thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:9).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Ê-xê-chi-ên 16:8; Phục truyền 28:1, 15; Giê-rê-mi 11:8; Sáng thế Ký 6:5; Giăng 10:27, 28; Ga-la-ti 3:26–29; Rô- ma 4:16, 17.
Tại một thị trấn nhỏ nọ, một ngày kia, chiếc đồng hồ trong tủ kính của tiệm kim hoàn dừng lại lúc 9 giờ thiếu 15. Trong thị trấn, nhiều người dân đã quen trông vào chiếc đồng hồ này để biết giờ giấc. Vào buổi sáng đặc biệt ấy, dân chúng thị xã, những người đi làm, liếc nhìn qua cửa sổ kính của tiệm và thấy mình còn đến mười lăm phút nữa mới đến chín giờ; trẻ em trên đường đến trường đã rất ngạc nhiên khi thấy chúng vẫn còn nhiều thời giờ nô đùa trước khi phải vào lớp. Buổi sáng hôm ấy, nhiều người đã đến sở và trường trễ vì một chiếc đồng hồ nhỏ trong tủ kính của tiệm kim hoàn đã dừng lại.” – theo C.L. Paddock, God’s Minutes (Nashville, TN: Southern Publishing Assc., 1965), trang 244.
Không khác gì câu chuyện của nước Y-sơ-ra-ên thời cổ đã thất bại. Chúa đã đặt Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 5:5) – tại một vị trí quan trọng, là chiếc cầu nối liền ba lục địa lớn (châu Phi, châu Âu, và châu Á). Ngài muốn họ làm “chiếc đồng hồ” thiêng liêng cho toàn thế gian.
Nhưng Y-sơ-ra-ên, như chiếc đồng hồ trong tiệm kim hoàn, đứng lại. Dầu vậy, kế hoạch của Chúa không phải là hoàn toàn thất bại; bởi vì thời ấy, cũng như ngày nay, Đức Chúa Trời vẫn có những kẻ trung tín còn sót lại của Ngài. Bài học của chúng ta tuần này chú tâm vào danh tính và vai trò của Y-sơ-ra-ên thật của Đức Chúa Trời qua mỗi thời đại, kể cả trong thời kỳ này của chúng ta.
Sơ Lược Bài Học Tuần Này: Những lời hứa giao ước nào Chúa đã lập
cùng Y-sơ-ra-ên? Điều kiện nào kèm theo với các giao ước ấy? Dân Y-sơ- ra-ên đã giữ trọn các lời hứa ấy không, và như thế nào? Việc gì xảy ra cho họ khi họ bội ước?
Thứ Nhất 2 Tháng 5
1. “TRÊN HẾT THẢY MUÔN DÂN . . .”
Môt điều rất rõ ràng: Chúa đã chọn người Hê-bơ-rơ để làm tuyển dân đại diện Ngài trên đất. Chữ “dân thuộc riêng” trong Phục truyền 7:6 đến từ chữ “segulah”, có nghĩa là “tài sản quí báu” hay “kho báu đặc biệt”. Điểm thiết yếu chúng ta phải nhớ đây là, sự chọn lựa này là một hành động hoàn toàn của Đức Chúa Trời, thể hiện hồng ân của Ngài. Không có một điều gì trong số người này để cho thấy là họ xứng đáng được hưởng hồng ân ấy. Không thể nào có điều gì xứng đáng được, bởi vì, hồng ân hay ân điển là một điều được ban cho cách nhưng không, cho những kẻ chẳng đáng được nhận.
Đọc Ê-xê-chi-ên 16:8. Câu này giúp giải thích vì sao Chúa đã chọn Y-sơ-ra-ên?
“Tại sao Y-sơ-ra-ên được Đức Giê-hô-va chọn? Đó là một điều chúng ta không làm sao hiểu được. Quốc gia này là một nhóm nhỏ những người không có một nền văn hóa lớn hay nổi tiếng là một dân tộc có ảnh hưởng và uy tín trong thời họ. Nước này cũng không phải là một quốc gia có một phẩm chất riêng đặc biệt nào để có thể bảo đảm họ xứng đáng cho việc được chọn như vậy. Sự tuyển chọn này là hành động chỉ bởi một mình Chúa . . . Nguyên nhân cuối cùng cho sự lựa chọn đó nằm trong sự bí ẩn của một tình yêu thiên thượng. Tuy nhiên, sự thật là Đức Chúa Trời đã yêu Y-sơ-ra-ên và đã chọn nó, do đó Ngài tôn trọng lời hứa của Ngài đã hứa với tổ phụ nó . . . Y-sơ-ra-ên đã được chọn vì tình yêu của Đức Giê-hô-va dành cho nó. Ngài đã phô trương quyền năng của Ngài khi Ngài giải phóng nó khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Hãy để nước ấy, một lần, nắm giữ được những sự thật tuyệt vời này và nó sẽ nhận ra rằng nó thực sự là một dân thánh và được trân quí đặc biệt. Do đó, bất kỳ một dự tính nào mà Y-sơ-ra-ên, để từ bỏ địa vị cao quý như vậy đều thật đáng trách.” – J. A. Thompson, Sách
Phục Truyền (London: Inter-Varsity Press, 1974), trang 130, 131.
