Sinh viên báo chí phần lớn đã có những kiến thức về tin giả khi đã có những lựa chọn đúng về khái niệm, phân loại về tin giả. Đặc biệt, sinh viên báo chí đã nhận thức được tác hại nghiêm trọng của tin giả gât ra đối với đời sống xã hội. Qua kết quả khảo sát có thể thấy sinh viên báo chí cũng đã đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để hạn chế Fake News cũng như cách để phân
biệt tin giả, kiểm chứng thông tin. Sinh viên báo chí ở ở mỗi trường, mỗi vùng, mỗi năm cũng có những nhận thức, quan điểm khác nhau về Fake News.
Kết quả khảo sát đã cho ta thấy có đến 91% sinh viên báo chí (tương đương 1474/1620 sinh viên báo chí) đã từng bị lừa bởi tin giả với các mức độ khác nhau: rất thường xuyên, thường xuyên, thỉnh thoảng và hiếm khi. Đặc biệt có 4,8% số lượng trong tổng 1620 sinh viên báo chí bị lừa bởi tin giả rất thường xuyên và thường xuyên.
Có tới 32,8% trong tổng số 1620 sinh viên sẽ đọc, xem, nghe luôn khi gặp một thông tin bất kỳ trên các phương tiện truyền thông. Nghĩa là khả năng gặp tin giả của 32,8% số lượng sinh viên này sẽ cao hơn 64,1% kiểm chứng nguồn thông tin rồi mới đọc đề. Nguy hiểm hơn vẫn có 0,6% sinh viên báo chí chia sẻ ngay sau khi đọc tiêu đề. Với chia sẻ ngay mà không cần kiểm chứng, không đọc bài có thể họ đang phát tán tin giả tới nhiều người.
Mặc dù Facebook hay những mạng xã hội khác là kênh thông tin mà các bạn sinh viên báo chí tiếp cận nhiều nhất trong một ngày nhưng thông tin ở những nguồn này được sinh viên tin tưởng với mức độ thấp. Điển hình là Facebook, với 70,5% số lượng sinh viên chọn là kênh thông tin truy cập nhiều nhất trong một ngày nhưng lại có mức độ tin tưởng của sinh viên báo chí không cao. Cụ thể có 58,6 % người có mức độ tin tưởng trung bình; 35,9% phần lớn không tin tưởng; 3,9% hoàn toàn không tin tưởng và chỉ có 1,65% số lượng sinh viên phần lớn tin tưởng hoặc hoàn toàn tin tưởng.
Các loại hình báo chí như truyền hình, báo in, báo phát thanh tuy không được tiếp cận nhiều trong ngày nhưng lại là những nguồn thông tin được các bạn sinh viên báo chí có mức độ tin tưởng cao. Hơn 80% sinh viên báo chí phần lớn tin tưởng và hoàn toàn tin tưởng với các thông tin đăng tải trên truyền hình, báo in, báo phát thanh.
Đối với báo mạng điện tử, mức độ tin tưởng về thông tin của sinh viên báo chủ yếu ở mức trung bình. Cụ thể 22,4% sinh viên hoàn toàn tin tưởng và tin tưởng phần lớn; 67,3% sinh viên tương tưởng ở mức độ trung bình; 10,4% sinh viên phần lớn không tin tưởng và hoàn toàn không tin tưởng.
Đối với thông tin trên trang tin, có 8,2% sinh viên hoàn toàn tin tưởng và tin tưởng phần lớn; 64,4% sinh viên tin ở mức độ trung bình, 24,3% hoàn toàn không tin tưởn và 3,1% phần lớn không tin tưởng. Có thể thấy, sinh viên báo chí có sự cảnh giác cao đối với những thông tin trên mạng xã hội, trang tin và cả báo mạng điện tử.
Qua số liệu khảo sát, sinh viên báo chí vẫn chưa thực sự hiểu rõ về khái niệm của tin giả. Điều này, thể hiện qua việc lựa chọn nhầm giữa khái niệm của tin giả với tin lừa đảo, tin thiên vị, tin câu view. Sinh viên báo chí nhầm lẫn giữa khái niệm về tin giả với lừa đảo khi có tới 69% sinh viên cho rằng những thông tin, sự kiện đã bị tác ra khỏi bối cảnh là khái niệm của Fake News. 87,2% sinh viên hiểu sai khi nhầm lẫn khái niệm của tin giả với tin câu view khi cho rằng Fake News là thông tin lừa dối, có tít bài gây sốc, hay có tính khiêu khích. Và có đến 80% số lượng sinh viên báo chí cho rằng Fake News là khái niệm chỉ thông tin lừa đảo, được viết theo chiều hướng có lợi cho mục đích tuyên truyền, trong khi đó khái niệm này chỉ tin thiên vị. Sự nhầm lẫn trong khái niệm của tin giả với các loại tin khác dẫn đến việc phân loại tin giả cũng chưa chính xác. Có đến 78,5% sinh viên chọn tin lừa đảo là một loại của tin giả; 39,2% sinh viên chọn tin thiên vị là một loại của tin giả, trong khi tin thiên vị là một loại của tin lừa đảo.
