6. Kết cấu của luận án
2.3.2 Lý thuyết Thông tin bất cân xứng (Asymetric information theory)
Bất cân xứng thông tin là tình trạng một bên có nhiều thông tin hơn hoặc tốt hơn bên kia (Ankerlof, 1976). Trong đầu tư khởi nghiệp, doanh nhân là người có nhiều thông tin hơn bởi vì họ là
người điều hành doanh nghiệp và nắm được các thông tin bên trong doanh nghiệp, và nhà đầu tư là người có ít thông tin hơn, do đó xảy ra hiện tượng bất cân xứng thông tin. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vấn đề này gây ra sự khó khăn về tài chính của các công ty khởi nghiệp (Landström 2017; MacIntosh 1994; Sahlman 1990; Wilson , Wright và Kacer 2018).
Cụ thể các vấn đề liên quan đến sự bất cân xứng thông tin là các vấn đề về đại diện (Jensen và Meckling, 1976). Những vấn đề này hình thành bởi sự xuất hiện của các thông tin và hành động bí mật giữa các bên (Amit và công sự, 1998). Thông tin ẩn đề cập đến tình huống trong đó một bên sử hữu thông tin liên quan mà bên kia không biết, ví dụ: các doanh nhân có nhiều thông tin về hoạt động kinh doanh của họ hơn là các nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư đưa ra những lựa chọn bất lợi (adverse selection) khi mà không phân biệt được các sự án khởi nghiệp tốt và không tốt để đầu tư. Ngoài ra các hành động ẩn có xu hướng dẫn đến vi phạm về “rủi ro đạo đức”. Điều này xảy ra khi một bên không thể theo sát được các hành động liên quan do bên kia thực hiện, ví dụ một doanh nhân đã nhận vốn, họ có thể chi cho các khoản không phù hợp với lợi ích của nhà đầu tư. Mặt khác, vấn đề bất cân xứng thông tin có thể tiếp cận từ khía cạnh các doanh nhân trẻ không quan với quy trình gọi vốn của các nhà đầu tư và đôi khi nhà đầu tư giữ lại một số thông tin nhất định khiến doanh nhân gặp một số rủi ro ( Carpentier và Suret 2006; Landström 2017). Doanh nhân thiếu kinh nghiệm và kiến thức thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư tốt. Đồng thời việc lựa chọn các giải pháp huy động vốn khác nhau cũng có thể dẫn đến sự lựa chọn bất lợi cho doanh nhân do thiếu kiến thức và kinh nghiệm về ưu điểm và nhược điểm của các hình thức tài trợ vốn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư sau khi tham gia tài trợ vốn thường tham gia đáng kể vào hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp (Gorman và Sahlman, 1989; Gompers và Lerner, 2004; Hellmann và Puri, 2000). Tuy nhiên sự tham gia đối với hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư thường tạo ra các vấn đề tiềm ẩn rủi ro đạo đức đối với doanh nhân (De Bettignies và Brander, 2007). Nhà đầu tư thường có một danh mục đầu tư riêng, có nghĩa rằng rủi ro của nhà đầu tư khác với rủi ro của doanh nghiệp, các nhà đầu tư vì thế có thể thúc đẩy doanh nghiệp chấp nhận mức rủi ro quá mức (Manigart, Baeyens và Van Hyfte, 2002). Mặt khác nhà đầu tư thường sẽ phân bổ một giá trị đầu tư nhất định trong khoảng chấp nhận so với các doanh nghiệp khác trong danh mục đầu tư. Do đó việc phân bổ các nguồn lực thực tế có thể khấc rất nhiều so với những yêu cầu và mong đợi của một doanh nghiệp (Gifford, 1997). Ngoài ra các nhà đầu tư thường phải thoái vốn khoản đầu tư của họ trỏng một số năm nhất định để mang lại lợi nhuận, điều này có thể khiến cho các nhà đầu tư rút lui sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Sự khác biệt giữa hành vi dự định và thực tế sau đầu tư của các nhà đầu tư có thể được xem là ẩn giấu thông tin ẩn và hành động ẩn. Do đó khi bàn về hiện tượng thông tin bất cân xứng thường cân nhắc đến cả hai chiều, đó là về phía doanh nhân và cả về phía nhà đầu tư. Luận án lấy lý thuyết thông tin bất cân xứng để làm nền tảng cho việc lý giải hành vi của các bên khi tham gia vào hoạt động huy động nguồn lực từ bên ngoài doanh nghiệp.