5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN
1.4.2. Sản xuất hợp chất thứ cấp từ cây đinh lăng lá nhỏ
Do đinh lăng lá nhỏ có chứa nhiều thành phần hợp chất thứ cấp có giá trị giống nhân sâm nên các nghiên cứu nuôi cấy tế bào đinh lăng lá nhỏ để thu nhận hợp chất thứ cấp đã được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố trong khoảng 10 năm trở lại đây. Kochkin và cs (2014) đã tiến hành nghiên cứu sự thay đổi về số lượng và thành phần của các polyscioside riêng lẻ hình thành trong chu kì nuôi cấy 21 ngày của quá trình nuôi cấy tế bào cây P. fruticosa. Bốn loại polyscioside (oleanolic acid glycoside) đã được xác định bao gồm ladiginoside A, polyscioside A, polyscioside E và glucopyranosyl-(1-2)-
glucuronopyranosyl-3-oleanolic acid-28-este glucopyranosyl. Sự xuất hiện của tất cả 4 loại glycoside đã được thể hiện trong toàn bộ quá trình nuôi cấy. Các thành phần chính là ladyginoside A và polyscioside E với tỷ lệ phần trăm trong giai đoạn cấy chuyển tương ứng lên đến 70% và 40%. Hàm lượng cao nhất của glycosides tổng số (0,5% khối lượng khô) được quan sát vào ngày thứ 14 của quá trình nuôi cấy, ở cuối giai đoạn lũy thừa của đường cong sinh trưởng. Đặc biệt, ladyginoside A là glycoside chính và không phân cực nhất trong số những chất được xác định với sự tổng hợp tương đối ổn định trong quá trình nuôi cấy tế bào và không thể đạt được bằng sản xuất từ cây trồng tự nhiên [56].
Tại Việt Nam, Phạm Văn Lộc và cs (2014) đã nghiên cứu tạo rễ bất định cây đinh lăng lá nhỏ bằng phương pháp nuôi cấy in vitro. Mẫu lá được cấy vào môi trường MS có bổ sung 2,4-D để cảm ứng tạo callus. Callus được cấy chuyền sang môi trường MS có bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng thực vật để cảm ứng tạo rễ. Kết quả cho thấy, bổ sung 2 mg/L 2,4-D cho tỷ lệ tạo callus 100%. Bổ sung 0,1 mg/L NAA và 1 mg/L IBA cho tỉ lệ tạo rễ cao và số lượng rễ tạo ra nhiều. Kết quả này mở ra triển vọng trong nghiên cứu nuôi cấy rễ cây đinh lăng lá nhỏ nhằm mục đích thu nhận saponin ở quy mô lớn hơn [9]. Sự phát sinh cơ quan từ nuôi cấy callus đinh lăng lá nhỏ cũng được Trương Thị Bích Phượng và cs (2017) nghiên cứu. Callus 8 tuần tuổi hình thành từ gốc của bẹ lá trên môi trường MS bổ sung 30 g/L sucrose, 8 g/L agar, 1 mg/L 2,4-D được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho nuôi cấy huyền phù. Môi trường MS bổ sung 30 g/L sucrose, 1,5 mg/L 2,4-D là thích hợp nhất cho việc nhân sinh khối tế bào. Sự hình thành phôi và rễ tốt nhất trên môi trường MS bổ sung 30 g/L sucrose, 1,5 mg/L NAA [17].