hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: 1 Giăng 1:4; Giăng 5:24; Rô-ma 3:24, 25; 2 Cô-rinh-tô 5:21; 1 Giăng 4:16; Khải huyền 2:11; Khải huyền 20:6, 14; Khải huyền 21:8.
Ba tháng này là một sự nghiên cứu về giao ước. Giao ước, nói đơn giản, là cách Đức Chúa Trời tuyên bố: “Đây là cách ta sẽ cứu các ngươi khỏi tội lỗi.” Có thế thôi.
Mặc dù chung cuộc, kết quả cuối cùng của lời hứa giao ước, dĩ nhiên là sự sống đời đời trong một thế giới đã được tái tạo, trong lúc chờ đợi thế giới mới ấy, chúng ta vẫn có thể được hưởng các phước lành của giao ước ngày nay. Chúa quan tâm đến cuộc sống của chúng ta trong hiện tại; Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta trong lúc này. Giao ước không phải là một loại thỏa thuận mà bạn phải làm điều này, điều kia, và sau đó, phải cả một thời gian dài, bạn sẽ nhận được phần thưởng ban cho mình. Những phần thưởng, những món quà – chúng là những ân phước mà những ai bằng đức tin tham gia vào mối quan hệ giao ước có thể hưởng ở đây và bây giờ.
Bài học của tuần này, bài cuối cùng trong loạt bài của chúng ta về giao ước, xem xét về một số các ân phước tức thì này, một số lời hứa đến từ ân điển của Đức Chúa Trời đã tỏa vào lòng chúng ta vì khi nghe Ngài gõ cửa, chúng ta đã mở cửa. Dĩ nhiên, có rất nhiều ân phước, tuy nhiên chúng ta chỉ bàn thảo về một số nhỏ thôi. Chúng chỉ là một số khởi đầu, mà sẽ còn nhiều nữa, ân phước Chúa ban, thực sự sẽ không bao giờ kết thúc.
Sơ Lược Bài Học Tuần Này: Tại sao chúng ta nên cảm thấy vui mừng?
Dựa vào đâu mà chúng ta có thể khẳng định lời hứa đó? Điều gì về giao ước giúp chúng ta thoát khỏi gánh nặng của tâm lòng tội lỗi? Có một tâm lòng mới nghĩa là gì?
Thứ Nhất 20 Tháng 6
1. SỰ VUI MỪNG
“Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của anh em được đầy dẫy” (1 Giăng 1:4).
Suy gẫm những lời Giăng viết đây. Chỉ trong vài chữ đơn giản, ông đã nói lên một điều, được xem là lợi ích nhất mà chúng ta, là dân của giao ước có được – và đó là lời hứa về sự vui mừng.
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta thường khi được khuyên đừng nghe theo cảm xúc của mình, rằng đức tin không phải là sự cảm xúc, và chúng ta cần phải vượt qua, đừng để bị các cảm xúc cá nhân kềm chế mình. Các lời khuyên ấy đều đúng cả. Nhưng đồng thời, chúng ta sẽ không phải là con người nếu chúng ta không là những sinh vật có tình cảm, cảm xúc và tâm trạng. Chúng ta không thể phủ nhận tình cảm của mình; điều chúng ta cần làm là hiểu được các tình cảm ấy, đặt để chúng và giao cho chúng vào vai trò thích hợp của chúng. Chúng ta phải giữ tình cảm cũng như xúc cảm mình trong tầm kiểm soát. Nhưng phủ nhận tình cảm và xúc cảm con người là phủ nhận con người là gì. Thật vậy, như câu Kinh Thánh này nói, chúng ta không những chỉ nên có cảm xúc (trong trường hợp này là sự vui mừng), mà còn phải tràn đầy. Câu này nghe như đâu phải dạy chúng ta nên từ chối xúc cảm của lòng mình phải không?
Đọc bối cảnh của toàn câu Kinh Thánh trên, bắt đầu từ đầu sách. Giăng đã viết gì cho các Cơ Đốc nhân ban đầu mà ông hy vọng sẽ làm cho niềm vui của họ tràn đầy? Và tại sao nó phải mang lại cho họ niềm vui?
