6. Kết cấu của luận án
5.2.1 Một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
DNKNST là đối tượng hướng đến chính của luận án, do đó các hàm ý về mặt thực tiễn xoay quanh đối tượng này là chủ yếu. Các nhóm đề xuất được chia làm hai nhóm, đề xuất đối với doanh nhân và đề xuất đối với doanh nghiệp. Nhóm khuyến nghị đối với doanh nhân bao gồm: (i) Trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp càng
sớm càng tốt; (ii) Đầu tư phát triển vốn xã hội thông qua các cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài; (iii) Phát triển vốn xã hội thông qua trau dồi kỹ năng ngôn ngữ, làm việc nhóm, đàm phán và khả năng học tập suốt đời. Nhóm khuyến nghị đối với doanh nghiệp bao gồm: (iv) Lựa chọn và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với doanh nghiệp; (v) Xây dựng mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các quỹ đầu tư ngay từ sớm; (vi) Tập trung phát triển giải pháp, đầu tư tính mới và tính khác biệt, ưu tiên thử nghiệm sớm và học tập thông qua thất bại.
(i) Trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp càng sớm càng tốt. Doanh nhân, hoặc những cá nhân mong muốn trở thành doanh nhân có thể trau dồi kỹ năng khởi nghiệp của mình thông qua các cuộc thi hoặc các dự án tự kinh doanh để học được các kỹ năng cần thiết khi điều hành một doanh nghiệp. Một trong những kỹ năng được đánh giá cao nhất đó là giúp doanh nghiệp tồn tại. Kỹ năng này được các nhà đầu tư đánh giá cao khi mà hầu hết các DNKN đặc biệt DNKNST phải đối mặt hằng ngày với việc phát triển sản phẩm, tìm khách hàng và sống. DNKN cần trang bị tốt hơn kiến thức về tài chính và huy động vốn để có thể tiếp cận và kêu gọi vốn đầu tư thành công. Thúc đẩy tài chính DNKN từ cả phía cung và phía cầu sẽ đảm bảo thành công lớn hơn của các DNKN Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, từng bước xây dựng nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Sau khi doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của nhà đầu tư như định vị chiến lược, kiến thức tài chính, cơ hội mở rộng thị trường…
(ii) Đầu tư phát triển vốn xã hội thông qua các cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, thông tin và các nguồn lực là những yếu tố cho phép và giúp chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh tốt hơn, từ đó, dẫn đến mức độ động viên và kết quả kinh doanh cao hơn. Thông tin có chất lượng cao, liên quan và kịp thời là một đầu vào rất quan trọng trong cả kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn. Qua đó, cho phép các chủ doanh nghiệp hoạch định chiến lược và thực hiện chiến lược hiệu quả. Tương tự như vậy, các nguồn lực sẽ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh và kết quả kinh doanh của công ty. Việc tiếp cận nguồn lực và các nguồn thông tin có thể tạo ra sự ảnh hưởng và quyền lực mà cho phép các chủ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, việc liên kết với những chủ thể khác trong mạng lưới có thể làm tăng vị thế của các công ty. Do đó, những lợi ích mạng lưới các chủ doanh nghiệp đạt
được có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của họ. Các chủ doanh nghiệp đã đạt được các thông tin và nguồn lực có giá trị dường như có kết quả kinh doanh cao hơn so với những doanh nghiệp không có các thông tin và nguồn lực có giá trị. Để huy động vốn thành công, bản thân người làm công tác quản trị trong DN khởi nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu đầu tiên. Thực tế, nếu chuẩn bị kỹ càng và có hệ thống sẽ giúp DN khởi nghiệp nắm bắt được các cơ hội huy động vốn. Các NĐT chỉ đầu tư vào DN khởi nghiệp nếu họ thấy được tiềm năng phát triển.
