sẽ lập một giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa” (Giê- rê-mi 31:31).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Giê-rê-mi 31:31–34; Ma-thi-ơ 5:17– 28; Ô-sê 2:18–20; Ê-sai 56:6, 7; Hê-bơ-rơ 8:7, 8; Hê-bơ-rơ 10:4; Ma-thi-ơ 27:51.
Một bức hí họa đăng trên báo nhiều năm trước vẽ hình một nhà doanh thương điều hành đứng trong văn phòng trước một nhóm các giám đốc điều hành khác. Ông ta cầm trên tay một hộp bột giặt, đưa ra cho các người ấy xem. Ông ta tự hào chỉ vào chữ “Mới” được in bằng chữ đỏ lớn trên hộp, ngụ ý tất nhiên rằng đây là sản phẩm mới ra. Sau đó, ông ta nói, “Cái chữ ‘Mới’ trên hộp là cái mới của hộp này” Nói cách khác, toàn sản phẩm này có một thay đổi, ấy là cái chữ “Mới” trên hộp. Mọi thứ khác vẫn vậy.
Cũng theo cái hình ảnh ấy, chúng ta có thể nói rằng giao ước mới là như vậy. Căn bản của giao ước, niềm hy vọng căn bản mà nó dành cho chúng ta, các điều kiện căn bản của nó, cũng giống như những gì được tìm thấy trong giao ước cũ. Nó luôn luôn là một giao ước về ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời, một giao ước dựa trên tình yêu thương vượt lên trên mọi sự khờ dại và thất bại của con người.
Sơ Lược Bài Học Tuần Này: Có sự tương đồng nào giữa giao ước mới
và giao ước cũ? Luật pháp đóng vai trò nào trong giao ước? Với ai mà giao ước được thiết lập? Sách Hê-bơ-rơ nói đến một “giao ước tốt hơn” (Hê- bơ-rơ 8:6), có nghĩa là gì? Mối liên hệ nào giữa giao ước và đền thánh trên trời?
Thứ Nhất 30 Tháng 5
1. NẦY, NHỮNG NGÀY ĐẾN . . .
Đọc Giê-rê-mi 31:31–34 và trả lời các câu hỏi sau đây: 1. Ai chủ động việc thực hiện giao ước?
2. Luật pháp của ai đang được nói đến ở đây? Luật pháp nào đây? 3. Những câu nào nhấn mạnh đến khía cạnh về mối quan hệ mà Đức Chúa Trời muốn có với dân Ngài?
4. Hành động nào của Đức Chúa Trời làm vì dân Ngài để thiết lập nền móng cho mối quan hệ giao ước ấy?
Rõ ràng là: Giao ước mới không khác gì nhiều so với giao ước cũ được lập với Y-sơ-ra-ên trên Núi Si-nai. Trên thực tế, không phải là vì giao ước Si-nai đã cũ hay lỗi thời, mà vấn đề là nó đã bị hỏng (xem Giê-rê-mi 31:32).
Trả lời cho các câu hỏi trên đều được tìm thấy trong bốn câu của sách Giê-rê-mi. Điều ấy chứng tỏ rằng nhiều khía cạnh của “giao ước cũ” vẫn còn trong giao ước mới. Chúng ta có thể nói, “giao ước mới” là một “giao ước được đổi mới”; nó là sự hoàn tất, hay sự thực thi của giao ước thứ nhất.
Hãy để ý phần cuối của Giê-rê-mi 31:34, mà trong đó Chúa nói rằng Ngài sẽ tha thứ cho sự gian ác và tội lỗi của dân Ngài. Mặc dù Chúa nói rằng Ngài sẽ khắc luật pháp vào tim chúng ta và đặt luật pháp vào trong chúng ta, nhưng Ngài vẫn nhấn mạnh rằng Ngài sẽ tha thứ cho tội lỗi và tội ác của chúng ta, tức là chúng ta đã vi phạm luật pháp ghi trong tim mình. Bạn có thấy sự mâu thuẫn nào trong những ý kiến này không? Nếu không, tai sao không? Như Rô-ma 2:15 đã nói, luật pháp được ghi trong lòng có nghĩa là gì? (Ma-thi-ơ 5:17–28).
Đọc lại các câu Kinh Thánh của ngày hôm nay, bạn có cách nào để dùng chúng làm câu trả lời cho sự tranh cãi về Mười Điều Răn (hay, đặc biệt là về Ngày Sa-bát) mà nhiều người cho rằng đã bị dẹp bỏ trong giao ước mới? Trong các câu này, bạn có thấy chỗ nào trong các câu Kinh Thánh này tuyên bố về điều này? Hay đúng ra, chúng ta có thể dùng các câu này để chứng minh sự trường tồn và vĩnh cữu của luật pháp?
