6. Kết cấu của luận án
2.2.1 Khái niệm về vốn và huy động vốn trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Đối với DNKNST, cách tiếp cận về các nguồn lực của doanh nghiệp bao gồm nguồn lực nhân sự, nguồn lực xã hội, nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác thuộc về đặc điểm chung của doanh nghiệp (Clough và cộng sự, 2018). Những nguồn lực này thường được gọi là vốn nhân lực, vốn xã hội, vốn tài chính và các vốn khác. Do đó, nhằm tránh hiểu nhầm về thuật ngữ “vốn” sử dụng trong luận án, cụm từ “huy động vốn” là nhằm chỉ huy động vốn tài chính.
Vốn là yếu tố rất quan trọng đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Vốn là một phạm trù được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên dưới góc độ nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp, vốn chính là biểu hiện bằng tiền, là giá trị của tài sản mà doanh nghiệp đang nắm giữ(Nguyễn Thu Thuỷ, 2011). Theo nguồn hình thành tài sản của doanh
nghiệp, nguồn vốn của doanh nghiệp có thể được huy động từ hai nguồn chính đó là nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay. Mỗi loại nguồn vốn huy động có các đặc điểm riêng do đó trong từng thời kỳ, các doanh nghiệp thường vận dụng linh hoạt cơ cấu vốn nhằm đạt được mục tiêu tối đa hoá hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Huy động vốn là quá trình doanh nhân tìm kiếm các nguồn vốn để phục vụ mục đích tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời nhà sáng lập cần phải xác định được giá trị cần huy động vốn, giá trị nên huy động vốn, thời gian và các nguồn mà minh cần huy động vốn (Yazdipour, 2010). Trong khi huy động vốn của doanh nghiệp thường tập trung vào kết hợp giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu thì huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào vốn chủ sở hữu từ bên ngoài doanh nghiệp (Drover và cộng sự, 2017).
Nghiên cứu về huy động vốn cho khởi nghiệp được chú ý mặc dù đây là nhánh nghiên cứu mới bởi vì hoạt động huy động vốn hoặc đầu tư tài chính ở các doanh nghiệp thông thường khác với cách tiếp cận này. Cụ thể, các lý thuyết tài chính cho doanh nghiệp thường xem nhẹ các yếu tố lại là quan trọng tới việc ra quyết định của doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự khác biệt này làm cho tài chính khởi nghiệp trở thành một lĩnh vực nghiên cứu đầy thách thức và cần được quan tâm nghiên cứu. Việc tập trung tinh thần doanh nhân ở giai đoạn đầu khởi nghiệp đã thay đổi đáng kể các mô hình ra quyết định tài chính doanh nghiệp truyền thống.
Theo Smith & Smith (2019) tồn tại sự khác biệt giữa huy động vốn khởi nghiệp và huy động vốn thông thường. Đó là tính không thể tách rời của các quyết định đầu tư và các quyết định huy động vốn. Huy động vốn cho khởi nghiệp đề cao vai trò quan trọng của đa dạng hoá danh mục đầu tư, sự tham gia quản lý doanh nghiệp của các nhà đầu tư vào dự án mới, sử dụng hợp đồng đầu tư để khuyến khích sự trao đổi thông tin trong quá trình đầu tư. Ngoài ra việc có kế hoạch thoái vốn cũng được đặt nặng trong đầu tư cho khởi nghiệp, cũng được xem là yếu tố quyết định sự thành công của thương vụ đầu tư.
Tóm lại, huy động vốn cho khởi nghiệp sáng tạo là việc huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng và theo đuổi cùng giá trị hướng đến thị trường. Các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo luôn hướng đến các nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển chung của doanh nghiệp. Phần sau bàn về nhiều hìnhthức huy động vốn của DNKNST, tuy nhiên luận án tiếp cận dưới hình thức huy động vốn sở hữu.