Trong quá trình hoạt động, AGRIBANK Tây Hà Nội không chỉ duy trì các mối quan hệ tín dụng với các khách hàng cũ mà còn mở rộng các đối tượng khách hàng. Nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của DNV&N trong nền kinh tế quốc dân, AGRIBANK Tây Hà Nội đã coi việc mở rộng khách hàng là DNV&N cả về số lượng lẫn chất lượng là mục tiêu chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Bảng 2.3: tỷ trọng DNV&N/ tổng số DN có quan hệ tín dụng với AGRIBANK Tây Hà Nội giai đoạn 2009- 2011
Chỉ tiêu Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011
Tổng số DN 92 87 81
Trong đó: DNV&N 90 85 79
Tỷ trọng 97.8% 97.7% 97.5%
(Nguồn: báo cáo hoạt động tín dụng của AGRIBANK Tây Hà Nội giai đoạn 2009- 2011)
Tuy nhiên trên bảng ta thấy rằng số lượng khách hàng là DNV&N của chi nhánh giảm qua các năm. Năm 2009, số DNV&N được chi nhánh cấp tín dụng là 90 DN. Tới cuối năm 2010, số lượng DNV&N được cấp tín dụng là 85 DN ( giảm 5.6% so với năm 2009) và tới 31/12/2011 thì chỉ có 79 DNV&N ( giảm 7.1% so với năm 2010) được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Thực tế hầu hết các DNV&N được cho vay đều là những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng. Sự giảm về số lượng các DNV&N ở đây có thể được lý giải như sau:
- Về phía DNV&N: hiện tại có hai rào cản lớn khiến các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng là vì DN không biết cách lập báo cáo khả thi và đặc biệt là không thể hiện minh bạch vấn đề tài chính khi làm thủ tục vay vốn. Đối với báo cáo tính khả thi của một dự án, thông thường các DN có suy nghĩ rằng ý tưởng kinh doanh của mình “ngon”, nói ra sẽ bị “ăn cắp” và tính cạnh tranh sẽ rất thấp. Nếu nghĩ như vậy thì bản thân DN lại không đủ khả năng lập một báo cáo khả thi để có thể tiếp cận nguồn vay. Tuy nhiên, yếu tố quyết định hơn cả vẫn là vấn đề nội bộ tài chính của DN. Hầu hết các DNV&N không làm cho ngân hàng cảm thấy yên tâm về hệ thống sổ sách kế toán của mình. Có nhiều DN báo cáo thuế thì lỗ nhưng báo cáo tài chính lại thống kê là lãi. Như vậy thật là vô lý. Do đó, vấn đề nội bộ, DN phải làm sao cho sổ sách kế toán của mình phản ánh đúng hoạt động tài chính của DN trước sự thẩm định của ngân hàng. DN càng minh bạch hoạt động tài chính bao nhiêu thì càng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.
- Về phía ngân hàng: nguồn vốn huy động không đủ cung ứng cho nhu cầu vay của khách hàng, dẫn đến một thời gian chi nhánh không thể giải ngân, nên khách hàng thân thiết của chi nhánh đã sang ngân hàng khác thiết lập quan hệ vay vốn.
- Mặt khác, AGRIBANK Tây Hà Nội hoạt động trên địa bàn có rất nhiều ngân hàng nên gặp phải sự cạnh tranh rất lớn.
Có thể nói rằng, trong quá trình hoạt động, AGRIBANK Tây Hà Nội liên tục mở rộng tín dụng với DNV&N, tuy nhiên sự mở rộng này chưa khai thác được hết các tiềm năng. Trong tương lai, để thực hiện được mục tiêu này thì AGRIBANK Tây Hà Nội cần có những giải pháp đột phá.