Các tin giả mà sinh viên báo chí thường gặp là Facebook với 47,1 % sinh viên có mức độ gặp thường xuyên; 33,9% rất thường xuyên. Mạng xã hội nói chung là nguồn tin mà sinh viên báo chí gặp thường xuyên tiếp theo với 47,7% số lượng sinh viên gặp thường xuyên và 28,6% sinh viên rất thường xuyên. Sau mạng xã hội nói chung là trang tin và báo mạng điện tử. Báo
mạng điện tử - một loại hình báo chí hiện đại trong thời công nghệ 4.0, nhưng tần suất gặp tin giả trên loại hình báo chí này của sinh viên báo chí cũng đáng khiến chúng ta lo ngại. Trong tổng số 1620 sinh viên tham gia khảo sát, có 32,3% sinh viên thường xuyên và 5,7% sinh viên rất thường xuyên gặp tin giả đăng tải trên các trang báo mạng.
Như vậy, nguồn tin nhiều Fake News mà sinh viên gặp nhiều nhất là Facebook (81%), sau đó đến mạng xã hội nói chung (76,3%), trang tin (54,5%), youtube (43,9%) và báo mạng điện tử (38%).
Những thông tin Fake News mà sinh viên báo chí gặp thường dưới dạng chứ viết và hình ảnh, sau đó là đến video và đồ họa. Chữ viết và hình ảnh là hai yếu tố dễ có thể đánh lừa người xem và cũng dễ tiếp cận và phổ biến nhất. Có những Fake News phức tạp hơn, khó phát hiện hơn khi được cắt ghép chỉnh sửa ảnh, video. Và đối với những loại tin giả này cần sử dụng những công cụ như Google Image để kiểm chứng hình ảnh hay Data Viewer để kiểm chứng video.
Theo nhận thức của sinh viên báo chí, giải trí/ showbiz, xã hội là những đề tài, xã hội có nhiều tin giả được tạo ra nhất. Đây cũng là những đề tài, chủ đề hay, hấp dẫn không chỉ sinh viên báo chí mà tất cả sinh viên, giới trẻ đều hứng thú, thường xuyên cập nhật.
Phần lớn sinh viên báo chí đã nhận biết được đặc điểm của Fake News như: xuất phát từ những sự kiện, hiện tượng nóng, đang gây tranh cãi; có tiêu đề bắt mắt; hình ảnh đã được chỉnh sửa; có chứa lỗi ngữ pháp, chính tả… Từ những đặc điểm này, sẽ giúp cho sinh viên báo chí có thể dễ dàng hơn trong việc phân biệt tin thật với tin giả cũng như nhận diện về tin giả.
Theo hiểu biết của sinh viên báo chí động cơ phát tán Fake News chủ yếu là để câu view, gây sự chú ý, tạo sự nổi bật với 62,4% sinh viên lựa chọn; tiếp đến là động cơ hạ thấp uy tín của cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích với 11,4% sinh viên lựa chọn; tiếp theo là vì tài chính, lợi nhuận với 11,4%
sinh viên lựa chọn và cuối cùng và vì động cơ chính trị với 5,2% sinh viên lựa chọn.
Sinh viên báo chí đã nhận thức được hậu quả nghiêm trọng mà Fake News gây ra. Hậu quả nghiêm trọng nhất mà 45,8% sinh viên lựa chọn là Fake News sẽ gây ra hậu quả gây hoang mang trong dư luận, nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý bất ổn. Hậu quả nghiêm trọng tiếp theo được 30,1% sinh viên báo chí lựa chọn là tin giả làm suy giảm vào niềm tin của công chúng vào báo chí, hay các phương tiện truyền thông khác. 16,3% sinh viên cho rằng tin giả sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với cá nhân, tập thể bị nhắm đến (tinh thần, uy tín, danh dự, lợi ích…). 4,1% sinh viên chọn tin giả sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của truyền thông xã hội và các nền tảng công nghệ và 2.3% sinh viên còn lại cho rằng tin giả sẽ gây thiệt hại về kinh tế, tài chính đối với xã hội.