(iii) Phát triển kỹ năng ngôn ngữ, làm việc nhóm, đàm phán và khả năng học tập suốt đời. Thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại của tri thức, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, công nghệ mới với vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp, động lực và phương thức phát triển mới. Quá trình số hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với kinh tế số, nền sản xuất thông minh, xã hội số, các hình thái mới về tiêu dùng, lối sống; xu thế cải cách, đổi mới tư duy, quản trị quốc gia, doanh nghiệp, xu hướng chính sách vị dân … gắn với phát triển bền vững và công nghệ số. Những điều này tác động mạnh mẽ và đặt ra những đòi hỏi mới không chỉ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam mà còn đối với lực lượng cán bộ nói chung làm việc trong môi trường trong nước, nhưng có tính chất quốc tế ngày càng cao. Vấn đề đào tạo về xây dựng đội ngũ cán bộ như vậy càng trở nên cấp thiết khi sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và các tỉnh, thành đều gắn với và phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài với mức độ ngày càng tăng. Bên cạnh việc phải nắm vững kiến thức chuyên sâu, xu thế của thế giới thế kỷ 21 và kỷ nguyên số là đề cao tầm quan trọng các các kỹ năng mềm, nhất là trong thời đại 4.0. Hiện nay, các nước trên thế giới nói chung và tại Châu Á nói riêng đang hình thành một cuộc cách mạng về tư duy đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, kỹ năng cần có cho người lao động trong thế kỷ 21.
Trong rất nhiều tình huống, bên cạnh các kỹ năng nền tảng, các kỹ năng mềm đóng vai trò quyết định thành công hay thất bại của cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế. Do vậy, cán bộ cần được chú trọng đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng mềm như: Kỹ năng thích ứng thay đổi và xử lý khủng hoảng; kỹ năng tác chiến độc lập và làm việc nhóm; xây dựng và phát triển mạng lưới quan hệ; kỹ năng thuyết trình, đàm phán, trả lời phỏng vấn, ứng xử trên môi trường mạng xã hội, chủ trì hội nghị, hội thảo quốc tế; kỹ năng giao tiếp liên/đa văn hóa. Đặc biệt, cần chú trọng rèn luyện và bồi dưỡng phong cách chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế. Bởi mỗi người cán bộ là đại diện, là đại
sứ văn hóa cho Việt Nam trong mắt của đối tác và các nhà đầu tư. Phong cách chuyên nghiệp của cán bộ nhằm giúp việc hợp tác đạt hiệu quả hơn và thúc đẩy hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong tâm thức của bạn bè quốc tế. Do thế giới biến động nhanh, khó lường và yêu cầu công việc đặt ra thường ở cường độ cao, nhiều bất ngờ, người cán bộ cần rèn luyện khả năng sáng tạo và thích ứng linh hoạt. Sáng tạo bao gồm sự đổi mới tư duy và cách làm, để cũng một công việc, mục đích đó nhưng có thể thực hiện hiệu quả, nhanh và bớt hao tốn nguồn lực hơn; hoặc tạo ra những khuôn khổ, cách làm mới với kết quả tốt hơn.
(iv) Lựa chọn và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với doanh nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, theo lãnh đạo Chính phủ, cần có sự tham gia, góp sức mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng đất nước. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì ưu tiên hơn là tập trung nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển; đặc cần tìm ra, khơi dậy, tạo điều kiện để những cộng đồng doanh nghiệp start-up lớn mạnh thật nhanh, có sức bật lớn. Vì vậy, việc tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội để DN cọ sát và phát triển. Tăng cơ hội tiếp xúc sớm với các quỹ đầu tư.
(v) Xây dựng mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các quỹ đầu tư ngay từ sớm.
Hiện nay số lượng quỹ đầu tư và nhà đầu tư khởi nghiệp hoạt động tích cực tại thị trường Việt Nam là khá lớn, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận và lựa chọn được quỹ đầu tư phù hợp. Vì vậy để giảm thiểu tình trạng thiếu hiểu biết về hình thức tài chính cũng như cách thức và tiêu chí lựa chọn DNKNST của các quỹ cũng là một yếu tố hạn chế khả năng huy động vốn của DNKNST. Theo đó doanh nghiệp cần trau dồi kiến thức, chủ động kết nối với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để gia tăng hiểu biết và xây dựng niềm tin với các quỹ đầu tư.