Theo kế hoạch thiên thượng, dân Y-sơ-ra-ên vừa là một dân hoàng gia vừa là một dân tế lễ. Trong một thế giới gian ác, họ phải trở thành vua, về mặt đạo đức và tâm linh, có như vậy họ mới chiến thắng được cái vòng cầm quyền của tội lỗi (Khải huyền 20:6). Là chức tế lễ, họ phải đến gần Chúa trong lời cầu nguyện, ca ngợi và hy sinh. Với tư cách là người trung gian giữa Đức Chúa Trời và những kẻ ngoại đạo, họ phải đóng vai trò là người hướng dẫn, người thuyết giáo và nhà tiên tri, đồng thời là những gương mẫu về lối sống thánh thiện — những người truyền đạo của Thiên đàng về tôn giáo chân chính.
Hãy xem lại câu Kinh Thánh của bài học hôm nay, trong đó Chúa nói rằng “Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất”. Hãy suy gẫm về các lời Kinh Thánh dạy về đức tính khiêm nhường, và sự nguy hiểm của lòng kiêu ngạo, thì bạn nghĩ các lời của câu này có ý tưởng gì? Bằng các cách nào mà họ trở thành “đặc biệt trên hết” tất cả mọi người? Chúng ta có nên áp dụng ý tưởng đó cho chúng ta, trong vai trò của hội thánh mình hay không? Nếu có, thì như thế nào?
Thứ Hai 3 Tháng 5
2. XỨ ĐÃ ĐƯỢC BAN CHO
Lời hứa rằng một vùng đất sẽ được ban cho Y-sơ-ra-ên, dân của Đức Chúa Trời, lần đầu tiên được nói đến là lời hứa cho Áp-ra-ham, và sau đó được lặp lại cho Y-sác và Gia-cốp. Những lời trăn trối của Giô-sép cũng lặp lại lời hứa này (Sáng thế Ký 50:24). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã báo trước với Áp-ra-ham rằng “bốn trăm năm” sẽ trôi qua trước khi dòng dõi Áp-ra-ham chiếm hữu đất (Sáng thế Ký 15:13, 16). Việc thực hiện lời hứa đã bắt đầu vào thời Môi-se và Giô-suê. Môi-se lặp lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, “Kìa, ta phó xứ nầy cho các ngươi! Hãy vào và chiếm lấy xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho tổ phụ các ngươi” (Phục truyền 1:8).
Đọc Phục truyền 28:1, 15. Những lời này ngụ ý gì? Nói tóm lại, xứ sẽ được ban cho họ như một phần của giao ước. Giao ước đòi hỏi phải có nghĩa vụ. Điều gì là các nghĩa vụ của Y-sơ-ra-ên?
Phần đầu của Phục truyền 28 phác thảo những phước lành mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ nhận được nếu họ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Phần sau của đoạn này nói đến những sự rủa sả sẽ giáng xuống họ nếu họ không làm vậy. Những lời rủa sả này “phần lớn, mặc dù không phải tất cả, là nếu để tội lỗi xảy ra thì nó sẽ đưa đến những hậu quả tự chính nó gây ra . . . ‘Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát’ (Ga-la-ti 6:8). Giống như nước đổ ra trên một mặt phẳng, nếu để mặc, nó sẽ cứ chảy cho tới khi nó đến cái mức ngang của nó thì nó mới ngừng; như một chiếc đồng hồ lên dây thiều, cứ để mặc nó một mình, nó sẽ không ngừng hoạt động cho đến khi giây thiều hết vòng; như một cái cây, cứ để nó tự lớn, không vun xới, sẽ sinh những trái chẳng ra gì; – tương tự như vậy, tội lỗi nó sẽ xảy đến như nước đã đến mực ngang của nó, như đồng hồ sẽ chết khi nó chạy hết vòng dây thiều, một cái trái èo uột chai khô, và ‘cuối cùng của những điều đó tức là sự chết’ (Rô-ma 6:21).” – The Pulpit Commentary: Deuteronomy, HDM Spence và Joseph S. Exell, eds. (Peabody, MA: Hendrickson Publishers, 1890), tập 3, trang 439.
