2.1.1. Đại học Huế
Đại học Huế là một trong những trường đại học có chất lượng đào tạo báo chí tốt nhất cả nước. Sau khi được đào tạo, giảng dạy, sinh viên học ngành báo chí, truyền thông của trường có các kỹ năng của cán bộ làm công tác phóng viên, biên tập viên các toà soạn báo, các đài phát thanh, truyền hình; có kỹ năng tổ chức quản lý và thực hiện các hoạt động báo chí - truyền thông ở các tỉnh, thành phố; có khả năng đề xuất giải pháp hoặc phản biện các vấn đề thuộc lĩnh vực báo chí - truyền thông, có khả năng nghiên cứu về báo chí - truyền thông, nắm bắt các hoạt động và hình thức báo chí - truyền thông hiện đại trên thế giới.
2.1.2. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu ở Việt Nam.
Hơn một phần tư thế kỷ đã qua kể từ sự kiện lần đầu lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một trường đại học hàng đầu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Đến nay, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Báo chí và Truyền thông đã từng bước khẳng định vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí nước nhà.
Học tập và làm việc trong môi trường đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên của Viện được tiếp cận và truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc những phông nền kiến thức quan trọng, giúp các nhà báo tương lai có sự hiểu biết xã hội toàn diện cùng với kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu. Đây cũng là cơ sở đào tạo
báo chí truyền thông có hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đồng bộ nhất ở Việt Nam hiện nay.
Từ nơi đây, hàng ngàn sinh viên và học viên sau đại học, nghiên cứu sinh đã ra trường, gia nhập cộng đồng báo chí truyền thông cả nước và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước với các công trình khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ - Ngành, là một trong những đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông với nhiều cơ quan tổ chức báo chí nước ngoài.
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn luôn phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.
2.1.3. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Năm 2015, Khoa Báo chí và Truyền thông (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) và liên thông với môi trường đào tạo quốc tế.
Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay có 20 cán bộ giảng dạy. Ngoài ra, tham gia giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo còn có sự cộng tác thường xuyên của hơn 90 giảng viên mời là giảng viên của Trường, cán bộ quản lý báo chí, nhà báo và các chuyên gia truyền thông nhiều kinh nghiệm.
Hàng năm, Khoa Báo chí và Truyền thông quản lý và đào tạo gần 1.000 sinh viên (gồm các lớp chính quy, văn bằng 2 và tại chức) tại TP.HCM và một số tỉnh ở khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Khoa cũng được trang bị các điều kiện về học liệu và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập và thực hành của sinh viên ngành báo chí và truyền thông.
Sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Báo chí và Truyền thông có khả năng làm phóng viên, bình luận viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tấn viên cho các cơ quan truyền thông đại chúng như báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo trực tuyến, hãng thông tấn, các cơ quan xuất bản, quảng cáo, quan hệ công chúng,... Các cử nhân Báo chí và Truyền thông còn có khả năng làm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về truyền thông; làm cán bộ chức năng trong các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản; hoặc thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi những kiến thức cơ bản, hệ thống về truyền thông và kỹ năng, nghiệp vụ báo chí như các cơ quan văn hoá – tư tưởng, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, kinh tế, ngoại giao…
Hiện tại Khoa Báo chí và truyền thông đang là một trong ba địa chỉ đào tạo báo chí chính thức và có uy tín ở Việt Nam, là địa chỉ đào tạo báo chí chính thức duy nhất ở phía Nam. Khoa được hậu thuẫn rất quan trọng từ môi trường hoạt động báo chí năng động và nhạy bén của báo chí TP.HCM, từ môi trường hoạt động truyền thông rất đa dạng và phong phú của các doanh nghiệp TP.HCM. Đội ngũ giảng viên của khoa về cơ bản còn rất trẻ và được đào tạo cơ bản từ nước ngoài, có khả năng tiếp cận nhiều yêu cầu phát triển của lĩnh vực báo chí và truyền thông trong tương lai.
2.1.4. Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền có Viện Báo chí, Khoa Phát thanh – Truyền hình… là những đơn vị đào tạo báo chí, truyền thông uy tín. Sinh viên sau khi tốt nghiệp báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ có năng lực hoạt động nghiệp vụ báo chí để có thể hội nhập bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp trong khu vực và thế giới; có khả năng làm việc tại các cơ quan
báo chí, các cơ quan báo mạng điện tử, các trang web của cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp..., có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các cơ quan văn hóa – tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội..., có năng lực nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy và hoạt động thực tiễn, có khả năng tham gia vào hoạt động tư tưởng của Đảng và các nhiệm vụ chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước.
2.1.5. Đại học Văn Hóa
Trường Đại học Văn Hóa đào tạo cử nhân ngành báo chí có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về lĩnh vực báo chí, truyền thông; kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm.
Hiểu được những vấn đề lý luận, thực tiễn của báo chí, truyền thông hiện đại để nâng cao nhận thức, năng lực nghề nghiệp. Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể; có khả năng sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền.
Sau khi tốt nghiệp ngành báo chí tại Đại học Văn hóa sinh viên có thể làm ở các vị trí phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn, tổ chức, cơ quan báo chí, truyền thông; nhân viên tại các công ty truyền thông, quan hệ công chúng…