Giăng là một trong 12 môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su. Ông đã theo Chúa hầu như suốt cả ba năm rưỡi của chức vụ của Đấng Christ, là nhân chứng cho bao nhiêu điều kỳ diệu nhất của Chúa Giê-su (và ông đã ở đó, tại Thập tự giá, tại Ghết-sê-ma-nê, và cả tại Sự Hóa hình nữa.). Vì vậy, với tư cách là một nhân chứng, ông chắc chắn có đủ thẩm quyền để nói về chủ đề này.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng lời ông viết không phải để nhấn mạnh về bản thân ông; đó là về những gì Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đồ để giờ đây họ có thể có mối tương giao không chỉ với nhau mà còn với chính Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã mở đường cho chúng ta đi vào mối quan hệ mật thiết này với Đức Chúa Trời; và, một kết quả của mối tương giao ấy là sự vui mừng. Giăng muốn họ biết rằng những gì họ đã nghe về Chúa Giê-su là sự thật (ông đã thấy, đã chạm, cảm thấy và đã nghe về Ngài), và nhờ đó, họ cũng có thể tham gia vào mối tương giao vui mừng với Cha trên trời, Đấng yêu thương họ và ban chính Ngài, qua Con Trai của Ngài cho họ.
Ở một khía cạnh nào đó, Giăng đang làm chứng về kinh nghiệm của cá nhân mình. Lời chứng của cá nhân bạn về mối quan hệ của bạn với Chúa Giê-su là gì? Bạn có thể nói điều gì có thể giúp gia tăng niềm vui của ai đó trong Chúa, như Giăng đã cố làm ở đây?
Thứ Hai 21 Tháng 6
2. KHÔNG CÒN LÀ CÓ TỘI NỮA
Một thiếu nữ bị hạ sát một cách tàn nhẫn, người ta không biết thủ phạm là ai. Cảnh sát gài một cái bẫy bằng cách đặt một chiếc máy thâu âm dấu gần mộ nạn nhân. Một buổi chiều, nhiều tháng sau cái chết của cô ta, một thanh niên đến nghĩa trang và quì cạnh mộ khóc lóc van xin được tha thứ. Cảnh sát, dĩ nhiên, đã theo dõi từng lời anh ta nói, và họ đã bắt được kẻ sát nhân.
Điều gì đã làm người thanh niên ấy đến bên mộ? Mặc cảm tội lỗi, chứ còn gì nữa?
Dĩ nhiên, chúng ta, không ai, muốn hay đã bao giờ làm một tội ác tày trời như người thanh niên nọ. Nhưng chúng ta đều có tội, mặc cảm tội lỗi về một điều nào đó mà chúng ta quá xấu hổ, hay về những điều nào chúng ta ao ước mình đã có thể làm khác hơn.
Thật cảm tạ Đức Chúa Giê-su và giòng huyết chuộc tội của giao ước mới, chúng ta không ai phải sống trong cái mặc cảm xấu xa vì tội lỗi mình đã vi phạm. Như câu Kinh Thánh của bài học hôm nay, sẽ không có sự đoán phạt nào xảy đến với chúng ta. Vị Quan Án tối cao đã xem chúng ta là vô tội, kể chúng ta như thể chúng ta đã không phạm bất cứ điều gì mà chúng ta đã phạm và mang mặc cảm kẻ có tội.
Các câu Kinh Thánh dưới đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý tưởng của Rô-ma 8:1 như thế nào? Giăng 5:24; Rô-ma 3:24, 25; 2 Cô-rinh-tô 5:21.
Một trong những lời hứa quí báu nhất trong sự sống trong mối quan hệ giao ước với Chúa ấy là chúng ta không phải sống mà bị gánh nặng của mặc cảm tội lỗi đè nặng mình. Bởi vì huyết của giao ước, chúng ta – là những kẻ chọn dự phần trong giao ước vời Ngài, những kẻ chọn những điều kiện của đức tin, sự ăn năn thật lòng, và vâng phục – có thể được gánh nặng của mặc cảm tội lỗi đỡ khỏi vai mình. Khi Sa-tan thầm thì vào trong tai chúng ta những lời cáo buộc rằng chúng ta là những kẻ làm ác, quá nhơ nhớp để xứng đáng được Đức Chúa Trời chấp nhận, thì chúng ta phải làm như Đức Chúa Giê-su đã làm khi Sa-tan cám dỗ Ngài trong đồng vắng: chúng ta có thể dùng lời Kinh Thánh, và một trong những câu hay nhất, ấy là Rô-ma 8:1. Câu này không có nghĩa là phủ nhận thực tế của tội lỗi trong cuộc sống mình; mà nó có nghĩa là bởi mối quan hệ giao ước chúng ta có được với Chúa, chúng ta không phải sống trong sự đoán phạt của tội lỗi ấy. Đức Chúa Giê-su đã trả giá chuộc tội cho chúng ta. Bây giờ, Chúa Giê-su đang đứng trước mặt Đức Chúa Cha cầu xin Cha tha tội cho chúng ta bởi chính dòng huyết báu của Ngài, và xin Cha tiếp nhận sự công bình của Ngài thay cho tội lỗi của chúng ta.