Sinh viên báo chí có nhiều cách xử lý khi gặp một thông tin không đúng sự thật. Với mỗi cách xử lý đều có những tác động vào Fake News. Với 40% sinh viên đọc và báo cáo bài viết đó. Cách lựa chọn này là tối ưu nhất. Qua quá trình đọc tin giả, sinh viên sẽ hiểu hơn về đặc điểm, hình thức cũng như động cơ của tin giả đó. Đồng thời khi sinh viên báo cáo bài viết cũng là cách làm chậm quá trình phát tán của tin giả, thể hiện được tính trách nhiệm của độc giả khi tiếp nhận nguồn tin. Với 27,6% sinh viên sẽ bỏ qua, không đọc, đây có thể là cách xử lý để sinh viên báo chí không bị tác động bởi tin giả khi từ chối tiếp nhận thông tin. Với 26,5% sinh viên sẽ đọc nhưng không để tâm là cách xử lý hợp lý. Sau quá trình đọc tin giả, sinh viên báo chí sẽ có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm của tin giả đó. Việc không để tâm đến tin giả cũng là cách không làm phát tán tin giả cũng như không để tin giả ảnh hưởng, tác động đến người đọc. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận sinh viên báo chí (4,6%) sẽ đọc, bình luận, chia sẻ khi gặp tin giả; có thể họ không nhận ra đó là tin giả hoặc chia sẻ thông tin theo thói quen.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy sinh viên báo chí đã biết cách kiểm tra nguồn thông tin là thật hay giả theo các mức độ quan trọng như: kiểm tra kỹ nguồn tin đầu tiên; tiếp đến kiểm tra chéo thông tin ở nhiều nguồn khác nhau; đến phải biết phân biệt giữa sự kiện khách quan và quan điểm cá nhân chủ quan; đến kiểm tra chất lượng bài viết và nội dung bình luận; đến tra soát kỹ các thông tin; đến đọc kỹ phần about us; đến quan sát kỹ URL và cuối cùng là kiểm tra hình ảnh.
Để nhận biết tin giả, 68,2% sinh viên báo chí dựa vào năng lực của bản thân qua việc tìm hiểu của cá nhân trên Internet, mạng xã hội; dựa vào khả năng phân tích và tư duy phản biện của bản thân và dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân. 20,1% sinh viên báo chí sẽ dựa vào kiến thức được học về cách nhận biết tin giả để xác định tin giả. Và 10,9% sinh viên báo chí dựa vào phản ứng, bình luận của mọi người xung quanh về sự kiện. Có rất nhiều cách để có thể nhận diện tin giả nhưng quan trọng nhất vẫn là dựa vào năng lực của bản thân, qua việc tìm hiểu kiến thức về tin giả. Bên cạnh đó, việc dựa vào phản ánh, bình luận của mọi người xung quanh về sự kiện cũng là một cách để có thể nhận biết về tin giả. Tuy nhiên, cách này có thể dẫn đến nhầm lẫn vì không phải số đông ý kiến, bình luận nào cũng đúng.
Như vậy sinh viên báo chí đã chủ động trong việc tìm hiểu về kiến thức về Fake News để chủ động xác định tin giả bằng vốn kiến thức và năng lực của mình. Đó có thể là thông tin được tìm tòi, tự nghiên cứu trên mạng xã hội, Internet. Đó cũng có thể là thông tin do được học ở các cơ sở đào tạo báo chí sau quá trình học tập, rèn luyện.
Qua cuộc khảo sát, sinh viên báo chí cũng đã thể hiện được quan điểm của mình trong việc làm thế nào để nâng cao nhận thức về Fake News cho mình. Theo kết quả của cuộc khảo sát, để nâng cao nhận thức về Fake News, việc đầu tiên mà hơn 50% sinh viên báo chí chọn là kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, bình luận một thông tin gì đó; tiếp đến 12,4% sinh viên báo
chí chọn khi gặp tin giả không chia sẻ mà tìm cách báo cho cơ quan. Ngoài ra cũng có 12,1% sinh viên chọn việc xây dựng tư duy phản biện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy để phân tích, kiểm chứng thông tin; 10,7% sinh viên không nên like, share, comment khi chưa biết rõ thông tin. Và 2,9% sinh chọn cách đọc và tìm hiểu những tài liệu liên quan đến Fake News để nâng cao nhận thức của mình về tin giả. Có thể thấy các cách của sinh viên báo chí lựa chọn đều góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên báo chí về Fake News và làm chậm quá trình phát tán của Fake News. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung thêm một số biện pháp để nâng cao nhận thức của sinh viên về Fake News trong quá trình học tập, tiếp thu tri thức ở các cơ sở đào tạo báo chí.