Thứ Hai 31 Tháng 5
2. VIỆC CẦN LÀM CHO TẤM LÒNG
Vào giai đoạn cuối của vương quốc phương nam là Giu-đa, khi họ sắp bị chiếm đóng và dân họ sẽ phải bị bắt làm phu tù cho Ba-by-lôn, Đức Chúa Trời đã tuyên phán qua tiên tri của Ngài là Giê-rê-mi về một “giao ước mới”. Đây là lần đầu hành động này được nói lên trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, trước đó, khi 10 chi phái ly khai của vương quốc phương bắc là Y-sơ-ra-ên sắp bị tận diệt (khoảng 150 năm trước thời tiên tri Giê-rê-mi), chính tư tưởng về một giao ước khác cũng đã được nhắc đến, lúc ấy, do bởi tiên tri Ô-sê (Ô-sê 2:18–20).
Đọc Ô-sê 2:18–20. Hãy lưu ý sự tương đồng giữa những điều CHÚA phán ở đây với những lời Ngài phán trong Giê-rê-mi 31:31–34. Hình ảnh giống nhau nào đã được dùng, và như vậy, điều ấy nói gì về ý tưởng căn bản và bản chất của giao ước?
Trong nhiều thời điểm của lịch sử khi các chương trình mà Đức Chúa Trời có cho dân giao ước của Ngài đã bị lay chuyển và phá hoại bởi sự bội nghịch và không tin của họ, Ngài đã sai các tiên tri của Ngài đến để rao báo rằng sự giao ước lịch sử mà Ngài có với những kẻ trung tín với Ngài cũng không tàn phai. Cho dầu sự bội bạc của người ta đến thế nào đi nữa, cho dầu sự bất tín, chống đối, và bất tuân nổi lên giữa vòng họ, CHÚA vẫn tuyên rao sự sẵn lòng của Ngài để thiết lập một mối quan hệ giao ước với hết thảy những kẻ nào sẵn lòng ăn năn, vâng lời, và tiếp nhận các lời hứa của Ngài.
Đọc các câu Kinh Thánh dưới đây. Tuy chúng không nêu đích danh một giao ước mới, có những điểm nào chúng ta tìm thấy được trong các câu này mà thể hiện các nguyên tắc đứng đằng sau giao ước mới?
Ê-xê-chi-ên 11:19_________________________________________ Ê-xê-chi-ên 18:31_________________________________________ Ê-xê-chi-ên 36:26_________________________________________
CHÚA phán, “Ta sẽ ban cho chúng nó tấm lòng hay nhận biết ta là Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 24:7). Ngài sẽ “bỏ lòng đá khỏi xác thịt chúng nó, và sẽ cho chúng nó lòng thịt” (Ê-xê-chi-ên 11:19), và “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi”, “Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 36:26, 27). Các việc này của Chúa là nền tảng cho giao ước mới.
Nếu có một ai đó nói với bạn rằng, “Tôi muốn có một tấm lòng mới, tôi muốn có luật pháp Chúa khắc ghi trong lòng tôi, tôi muốn có một tấm lòng để nhận biết Chúa – nhưng tôi không biết làm cách nào để đạt được điều ấy,” thì bạn trả lời thế nào với họ?
Thứ Ba 1 Tháng 6
3. GIAO ƯỚC CŨ VÀ GIAO ƯỚC MỚI
“Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu việc Ngài, đặng yêu mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô uế, và cầm vững lời giao ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện ta. Của lễ thiêu và hy sinh họ dâng trên bàn thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:6, 7).
Giê-rê-mi có nói rằng giao ước mới sẽ được lập ra với “nhà của Y-sơ- ra-ên” (Giê-rê-mi 31:33), như vậy có phải là chỉ cho dòng dõi theo nghĩa đen của Áp-ra-ham mà thôi, hay là chỉ có dân Do Thái mới được nhận lãnh các lời hứa ấy?
Không! Thật ra, đến cả điều ấy cũng không đúng ngay trong thời kỳ Cựu Ước. Đúng ra là, toàn thể dân tộc Hê-bơ-rơ đã được ban cho những lời hứa trong giao ước. Tuy nhiên, điều ban cho ấy không hề có việc loại trừ bất kỳ ai khác cả. Ngược lại, tất cả, người Do Thái hay dân ngoại, đều được mời dự phần vào những lời hứa, nhưng họ phải đồng ý tham gia vào giao ước đó. Ngày nay cũng vậy, chắc chắn cũng không có gì khác.