Có gì khác biệt trong cuộc sống của chúng ta khi Chúa đã tha thứ cho bạn bất cứ tội lỗi nào mà bạn có thể đã phạm? Thực tế đó giúp bạn như thế nào trong việc đối phó với người khác là những kẻ đã phạm tội với bạn? Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách bạn đối xử với những người đó?
Thứ Ba 22 Tháng 6
3. GIAO ƯỚC MỚI VÀ TÂM LÒNG MỚI
Như các bài học trước của ba tháng này đã cho thấy, giao ước mới là giao ước mà Đức Chúa Trời đặt luật pháp của Ngài trong lòng chúng ta (Giê-rê-mi 31:31–33). Không chỉ có luật pháp ở đó, mà theo các câu Kinh Thánh trên, cả Đức Chúa Giê-su cũng ở trong lòng chúng ta nữa. Điều ấy là hợp lý, vì Đấng Christ và luật pháp của Ngài liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, với luật pháp của Đấng Christ trong lòng chúng ta, và với Đấng Christ ngự ở đó nữa (chữ “ngự” của tiếng Hy Lạp được dịch trong các câu này là cư ngụ cũng có nghĩa là “ở lại”, cho thấy ý tưởng về sự lâu dài), chúng ta đi đến một lợi ích khác của giao ước: Một tâm lòng mới.
Tại sao chúng ta cần một tâm lòng mới? Những thay đổi nào sẽ được thể hiện ở những người có một tâm lòng mới?
Hãy đọc lại các câu Kinh Thánh ngày hôm nay (Ê-phê-sô 3:17–19). Xin lưu ý rằng Phao-lô nhấn mạnh đến yếu tố yêu thương, ông nói rằng chúng ta phải “đâm rễ vững nền” trong đó. Những lời này bao hàm sự ổn định, vững chắc và lâu dài trong nền tảng của tình yêu. Đức tin của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì nếu nó không bắt nguồn từ tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và tình yêu thương dành cho người khác (Ma- thi-ơ 22:37–39, 1 Cô-rinh-tô 13). Tình yêu này không đến từ chân không. Ngược lại, nó đến bởi vì chúng ta có được cái nhìn thoáng qua về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta (là một tình yêu “vượt quá sự hiểu biết”) được thể hiện qua Đức Chúa Giê-su. Kết quả là, cuộc sống của chúng ta được thay đổi, tâm lòng của chúng ta được thay đổi, và chúng ta trở thành những con người mới với những suy nghĩ mới, mong muốn mới và mục tiêu mới. Chính phản ứng của chúng ta trước tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta đã làm thay đổi tâm lòng chúng ta và truyền tình yêu thương cho người khác. Có lẽ đây là ý của Phao-lô, ít nhất là một phần, khi ông nói về việc chúng ta “được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời”.
Đọc 1 Giăng 4:16. Cho biết câu này liên hệ với những lời Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 3:17–19 như thế nào?
Xem xét lại những câu Kinh Thánh của bài học hôm nay. Bạn có thể làm gì để những lời hứa của các câu ngày được thực thi trong bạn? Có những điều gì bạn nghĩ mình cần phải thay đổi, những điều mà ngăn cản bạn trải nghiệm được “đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời”? Viết xuống những điều thay đổi nào bạn biết phải làm trong đời sống mình và giữ riêng để nhắc nhở chính mình mỗi ngày. Trong lớp học, có ai muốn chia sẻ những điều ấy thì cứ để họ chia sẻ. Cả lớp xem thử mình có thể giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện các thay đổi ấy.
Thứ Tư 23 Tháng 6
4. GIAO ƯỚC MỚI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Sự sống đời đời có hai chiều. Một chiều là trong hiện tại để mang đến cho người tin Chúa kinh nghiệm của một cuộc sống phong phú hiện tại (Giăng 10:10), gồm nhiều lời hứa mà chúng ta đã được ban cho cuộc sống hiện tại.
