thương mại điện tử
Tinh thần kinh doanh rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Đáp viên ở cả phần nghiên cứu định tính và định lượng, bất kể xuất thân, đều thể hiện sự khao khát có kinh doanh riêng của mình. Trong các phỏng vấn và thảo luận nhóm, các đáp viên tự hào rằng khi có công việc kinh doanh riêng, họ sẽ có tiếng nói và tự do mà nếu chỉ thuần túy làm nhân viên thì sẽ không có được. Hơn một phần ba (37%) đáp viên được khảo sát cho biết họ có kế hoạch bắt đầu kinh doanh, trong đó 20% dự định thực hiện kế hoạch trong năm năm tới:
Tôi mơ có thể mở được một cửa hàng thời trang. Tôi dự định làm công việc này trong vài năm để kiếm đủ tiền, học kinh nghiệm kinh doanh từ sếp, rồi tự mở kinh doanh riêng.
Nữ giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 25–30, An Giang
Thế hệ trẻ Việt Nam coi khởi nghiệp là một cách để học nhanh bằng cách làm nhanh – vì họ phải tự mình làm. Trong các thảo luận và phỏng vấn, nhiều người nhấn mạnh rằng họ đang gây vốn trong khi đi làm để có thể tự kinh doanh trong tương lai. Các đáp viên thường nói sẽ bỏ học để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, dù nhiều người có thể e ngại khởi nghiệp do các nguy cơ và khó khăn tài chính nhưng đây vẫn là một lựa chọn được mong ước để kiếm sống.
Trong khi đó, với các đáp viên khuyết tật về thể chất, trở thành doanh nhân khởi nghiệp cho họ cơ hội được tự làm theo điều kiện của mình, mà không gặp khó khăn do khó di chuyển:
Tôi muốn mở một văn phòng nhỏ tại nhà nhận làm Photoshop. Vì khuyết tật thể chất nên tôi muốn làm việc ở nhà để không bị quá mệt. Nhưng giờ tôi chưa có đủ tiền hay năng lực để làm điều đó. Do đó [bây giờ] tôi chỉ tiếp tục học kĩ năng thôi.
Nam giới, phỏng vấn sâu, 24 tuổi, Yên Bái, khuyết tật thể chất
Các dự án quan trọng được các đáp viên thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu đề cập tới gồm cửa hàng thời trang, thực phẩm và đồ uống, siêu thị mini và nông sản hàng hóa như trồng ca cao. Cửa hàng thời trang trực tuyến cũng được một số người trong thảo luận nhóm tập trung xem là một ngành công nghiệp sinh lợi: “Tất cả chúng tôi đều muốn có công việc kinh doanh riêng. Có thể sẽ bận rộn, nhưng chúng tôi có thể là chủ của chính mình, [có thể] quản lý thời gian của mình, học hỏi nhanh hơn khi phải tự làm mọi thứ và cải thiện từ kinh nghiệm cá nhân.” (Nam giới, thảo luận nhóm tập trung, nhóm tuổi 25–30, Nghệ An).
Các doanh nhân khởi nghiệp thành công nhìn chung là lạc quan về bối cảnh khởi nghiệp mới và sôi động ở Việt Nam. Đặc biệt, họ háo hức với “những giải pháp số chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, mang lại nhiều giá trị cho sản phẩm và công việc [của chúng tôi]” và những cơ hội việc làm linh hoạt có được nhờ những công việc từ xa mới mẻ (phỏng vấn kiểm chứng, doanh nhân, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Họ cũng cảm thấy sự bùng nổ khởi nghiệp ở Việt Nam có thể đang hạ nhiệt về số lượng – nhưng lại gia tăng về chất lượng: “Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng nhanh chóng nhưng số liệu thống kê cho thấy 90% số đó sẽ hoạt động không hiệu quả trong ba năm đầu. Nhưng kể từ giờ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đi theo hướng phát triển sâu hơn chứ không tràn làn khắp nơi” (phỏng vấn sâu kiểm chứng với doanh nhân, Hà Nội).
Biểu đồ 25: Tỉ lệ (theo nhóm có việc làm hay đang đi học) có kế hoạch hoặc hứng thú kinh doanh riêng
37%
63% 59%
41%
Không/Không chắc
Dự định kinh doanh (đã đi làm) (n=754) Hứng thú kinh doanh riêng (đang đi học) (n=453)
Mặc dù hơn một phần ba (37%) người đang đi làm muốn mở kinh doanh riêng nhưng với những người chưa có việc làm, có tới 50% nói rằng muốn mở kinh doanh trong tương lai. Những người có kế hoạch kinh doanh – và những người đang đi làm – nhìn chung thích hoạt động trong dịch vụ nhà hàng (17%), bán buôn (17%), bán lẻ ngoại tuyến (16%) và dịch vụ chăm sóc cá nhân (11%). Những người chưa đi làm nhưng muốn kinh doanh thích các ngành như dịch vụ du lịch (13%), nông nghiệp (12%), bán lẻ trực tuyến (10%) và dịch vụ nhà hàng (8%).