Đọc các câu Ê-sai bên trên một lần nữa. Những điều kiện nào được đòi hỏi nơi những ai muốn phụng sự CHÚA? Thật sự có gì khác giữa những điều Chúa đòi hỏi họ với những điều Ngài đòi hỏi chúng ta ngày nay không? Xin giải thích câu trả lời của bạn.
Tuy giao ước mới được xem là “tốt hơn” (sẽ thấy trong bài học ngày Thứ Tư), không thật sự có điểm nào khác biệt trong bản chất căn bản của giao ước mới và cũ. Cũng cùng là một Đức Chúa Trời, Đấng đã ban một sự cứu rỗi cùng một phương cách: bởi ân sủng của Ngài mà thôi (Xuất Ê-díp- tô Ký 34:6, Rô-ma 3:24); cũng cùng một Đức Chúa Trời, Đấng tìm kiếm một dân tộc, bởi đức tin, xưng nhận những lời hứa tha tội của Ngài (Giê- rê-mi 31:34, Hê-bơ-rơ 8:12); cũng cùng một Đức Chúa Trời, Đấng muốn khắc ghi luật pháp của Ngài vào lòng những kẻ sẽ theo Ngài trong một mối quan hệ bởi đức tin (Giê-rê-mi 31:33, Hê-bơ-rơ 8:10), dầu là người Do Thái hay người không Do Thái.
Trong Tân Ước, người Do Thái, đáp lại sự lựa chọn của ân điển, đã tiếp nhận Chúa Giê-su Christ và phúc âm của Ngài. Trong một thời gian, họ là trung tâm của hội thánh, là “một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển” (Rô-ma 11:5) trái với những kẻ “cứng lòng” (Rô-ma 11:7). Đồng thời, dân ngoại, những người trước đây không tin, đã chấp nhận phúc âm và như những nhánh được ghép vào với dân thật của Đức Chúa Trời, là những người tin Chúa, bất kể họ thuộc về dân tộc hay chủng tộc nào (Rô- ma 11:13–24). Vì vậy, dân ngoại “trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa” (Ê-phê-sô 2:12) đã đến gần trong huyết của Đấng Christ. Đấng Christ đang làm trung bảo cho “giao ước mới” (Hê-bơ-rơ 9:15) cho tất cả các tín đồ, không phân biệt quốc tịch hay chủng tộc.
Thứ Tư 2 Tháng 6
4. “MỘT GIAO ƯỚC TỐT HƠN”
“Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn” (Hê-bơ-rơ 8:6).
Ngày hôm qua chúng ta đã thấy rằng về các yếu tố căn bản, giao ước cũ và mới đều giống nhau. Điểm quan yếu nhất ấy là sự cứu rỗi bởi đức tin vào một Đức Chúa Trời là Đấng sẽ tha thứ tội lỗi của chúng ta, không phải vì bất cứ điều gì đáng giá trong chúng ta mà chỉ vì ân điển của Ngài. Nhờ sự tha thứ này, chúng ta được vào trong mối quan hệ với Ngài, mà trong sự tương quan ấy, chúng ta đầu phục Ngài bởi đức tin và sự vâng lời.
Tuy nhiên, sách Hê-bơ-rơ gọi giao ước mới là “giao ước tốt hơn”. Làm thế nào chúng ta hiểu điều ấy có nghĩa là gì? Làm thế nào là một giao ước tốt hơn giao ước kia?
Ở đâu là lỗi gây sự “thất bại” của giao ước cũ? (Hê-bơ-rơ 8:7, 8).
Vấn đề với giao ước cũ không phải là nơi giao ước mà là do nơi người ta không thể hoàn toàn nắm chặt được nó bởi đức tin (Hê-bơ-rơ 4:2). Sự hoàn hảo của giao ước mới so với cái cũ là trong giao ước mới có Chúa Giê- su – thay vì chỉ qua những lễ hy sinh bằng con sinh tế (như trong giao ước cũ) – nay được tỏ bày trong thực tế qua cái chết và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Ngài. Nói cách khác, sự cứu rỗi được ban tặng trong giao ước cũ cũng giống như sự cứu rỗi được ban tặng trong giao ước mới. Tuy nhiên, trong cái mới, một sự mặc khải vĩ đại hơn, đầy đủ hơn về Đức Chúa Trời của giao ước và tình yêu mà Ngài dành cho nhân loại sa ngã, đã được tiết lộ. Qua giao ước mới, mọi điều đã được giảng dạy qua các biểu tượng và kiểu cách trong Cựu Ước đều được ứng nghiệm trong Chúa Giê-su, Đấng mà sự sống vô tội, sự chết của Ngài và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đã được tượng trưng bằng các lễ nghi của đền thánh trên đất (Hê-bơ-rơ 9:8–14).
