của họ, như một giao ước đời đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:16).
KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Sáng thế Ký 2:2, 3; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11; Xuất Ê-díp-tô Ký 16; Hê-bơ-rơ 4:1–4; Xuất Ê-díp-tô Ký 31:12–17; Phục truyền 5:14.
Ngày thứ bảy Sa-bát giống như một cái đinh được đóng để giữ chặt một điều gì đó. Những tiếng búa đập mạnh đều đặn không gián đoạn đưa chúng ta mỗi tuần, trở lại nền tảng của tất cả những gì chúng ta đang có hoặc phải có. Chúng ta quá bận rộn, chạy tới chạy lui, kiếm tiền, tiêu tiền, đi đây, đi đó, đi khắp nơi, rồi đến . . . tiếng vang của nhát búa . . . Ngày Sa-bát đến và chiếc đinh đóng, gắn chúng ta dính lại với nền tảng của mình, là điểm xuất phát của mọi điều theo sau, bởi vì bất cứ điều chi có ý nghĩa gì đối với chúng ta và chúng ta trở thành, chỉ bởi vì Chúa đã tạo ra nó và chúng ta bắt đầu với nó.
Với sự đều đặn không ngừng, và không có ngoại lệ, ngày Sa-bát âm thầm lao qua đường chân trời và len lỏi vào mọi khe nứt trong cuộc sống của chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng mọi vết nứt và mọi kẻ hở cũng đều thuộc về Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta ở đây, Đấng từ “thuở ban đầu” dựng nên trời và đất, một hành động vẫn là nền tảng không thể chối cãi của tất cả niềm tin Cơ Đốc giáo và trong đó ngày Sa-bát thứ Bảy . . . tiếng búa vang đều đặn . . . là dấu hiệu không thể bác bỏ, không phô trương và không làm ngơ được.
Sơ Lược Bài Học Tuần Này: Xuất xứ của Ngày Sa-bát đến từ đâu? Có
bằng chứng nào về Ngày Sa-bát đã có từ trước khi đến Núi Si-nai? Điều gì đã làm cho Ngày Sa-bát là một dấu thích hợp trong giao ước?
Thứ Nhất 23 Tháng 5
1. NGUỒN GỐC NGÀY SA-BÁT
Chúng ta thường nghe thấy câu, “Ngày Sa-bát của người Do Thái cổ.” Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng ngày Sa-bát đã có từ lâu trước khi có bất kỳ người Do Thái nào. Nguồn gốc của nó được tìm thấy trong chính tuần lễ Tạo Thế.
Đọc trong Sáng thế Ký 2:2, 3 và Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11. Các câu này cho thấy rõ ràng, không chút mập mờ, nguồn gốc của ngày Sa-bát từ đâu?
Tuy Sáng thế Ký 2:2, 3 không xác định “ngày thứ Bảy” là ngày Sa-bát (việc xác định này xuất hiện đầu tiên trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16:26, 29), nhưng rõ ràng nó được gợi ý trong câu, “qua ngày thứ Bảy thì Ngài nghỉ” (Sáng thế Ký 2:2). Chữ nghỉ (trong tiếng Hê-bơ-rơ là shabat) thì liên hệ với danh từ Sabbath (tiếng Hê-bơ-rơ, shabbat). “Danh từ ‘sabbath’ không được dùng [trong Sáng thế Ký 2:2, 3], nhưng chắc chắn rằng tác giả muốn khẳng định rằng Đức Chúa Trời ban phước và đặt nên thánh ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát.” – G. F. Waterman, The Zondervan Pictorial Encyclopedia
of the Bible (Grand Rapids, MI: Zondervan Publishing House, 1975), bộ
5, trang 183. Rõ ràng, Sáng thế Ký 2:2, 3 dạy về nguồn gốc thiêng liêng và định chế của Ngày Sa-bát là ngày mang phước đến cho toàn thể nhân loại.
Đọc Mác 2:27. Chúa Giê-su nói rằng ngày Sa-bát được dựng nên, theo nghĩa đen, cho “loài người”, ngụ ý toàn thể nhân loại, chứ không chỉ cho người Do Thái.
Tại sao Đức Chúa Trời lại nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy? Ngài có cần sự nghỉ ngơi không? Sự nghỉ ngơi của Ngài có thể có chủ đích nào khác nữa?
Mặc dù có một số bình luận gia đã gợi ý rằng Đức Chúa Trời cần được nghỉ ngơi thể chất (của Ngài) sau công việc Tạo Thế, mục đích thực sự cho sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời là để lại một Gương thiêng liêng cho nhân loại. Nhân loại cũng phải làm việc trong sáu ngày và sau đó nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát thứ Bảy. Nhà thần học Karl Barth gợi ý rằng sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời vào giai đoạn cuối của Công cuộc Sáng tạo là một phần của “giao ước của ân sủng”, trong đó loài người được mời “nghỉ ngơi với Ngài. . . tham gia vào sự yên nghỉ của [Đức Chúa Trời].” – Church’s Dogmatics, bộ 3, phần 1 (Edinburgh, Scotland: T&T Clark Ltd., 1958), trang 98.