(vi) Tập trung phát triển giải pháp, đầu tư tính mới và tính khác biệt, ưu tiên thử nghiệm sớm và học tập thông qua thất bại. DN khởi nghiệp sáng tạo cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong vòng 3-5 năm cũng như có kế hoạch tài chính rõ ràng để hỗ trợ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kế hoạch cần cụ thể, thực tế không đầu tư dàn trải. Hệ thống sổ sách kế toán của DN phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi NĐT
tìm hiểu sâu về DN… DN cần hiểu rõ bài toán thị trường trong khi huy động vốn bởi các NĐT, quỹ mạo hiểm luôn tìm kiếm những DN có tiềm năng phát triển và các sản phẩm của DN phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, sản phẩm, ý tưởng kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính, dự báo dòng tiền, định giá doanh nghiệp. Kế hoạch tài chính phải có sức thuyết phục để chứng minh được cơ sở của các giả định có trong mô hình. kế hoạch này phải xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Bởi vì, kế hoạch tài chính tốt sẽ là cơ sở để định giá doanh nghiệp dựa trên các phương pháp định giá hợp lý.
(v) Tham gia các hình thức huy động vốn mới như huy động vốn cộng đồng
Huy động vốn cộng đồng theo vốn chủ sở hữu là một nền tảng thu hút nguồn vốn đầu tư nhỏ lẻ từ nhiều đối tượng khác nhau (trong nước và nước ngoài) vào một doanh nghiệp khởi nghiệp để đổi lấy một phần vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp đó. Vốn đầu tư thường được đánh đổi với phần cổ phần không kiểm soát của doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khi trưởng thành. Ngoài mục đích huy động vốn, đây còn là phương thức để doanh nghiệp khởi nghiệp kiểm chứng liệu thị trường có quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ mình định cung cấp hay không. Chính vì những lợi ích này mà nhiều quốc gia trong thời gian qua đã xây dựng khung pháp lý quy định hoạt động huy động vốn cộng đồng theo vốn chủ sở hữu như Đạo luật JOBS của Hoa Kỳ (2012) hay quy định của Malaysia, quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á, về huy động vốn từ cộng đồng theo vốn chủ sở hữu. Khung pháp lý này không chỉ giúp giảm thiểu quy định về cơ sở và cách vận hành của hoạt động huy động vốn cộng đồng theo vốn chủ sở hữu so với các nền tảng giao dịch chứng khoán khác mà còn có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thông thường, các doanh nhân bắt đầu bằng nguồn tài chính không chính thức từ tiền tiết kiệm của chính họ, các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Các nghiên cứu cho thấy 95% doanh nghiệp giai đoạn đầu huy động vốn từ ba nguồn cơ bản này (Krishnan, 2010). Hầu hết thời gian tiết kiệm của một doanh nhân hoặc tiền từ bạn bè hoặc người thân là không đủ. Đặc biệt khi tài trợ cho các dự án đổi mới có tiềm năng tăng trưởng cao thì nhu cầu tài chính cao và cần có các nguồn tài chính mới. Do khu vực đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh sáng tạo từ khi mới hình thành và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các sáng kiến thành tinh thần kinh doanh vẫn chưa phát triển ở các nước đang phát triển, nên nhiều ý tưởng kinh doanh ở đó không
thể tìm thấy cơ hội tồn tại. Trước khi chuyển sang các nhà đầu tư lớn hơn, các DNKNST cần xây dựng niềm tin bằng những khoản đầu tư ban đầu, cùng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đầu tư cho ý tưởng của họ (Lopac, 2007).
Tóm lại, đảm bảo nguồn vốn thường xuyên để hoạt động và phát triển là một trong những vấn đề cốt lõi cần quan tâm của mỗi DN khởi nghiệp. Luận án đưa ra một số gợi ý về các công cụ có thể dùng để huy động vốn ở Việt Nam cũng như các công việc mà DN cần chuẩn bị trước và sau khi huy động vốn. Với sự đồng hành của Chính phủ kiến tạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc tạo nhiều cơ chế thông thoáng, ưu tiên cho các DN khởi nghiệp sẽ tạo cơ hội để các DN khởi nghiệp tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức khác nhau.