Tuy nhiên, giờ đây, thay vì các biểu tượng và ví dụ, chúng ta có chính Chúa Giê-su, không chỉ là Chiên Con bị giết đã đổ huyết Ngài vì tội lỗi của chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:12) mà còn là Thầy Tế lễ Thượng phẩm trên trời đang cầu thay cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 7:25). Mặc dù sự cứu rỗi mà Ngài ban là giống nhau, nhưng sự mặc khải đầy đủ hơn về chính Ngài và sự cứu rỗi được tìm thấy trong Ngài, như được bày tỏ trong giao ước mới, làm cho nó vượt trội hơn giao ước cũ.
Đọc Hê-bơ-rơ 8:5 và Hê-bơ-rơ 10:1. Tác giả dùng danh từ nào để mô tả các nghi lễ đền thánh của giao ước cũ? Như thế nào việc dùng danh từ ấy giúp chúng ta hiểu được sự hoàn hảo của giao ước mới?
Hãy suy nghĩ về điều này: Tại sao việc biết về cuộc sống, cái chết và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Đấng Christ vì chúng ta, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời, hơn là chỉ biết Ngài qua việc dâng các con vật sinh tế nơi đền thờ trên đất?
Thứ Năm 3 Tháng 6
5. THẦY TẾ LỄ CỦA GIAO ƯỚC MỚI
Thư cho người Hê-bơ-rơ nhấn mạnh rất tỏ tường rằng Đức Chúa Giê- su là Thầy Tế lễ Thượng phẩm nơi đền thánh trên trời. Thật vậy, sự giải thích rõ ràng nhất về giao ước mới trong Tân Ước được tìm thấy trong sách Hê-bơ-rơ với sự nhấn mạnh về Đấng Christ là Thầy Tế lễ Thượng phẩm. Đây không phải là ngẫu nhiên. Chức vụ trên trời của Đấng Christ gắn liền với những lời hứa về giao ước mới.
Nghi lễ đền thánh trong Cựu ước là phương tiện để giảng dạy các lẽ thật của giao ước cũ. Nó xoay quanh sự hy sinh và sự trung bảo. Khi con sinh tế bị giết, sự hiện diện của các thầy tế lễ đã thể hiện huyết của chúng được dùng làm sự trung gian hòa giải. Dĩ nhiên, những điều này đều là biểu tượng của sự cứu rỗi chỉ được tìm thấy trong Chúa Giê-su mà thôi. Không có sự cứu rỗi nào được tìm thấy trong con vật sinh tế hay là các thầy tế lễ.
Đọc Hê-bơ-rơ 10:4. Tại sao không có sự cứu rỗi trong cái chết của những con vật này? Tại sao cái chết của một con vật không đủ để mang lại sự cứu rỗi?
Tất cả các nghi lễ của những con sinh tế này, và sự trung gian của thầy tế lễ hiện diện, đã thành tựu khi Đấng Christ là Chiên Con thật phải đổ huyết. Đức Chúa Giê-su đã trở thành Con Sinh Tế và huyết Ngài là điều mà giao ước mới được dựa trên. Huyết của Đấng Christ đã làm trọn giao ước mới, làm cho giao ước núi Si-nai và các của lễ của nó trở nên “cũ” hoặc vô hiệu. Của lễ thật đã được thực hiện, một lần và mãi mãi (Hê-bơ-rơ 9:26). Một khi Chúa Giê-su Christ chết, không cần giết bất kỳ con vật nào nữa. Các nghi lễ đền thánh thế trần đã hoàn thành chức vụ của chúng.
Hãy đọc Ma-thi-ơ 27:51, cho biết bức màn trong đền thánh trên đất đã bị xé ra như thế nào khi Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng. Làm thế nào sự kiện đó giúp chúng ta hiểu được tại sao đền thánh trên đất đã bị thay thế?
Dĩ nhiên, gắn liền với sự dâng con sinh tế là chức vụ tế lễ, những người Lê-vi, là những người đã thay mặt dân chúng dâng và làm trung gian cho những của lễ trong thánh địa trần gian. Khi việc con sinh tế không còn nữa thì nhu cầu về chức vụ của họ cũng kết thúc. Mọi sự đã được ứng nghiệm qua Đức Chúa Giê-su, Đấng hiện đang dâng huyết của chính Ngài nơi đền thánh trên trời (xin xem Hê-bơ-rơ 8:1–5). Hê-bơ-rơ nhấn mạnh