Cho dầu mọi lời hứa về xứ ban cho họ, các lời hứa ấy không phải là vô điều kiện. Chúng đi kèm theo và là một phần của giao ước. Y-sơ-ra-ên phải thực thi phía họ trong giao kèo; nếu không, những lời hứa có thể bị vô hiệu. Chúa đã nhiều lần nói rất rõ ràng rằng nếu họ không vâng lời, đất ấy sẽ bị lấy khỏi họ. Đọc Lê-vi Ký 26:27–33. Không cách nào nói tỏ tường hơn những lời Chúa đã phán ở đây.
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta mong muốn được ban cho và gìn giữ những vùng đất hứa của địa cầu đổi mới. Các miền đất ấy đã được hứa ban cho chúng ta, giống như miền Đất Hứa ngày trước đã được hứa cho người Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, sự khác biệt là một khi chúng ta đến vùng đất hứa nơi địa cầu đổi mới ấy, chúng ta sẽ không cách gì đánh mất nó được (Đa-ni-ên 7:18). Đồng thời, cũng có các điều kiện chúng ta phải thực thi đặng đến đó. Làm thế nào bạn hiểu các điều kiện này là gì, nhất là khi chúng ta biết rằng sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin mà thôi?
Thứ Ba 4 Tháng 5
3. Y-SƠ-RA-ÊN VÀ GIAO ƯỚC
“Nhưng họ không vâng lời, không để tai vào; họ theo sự cứng cỏi của lòng ác mình mà làm. Vì vậy ta đã làm cho họ mọi lời ngăm đe của giao ước nầy, là điều ta đã dặn họ làm theo mà họ không làm theo.” (Giê-rê-mi 11:8).
Suy xét câu Kinh Thánh trên. Chúa phán rằng Ngài sẽ mang đến cho họ “mọi lời ngăm đe của giao ước này”. Mặc dù chúng ta quen nghĩ về giao ước là chúng chỉ mang lại cho chúng ta điều gì đó tốt đẹp, nhưng có mặt trái của nó. Nguyên tắc này đã được thấy với Nô-ê. Đức Chúa Trời đã ban cho Nô-ê một điều phước hạnh tuyệt vời – được sống còn khỏi bị diệt vong, nhưng Nô-ê phải vâng lời để nhận được các phước lành có được nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu ông không làm như vậy, thì mặt trái của giao ước sẽ đến với ông.
So sánh câu Kinh Thánh trên với Sáng thế Ký 6:5, về thế giới trước Nước Lụt. Hai lời này có gì tương tự? Hai câu này nói gì về tầm quan trọng thế nào của việc chúng ta phải kiểm soát tư tưởng mình?
Thật không may, phần lớn lịch sử của quốc gia Y-sơ-ra-ên là một thói quen bội đạo lặp đi lặp lại, để mang đến sự phán xét của Đức Chúa Trời, rồi ăn năn và rồi vâng lời được ít lâu. Chỉ dưới thời Đa-vít và Sô-lô-môn, Y-sơ-ra-ên chỉ kiểm soát được toàn bộ phần đất mà Chúa đã hứa cho họ, và cũng chỉ trong giai đoạn hai vua ấy mà thôi.
Hãy xem những đoạn văn này từ Giê-rê-mi về sự bội đạo của Y-sơ- ra-ên. “Người ta nói rằng: Nếu người kia bỏ vợ mình, và nếu khi ly dị rồi vợ lấy chồng khác, thì người chồng trước có lẽ nào còn trở lại cùng đàn bà đó sao? Nếu vậy thì trong đất há chẳng bị ô uế lắm sao? Vả, ngươi đã hành dâm với nhiều người yêu, còn toan trở lại cùng ta sao? Đức Giê-hô- va phán vậy. . . Nhưng, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, thật như một người đàn bà lìa chồng mình cách quỉ quyệt thể nào, thì các ngươi cũng quỉ quyệt với ta thể ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 3:1, 20).
Điều này nhắc đến một điều mà chúng ta đã đề cập trước đây: giao ước mà Đức Chúa Trời muốn lập với chúng ta không chỉ là một thỏa thuận pháp lý vô cảm giữa những nhà kinh doanh đang tìm cách lập thỏa thuận lợi lộc nhất cho mình. Mối quan hệ trong giao ước Chúa là một cam kết, một mối quan hệ nghiêm túc và thiêng liêng như hôn nhân, đó là lý do tại sao Chúa dùng những biểu tượng như vậy.
Vấn đề là sự bội đạo của Y-sơ-ra-ên không bắt nguồn từ sự không vâng lời mà là từ mối quan hệ họ có với Chúa đã bị rạn nứt, sự rạn nứt dẫn đến sự không vâng lời cuối cùng đưa đến hình phạt cho họ.
