8. Cấu trúc của luận văn
2.5.2. Quản lý việc sử dụng phần mềm dạy học và truy cập Internet hiệu quả
a. Quản lý việc sử dụng phần mềm dạy học
Đầu năm học, Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong năm học và yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các trường xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch tập huấn chuyên môn, kế hoạch trọng tâm công tác chuyên môn, kế hoạch hoat động chuyên môn, ban hành quy chế chuyên môn đều có nội dung tổ chức tập huấn CNTT cho giáo viên, sử dụng các phần mềm dạy học, tổ chức hội thi giáo viên ứng dụng CNTT trong dạy học, yêu cầu giáo viên thường xuyên ứng dụng CNTT vào dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, 100% cán bộ quản lý các trường tiểu học chỉ có trình độ tin học cơ bản, một số thì lớn tuổi không thành thạo về sử dụng máy tính, phần mềm, những giáo viên cũng không có kiến thức chuyên sâu về tin học nên còn hạn chế khi sử dụng phần mềm dạy học. Vì vậy thực trạng quản lý việc sử dụng phần mềm dạy học ở các trường còn nhiều hạn chế.
Trong quá trình điều tra thực tế ở các trường cho thấy: Trong tổng số 19 CBQL thì chỉ có 7 CBQL quan tâm đến các phần mềm dạy học. Từ thực trạng về việc sử
dụng các phần mềm dạy học của đội ngũ GV các trường cũng nói lên điều ấy. Những GV của 7 trường được hỏi về sự quan tâm của CBQL đối với việc sử dụng phần mềm dạy học của họ thì thu được kết quả: 80% GV cho rằng việc có sử dụng hay không sử dụng các phần mềm dạy học là không bắt buộc, 100% GV cho rằng họ chưa bao giờ được tham gia các lớp tập huấn để nghiên cứu về các phần mềm dạy học, 90% GV cho rằng họ không nhận được sự hỗ trợ về CNTT khi họ tiến hành soạn giảng bằng GADHTC có ứng dụng CNTT. Từ kết quả điều tra ở trên cho thấy việc sử dụng các phần mềm dạy học của đội ngũ GV ở 11 trường tiểu học của huyện Bắc Trà My chưa được đội ngũ CBQL các trường quan tâm nhiều. Trong khi đó muốn thiết kế được một GADHTC có ứng dụng CNTT thì việc sử dụng các phần mềm dạy học để thiết kế các tư liệu điện tử phù hợp với một số nội dung của GADHTC có ứng dụng CNTT là hết sức cần thiết. Vì các nhà trường còn yếu ở khâu này nên đây là một trong những nguyên nhân khiến cho GV tham gia soạn giảng bằng GADHTC có ứng dụng CNTT vẫn còn quá ít.
b. Quản lý việc truy cập Internet hiệu quả
Trong xã hội thông tin, Internet là một kho tài nguyên thông tin chuyên môn vô tận và vô cùng cần thiết trong hoạt động nghề nghiệp của GV. Khai thác tài nguyên Internet để dạy học là một kỹ năng trọng yếu của GV trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Do đó, có thể nói kỹ năng khai thác, sử dụng Internet là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của GV hiện nay. Nó sẽ giúp người GV trong việc tìm kiếm, xử lý thông tin, trong trao đổi với đồng nghiệp, HS và nhiều việc khác nữa. Nhờ có Internet, GV có thể tham khảo các kiến thức trên mạng bất cứ lúc nào. Internet mở ra một triển vọng to lớn trên con đường tự nâng cao kiến thức, tạo cho GV cơ hội trong việc tự học, tự phát triển năng lực nghề nghiệp.
Qua Internet, GV còn có thể trao đổi thông tin bằng hộp thư điện tử (Email). GV cần biết thao tác cơ bản trong việc nhận, xem và gửi thư điện tử, đồng thời cần có ý thức và cách thức làm việc thông qua hộp thư điện tử: nhận thời khóa biểu, lịch công tác của nhà trường, thông báo việc học của học sinh cho phụ huynh, nhắc nhở công việc, giải đáp thắc mắc cá nhân...Thông qua Internet, GV còn giao tiếp và hợp tác trong chuyên môn với đồng nghiệp, với các đối tác quan trọng khác như phụ huynh học sinh, các nhà QLGD và các lực lượng xã hội có liên quan.
Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My đã tổ chức được mốt số lớp tập huấn truy cập và khai thác tư liệu trên Internet, ngoài ra còn yêu cầu các trường tập hợp, lưu trữ các tư liệu số phục vụ công tác chuyên môn, tuy nhiên kĩ năng khai thác và sử dụng Internet để phục vụ cho việc dạy học cũng như giải quyết các công việc khác của GV các trường tiểu học còn nhiều hạn chế. Hầu hết việc truy cập Internet mới chỉ dừng lại ở việc tham khảo chứ chưa vận dụng hiệu quả, số tư liệu điện tử khai thác trên Internet và lưu trữ trên máy vi tính còn ít. Đây là một vấn đề mà Phòng GD&ĐT, CBQL trường học trên địa bàn huyện cần phải quan tâm và đề ra biện pháp khắc phục một
cách hợp lý.
Quản lý việc truy cập Internet hiệu quả của học sinh trong các giờ học trực tuyến cũng là điều cần quan tâm. Các năm học gần đây, Bộ GD&ĐT tổ chức các vòng thi, kì thi giải Toán qua Internet (Violympic), giải Tiếng Anh trên Internet (IOE, OTE) nhưng không có trường tiểu học tham gia, chỉ có 70% trường tiểu học có bồi dưỡng cho học sinh tham gia thi Olympic tiếng Anh (OTE). Qua khảo sát thực tế cho thấy nhiều trường vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát học sinh truy cập Internet cũng như việc tham gia các cuộc thi trên internet do không có điều kiện.