ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG NUÔI CẤY LÊN SINH

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và tích lũy oleanolic acid trong tế bào đinh lăng (Polyscias fruticosa L. Harms) nuôi cấy in vitro. (Trang 88 - 89)

5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN

4.1.ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG NUÔI CẤY LÊN SINH

TRƯỞNG CỦA CALLUS

4.1.1. Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng

Ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng thực vật lên sự sinh trưởng của callus đinh lăng lá nhỏ đã được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố. Chẳng hạn, Đỗ Tiến Vinh và cs (2015) đã nghiên cứu tạo callus từ lá đinh lăng lá nhỏ trên môi trường cơ bản MS có bổ sung 2 mg/L 2,4-D, 1 mg/L KIN, 30 g/L sucrose cho tỷ lệ tạo callus 94,63%. Môi trường cơ bản MS có bổ sung 1 mg/L 2,4-D, 0,5 mg/L KIN, 30 g/L sucrose và 10% nước dừa thích hợp cho nuôi cấy tăng sinh khối callus với tốc độ tăng sinh là 19,83 lần [21]. Theo Trịnh Việt Nga và cs (2017), sử dụng môi trường có bổ sung 2 mg/L 2,4-D cho tỷ lệ mẫu tạo mô sẹo cao nhất ở cả cuống lá và phiến lá, tỷ lệ trung bình đạt 98,3% và khác biệt so với các nồng độ 2,4-D còn lại [15]. Theo Trương Thị Bích Phượng và cs (2017), môi trường cơ bản MS chứa 30 g/L sucrose và 1,5 mg/L 2,4-D là thích hợp nhất cho việc nhân sinh khối callus đinh lăng lá nhỏ sau 12 tuần nuôi cấy [17]. Tô Thị Nhã Trầm và cs (2020) nhận thấy mẫu lá đinh lăng lá nhỏ được sử dụng để làm vật liệu ban đầu trong nuôi cấy tạo mô sẹo có khả năng phát sinh phôi soma và tạo cây hoàn chỉnh [19],… Các nghiên cứu trên có đặc điểm chung là nghiên cứu phát sinh callus từ lá (phiến lá, cuống lá) với mục đích chính là nhân giống cây này thông qua quá trình phát sinh phôi soma từ callus.

Khác với các nghiên cứu trên, mục đích của đề tài này là tìm được dòng tế bào sinh trưởng nhanh, chất lượng tốt và đảm bảo các yêu cầu để làm nguyên liệu nuôi cấy tế bào huyền phù. Trong 3 loại callus đã được đánh giá,

callus có nguồn gốc từ thân phù hợp hơn callus có nguồn gốc từ lá và rễ. Callus có nguồn gốc từ thân có màu vàng, dạng hạt rời rạc, phù hợp để nuôi cấy tế bào huyền phù nên được lựa chọn cho các nghiên cứu tiếp theo. Môi trường cơ bản MS có bổ sung 1 mg/L 2,4-D và 0,5 mg/L KIN tốt nhất cho sự sinh trưởng của callus thân, khối lượng tươi và khối lượng khô trung bình của callus đạt cao nhất (lần lượt là 123,9 mg và 8,8 mg).

So với các công bố khác, nhìn chung khả năng sinh trưởng của callus thân không tốt bằng callus lá. Theo Trịnh Việt Nga và cs (2017), mẫu phiến lá nuôi cấy trên môi trường MS có bổ sung 2,4-D ở các nồng độ 1, 2 và 3 mg/L có đường kính mô sẹo lần lượt đạt 1,6 cm, 1,9 cm và 1,5 cm và có sự khác biệt so với mô sẹo hình thành từ cuống lá. Khối lượng mẫu tươi trung bình lớn hơn ở mẫu phiến lá (127,3 mg) và có sự khác biệt so với mô sẹo hình thành từ mẫu cuống lá. Mẫu phiến lá trên môi trường MS có bổ sung 2,4-D nồng độ 2 mg/L cho khối lượng mô sẹo lớn nhất (219,7 mg) [15]. Sự khác biệt này có thể do nguồn mẫu vật sử dụng ban đầu khác nhau, môi trường nuôi cấy khác nhau để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khác nhau. Callus có nguồn gốc từ lá phù hợp cho việc nhân giống trong khi callus có nguồn gốc từ thân phù hợp cho nuôi cấy tế bào huyền phù.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng và tích lũy oleanolic acid trong tế bào đinh lăng (Polyscias fruticosa L. Harms) nuôi cấy in vitro. (Trang 88 - 89)