Tại sao khía cạnh cá nhân và mối tương quan lại rất quan trọng trong đời sống Cơ Đốc nhân? Tại sao, nếu mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời không đúng thì chúng ta rất dễ rơi vào tội lỗi và sự không vâng lời? Ngoài ra, bạn sẽ nói gì với người đặt câu hỏi này: “Làm thế nào tôi có thể phát triển mối quan hệ sâu sắc và yêu thương với Đức Chúa Trời?”
Thứ Tư 5 Tháng 5
4. NHỮNG KẺ CÒN SÓT LẠI
Cho dầu Y-sơ-ra-ên cứ lặp lại chu kỳ phạm tội, sự phán xét thiêng liêng, và rồi ăn năn, vẫn có niềm hy vọng nào trong các câu dưới đây?
Ê-sai 4:3 ________________________________________________ Mi-chê 4:6, 7 ____________________________________________ Sô-phô-ni 3:12, 13 ________________________________________
Tuy chương trình Đức Chúa Trời dự định cho Y-sơ-ra-ên thời cổ bị phá hỏng vì sự bất tuân, nó không bao giờ hoàn toàn là tuyệt vọng. Giữa đám cỏ dại, một vài bông hoa vẫn mọc lên. Nhiều nhà tiên tri trong Cựu Ước nói về những kẻ trung thành còn sót lại này, những người mà Đức Chúa Trời sẽ gom lại về với Ngài và họ sẽ là một bó hoa xinh xắn.
Mục đích của Đức Chúa Trời trong việc tạo ra và bảo tồn một nhóm trung thành còn sót lại cũng giống như mục đích Ngài đã dành riêng cho toàn thể Y-sơ-ra-ên thuở xưa – là dùng họ làm công cụ đặc biệt cho Ngài như Ngài đã phán,“Bấy giờ chúng sẽ rao truyền sự vinh hiển ta ra trong các nước” (Ê-sai 66:19). Bằng cách này, mọi người khác sẽ tham gia cùng các kẻ trung thành “đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giê-hô-va vạn quân” (Xa-cha-ri 14:16). Vì vậy, cho dầu tình hình có trở nên tồi tệ đến đâu, Đức Chúa Trời vẫn luôn có một nhóm những kẻ trung thành. Họ là những người, mặc dù có sự bội đạo trong hàng ngũ dân được Đức Chúa Trời chọn, vẫn giữ trọn sự kiên trì theo Chúa (2 Phi-e-rơ 1:10). Tóm lại, bất kể sự thất bại của toàn thể quốc gia nói chung, vẫn có những người cố gắng tuân giữ, bằng đủ mọi cách họ có thể làm được, để thực thi giao ước của phần họ (xem thí dụ, 1 Các Vua 19:14–18). Và cho dù, có thể, họ đã phải chịu đựng chung số phận với toàn quốc gia của họ (chẳng hạn như bị lưu đày khỏi đất), lời hứa giao ước cuối cùng và cao quí nhất sẽ là của họ, đó là sự sống đời đời.
Đọc Giăng 10:27, 28. Chúa Giê-su đang nói gì ở đó? Hãy áp dụng những lời của Ngài và những lời hứa trong đó vào tình huống liên quan đến sự bội đạo của Y-sơ-ra-ên cổ. Làm thế nào những lời này giúp giải thích sự tồn tại của một nhóm trung thành còn sót lại?
Có một cô gái trẻ nọ đã từ bỏ hoàn toàn niềm tin Cơ Đốc của mình, phần lớn là vì cô chán nản với tội lỗi, sự bội đạo và đạo đức giả mà cô thấy trong nhà thờ địa phương của mình. “Những người đó không thực sự là Cơ Đốc nhân,” cô nói, lấy đó làm cái cớ để từ bỏ mọi thứ. Dựa trên câu trả lời của bạn về các nguyên tắc của bài học hôm nay, tại sao lời bào chữa của cô ấy thật không vững vàng?
Thứ Năm 6 Tháng 5
5. Y-SƠ-RA-ÊN THIÊNG LIÊNG
Dù sai lầm và thất bại của dân Y-sơ-ra-ên xưa, Chúa vẫn chưa kết thúc kế hoạch tạo ra một dân trung thành để phụng sự Ngài. Trên thực tế, Cựu Ước mong đợi một thời kỳ mà Chúa sẽ tạo ra một dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh, một dân tộc trung thành gồm các tín đồ, người Do Thái và dân ngoại, những người sẽ thực hiện công việc rao giảng phúc âm cho thế giới. Chào