trên.
Với nhà hoạch định chính sách:
1. Đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch như ô tô điện và xe máy điện 2. Khuyến khích các chiến dịch giáo dục để bảo vệ môi trường, ví dụ như các chiến dịch trồng cây trên toàn quốc
3. Đảm bảo các yêu cầu quy định về nước thải, vệ sinh và môi trường phải được cả người tiêu dùng và doanh nghiệp thực thi triệt để
4. Cung cấp thêm cho công dân các lựa chọn về rác và tái chế.
Giảm sút trong việc tham gia cộng đồng cộng đồng
Nhìn chung, giới trẻ Việt Nam cảm thấy họ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng địa phương, nhưng họ cũng cảm thấy xa rời các vấn đề lớn hơn mang tầm quốc gia. Phần lớn đáp viên cảm thấy họ có thể tiếp cận các dịch vụ cộng đồng tại nơi họ sinh sống (71%), thông tin về các sự kiện và hoạt động trong cộng đồng (61%), tham gia vào việc phát triển cộng đồng dân cư (56%), và tham gia vào các hoạt động xã hội của cộng đồng (65%). Nhìn chung, 61% cảm thấy họ nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư.
Điều này có lẽ dẫn đến ý kiến của hơn một nửa (55%) số người được khảo sát cho rằng họ sẽ đóng góp cho tương lai của Việt Nam thông qua việc phát triển cộng đồng. Nam thanh niên và những người trẻ sống ở khu vực nông thôn có xu hướng muốn đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng nhiều hơn nữ thanh niên và giới trẻ thành thị.
Giới trẻ sống ở khu vực nông thôn cảm thấy họ nhận được nhiều sự hỗ trợ và có tham gia vào cộng đồng tại địa phương, nhưng giới trẻ ở thành thị ít tham gia hoạt động ở cộng đồng hơn. Chỉ có một phần ba (27%) người tham gia khảo sát ở thành thị cho biết họ tham gia vào việc lập kế hoạch và ra quyết định trong cộng đồng; chỉ có 35% cảm thấy ý kiến của họ được cộng đồng coi trọng. Dữ liệu thu được từ các buổi thảo luận nhóm tập trung cho thấy sự gắn kết xã hội giữa những người sống cùng một khu trong các thành phố kém hơn các nơi khác. Người Việt Nam giờ đây ít giao lưu với hàng xóm do cuộc sống của họ đã thay đổi, mang tính cá nhân nhiều hơn, ngay cả ở khu vực nông thôn. Một nam đáp viên ở An Giang cho biết, “trước đây, hàng xóm láng giềng có mối quan hệ rất gần gũi và mọi người đều biết về cuộc sống của nhau. Nhưng giờ đây do cuộc sống bận rộn, nên mọi người chỉ quan tâm đến công việc của riêng họ” (Nam giới, Thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 16–19, An Giang).
Mặc dù giới trẻ có tham gia vào các cộng đồng địa phương nhưng tham gia các hoạt động cộng đồng như các câu lạc bộ hoặc các tổ chức ở thành thị là khá thấp. Một nửa số đáp viên (51%) cho biết họ có tham gia các tổ chức hoặc câu lạc bộ. Các đáp viên ở thành thị của đồng bằng sông Hồng (64%) và đồng bằng sông Cửu Long (61%) có xu hướng không tham gia vào các câu lạc bộ và tổ chức nhiều như các khu vực khác. Trong số các tổ chức xã hội, các nhóm thanh niên (24%), các câu lạc bộ thể thao/giải trí (18%), và công đoàn (14%) là phổ biến nhất. Người trẻ có bằng tốt nghiệp cấp ba hoặc cao hơn và người trên 20 tuổi có xu hướng tham gia vào các nhóm thanh niên hơn là người ít tuổi hơn và người có bằng tốt nghiệp cấp hai hoặc thấp hơn.