Trong chiều của tương lai thì tất nhiên ấy là sự sống vĩnh cửu – lời hứa về sự phục sinh của thể xác này (Giăng 5:28, 29; Giăng 6:39). Mặc dù việc ấy là việc thuộc về tương lai, đó lại là một sự kiện làm cho mọi thứ khác trở nên đáng giá, một sự kiện giữ tất cả mọi hy vọng của chúng ta là những Cơ Đốc nhân.
Nghiên cứu câu Kinh Thánh cho ngày hôm nay (Giăng 11:25, 26). Đức Chúa Giê-su đang nói gì ở đây? Sự sống đời đời được tìm thấy ở đâu? Làm sao chúng ta hiểu được lời Ngài nói rằng những ai khi sống và tin vào Ngài, dù có chết cũng không bao giờ chết? (Xem Khải huyền 2:11; Khải huyền 20:6, 14; Khải huyền 21:8).
Dĩ nhiên, loài người rồi ai cũng phải chết, nhưng theo lời Đức Chúa Giê-su, cái chết này chỉ là một giấc ngủ, một thời gian gián đoạn tạm thời mà – cho những kẻ tin nơi Ngài – sẽ kết thúc bằng sự sống lại. Khi Đấng Christ trở lại, những kẻ chết trong Ngài sẽ sống lại và bất tử, và những người còn sống mà là kẻ đi theo Đấng Christ, sẽ được biến thành bất tử trong nháy mắt. Tất cả mọi ai thuộc về Đấng Christ, là kẻ chết hay sống đều sẽ có một loại thân thể đã phục sinh. Sự bất tử bắt đầu vào thời điểm đó cho dân của Chúa.
Thật là một niềm vui lớn khi từ bây giờ, chúng ta biết sự cuối cùng của chúng ta là không nằm trong mồ mả, bèn là một sự sống không có kết thúc, rằng chúng ta sẽ có một cuộc sống mới cho đến đời đời.
“Đấng Christ đã trở nên một thịt với chúng ta, để chúng ta có thể trở nên một thần linh với Ngài. Chính nhờ sự kết hợp này mà chúng ta được phục sinh – không phải chỉ là sự bày tỏ quyền năng của Đấng Christ, nhưng bởi vì, qua đức tin, sự sống của Ngài đã trở thành sự sống của chúng ta. Những ai nhìn thấy Đấng Christ trong bản tính thật của Ngài, và tiếp nhận Ngài vào lòng, thì được sự sống đời đời. Chính qua Thánh Linh mà Đấng Christ ngự trong chúng ta; và Thánh Linh của Đức Chúa Trời, được tiếp nhận vào trong tâm lòng bởi đức tin, là khởi đầu của sự sống đời đời.” – Ellen G. White, The Desire of Ages, trang 388.
Giờ đây, chúng ta có thể tận hưởng những lợi ích của sự sống đời đời bằng những cách nào? Nói cách khác, lời hứa này làm được gì cho chúng ta bây giờ? Viết xuống một số lợi ích mà lời hứa về sự sống vĩnh cửu này mang lại cho cá nhân bạn trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Làm thế nào bạn có thể mang hy vọng và lời hứa này và chia sẻ nó với một người đang gặp khó khăn, chẳng hạn khi họ mất một người thân yêu?
Thứ Năm 24 Tháng 6
5. GIAO ƯỚC MỚI VÀ SỨ MẠNG
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
Khắp thế gian, mọi người thường đấu tranh với cái mà nhà văn người Nam Phi Laurens Van der Post gọi là “gánh nặng của sự vô nghĩa”. Mọi người thấy mình với món quà của cuộc sống, nhưng họ không biết phải làm gì với nó, không biết mục đích của món quà này là gì và không biết cách sử dụng nó. Nó giống như việc cho ai đó một thư viện chứa đầy sách quý hiếm, chỉ để người đó không đọc sách mà dùng chúng để châm lửa. Thật là một sự phí phạm kinh khủng cho một điều quá quý giá!
Tuy nhiên, đối với Cơ Đốc nhân của giao ước mới, vấn đề đó không phải là vấn đề mà họ cần phải chống chọi. Ngược lại, những người biết (và đã tự mình trải nghiệm) tin mừng tuyệt vời về một Đấng Cứu Rỗi bị đóng