Thiếu tiếng nói và hành động

Một phần của tài liệu nghien-cuu-the-he-tre-viet-nam (Trang 66)

Trong các buổi thảo luận nhóm tập trung, phần lớn đáp viên đều đồng tình với nhận xét rằng họ cảm thấy tiếng nói của họ chỉ được bạn bè, gia đình hoặc bạn trên mạng xã hội coi trọng chứ không được các nhà chức trách lắng nghe. Trên toàn quốc, người tham gia khảo sát cho biết đây là một mối lo ngại lớn cho tương lai, với khoảng năm phần chín (55%) số người được hỏi cho biết họ quan ngại về việc thiếu cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Khi muốn tìm nơi để chia sẻ khó khăn, giới trẻ Việt Nam thường cảm thấy mình quá nhỏ bé nên không ai lắng nghe họ. Thay vì thể hiện ý kiến qua các cơ chế cũ hơn, giới trẻ Việt Nam thường sử dụng các kênh như mạng xã hội hoặc qua hình thức thay thế ít phổ biến hơn là các trang tin trực tuyến để thể hiện suy nghĩ và lo lắng của họ mà không sợ bị đánh giá:

Bọn em cảm thấy được lắng nghe ở trường, ở lớp [nhưng] đôi lúc bọn em không được coi trọng. Ở mạng xã hội, bọn em có thể thoải mái nói về bất kì điều gì bọn em muốn mà không phải lo về ý kiến của người khác.

Nam giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 16–19, Nghệ An

Nhìn chung, như đã đề cập đến ở phần trước, giới trẻ cảm thấy họ nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. Tuy nhiên, họ cảm thấy họ không có quyền đưa ra quyết định. Trong các buổi thảo luận nhóm tập trung, giới trẻ đưa ra ý kiến rằng để được xã hội lắng nghe cần có

quyền, có vị trí trong xã hội, hoặc có tiền. Hàng ngày, giới trẻ thấy rằng họ có rất ít quyền lực để gây ảnh hưởng tới xã hội, ngoại trừ thông qua mạng xã hội và trong nhóm gia đình và bạn bè thân thiết. Khi họ gặp phải hoặc chứng kiến các vấn đề xã hội như tham nhũng hay bạo lực, nhiều đáp viên thảo luận nhóm tập trung cho biết họ buộc phải chấp nhận chuyện đó và không trình báo do họ thấy rằng có trình báo cũng chưa chắc tạo ra thay đổi trong xã hội. Một số người cho biết khi họ thông báo với cơ quan chính quyền, họ được “lắng nghe” nhưng không được ghi nhận. Họ mong muốn được tự do lên tiếng về các vấn đề họ gặp trong xã hội. Ngoài ra, họ cũng mong muốn được thấy những hành động cụ thể được thực hiện để giải quyết những vấn đề họ phản hồi (Thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 25–30, địa điểm không công bố). Trong các buổi hội thảo đánh giá, khi được hỏi về các đề xuất mang tính xây dựng, giới trẻ cảm thấy rằng các chính sách công nói chung nên được điều chỉnh để hướng tới sự phát triển của xã hội và khuyến khích việc lắng nghe và coi trọng ý kiến của người dân.

Để lắng nghe tốt hơn và trao tiếng nói cho thế hệ trẻ, các đáp viên thế hệ trẻ đề xuất:

1. Tiếp tục tạo ra các nền tảng để hiện thực hóa quyền con người và tạo ra các không gian để lắng nghe tiếng nói của nhiều người hơn về xây dựng chính sách

2. Xây dựng các phương pháp hỗ trợ và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn và hiệu quả

3. Minh bạch với các hoạt động hoạch định chính sách và có cơ chế ngân sách tham gia nhiều hơn, đặc biệt ở cấp địa phương.

Một phần của tài liệu nghien-cuu-the-he-tre-viet-nam (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)