Trong tình yêu thương của Ngài, Đức Chúa Trời đã kêu gọi A-đam và Ê-va, vào ngày sau khi họ vừa được tạo dựng để thông công với Ngài trong sự yên nghỉ, để thiết lập sự hiệp thông mật thiết với Ngài, là Đấng mà hình ảnh họ đã được dựng nên theo. Sự thông công và hiệp thông đó sẽ tồn tại mãi mãi. Kể từ khi loài người sa ngã, sự yên nghỉ ấy đã mang lại một cao điểm hàng tuần cho cuộc sống của một người với Đấng Cứu Thế.
Bạn trả lời thế nào nếu có người hỏi bạn rằng: Việc giữ ngày Sa-bát đã mang lại lợi ích như thế nào cho mối quan hệ của bạn với Chúa?
Thứ Hai 24 Tháng 5
2. SA-BÁT TRƯỚC THỜI ĐIỂM TẠI NÚI SI-NAI
“Người đáp rằng: Ấy là lời Đức Giê-hô-va đã phán rằng: Mai là ngày nghỉ, tức ngày Sa-bát thánh cho Đức Giê-hô-va, hãy nướng món chi các ngươi muốn nướng, hãy nấu món chi các ngươi muốn nấu; hễ còn dư, hãy để dành đến sáng mai” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23).
Đọc lướt qua đoạn 16 của sách Xuất Ê-díp-tô Ký, đây là câu chuyện bánh ma-na được ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, trước khi họ đến núi Si-nai và nhận lãnh 10 Điều Răn. Chúng ta chú ý các điểm sau đây:
1. Chỉ một phần ma-na đủ cho mỗi ngày được lượm, nhưng trong ngày thứ Sáu phải lượm gấp đôi.
2. Ngày Sa-bát không có ma-na rơi xuống.
3. Phần dư lượm trong ngày thứ Sáu vẫn còn tốt khi để dành sang ngày Sa-bát, trong khi ma-na trong những ngày thường mà để dành sang ngày sau thì chúng bị hư thối.
Câu chuyện ma-na dạy gì cho chúng ta về sự nên thánh của ngày Sa- bát từ trước khi luật pháp được ban bố tại núi Si-nai (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23-28).
“Trên thực tế, ngày Sa-bát đương nhiên là ngày thứ Bảy, hay lời tuyên bố rằng Chúa đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên ngày Sa-bát, và hồ sơ ghi rằng dân chúng, theo lệnh của Đức Chúa Trời, nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy, tất cả đều là sự tỏ tường, không nhầm lẫn rằng thể chế của ngày Sa-bát đã được thiết lập từ lúc tạo thiên lập địa.” – G. F. Waterman, The Zondervan
Pictorial Encyclopedia of the Bible, vol. 5, trang 184.
Có nhiều bài học chúng ta rút ra được trong câu chuyện của Xuất Ê-díp-tô Ký 16 về ngày Sa-bát. Hãy xem nó dạy chúng ta những gì:
1. Ngày nào là ngày chuẩn bị cho ngày Sa-bát? 2. Ngày Sa-bát là ngày nào trong tuần? 3. Ngày Sa-bát bắt nguồn từ đâu?
4. Ngày Sa-bát nên là một ngày như thế nào? 5. Ngày Sa-bát có phải là ngày kiêng ăn không?
6. Ngày Sa-bát có phải là thử thách về lòng trung thành với Đức Chúa Trời không?
Sự hiểu biết của bạn về ngày Sa-bát ngày nay ăn khớp với những gì được dạy về ngày Sa-bát trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16 như thế nào?
Thứ Ba 25 Tháng 5
3. DẤU CỦA GIAO ƯỚC CHÚA
“Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho ta cùng dân Y-sơ-ra-ên, vì Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và lấy sức lại” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:16, 17).
Bốn lần trong Kinh thánh, ngày Sa-bát được chỉ định là một “dấu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13, 17; Ê-xê-chi-ên 20:12, 20). “Dấu” không phải là “biểu tượng” theo nghĩa của một thứ biểu thị tự nhiên, hay đại diện hoặc để gợi đến một điều gì khác vì điều ấy có chung các phẩm chất (thí dụ: biểu tượng của một bàn tay nắm lại thường biểu thị “sức mạnh” hoặc “quyền uy”). Trong Kinh Thánh, ngày Sa-bát là một “dấu”, và dấu ấy như là một dấu ấn, một bảng hiệu, hay một tình trạng nhằm truyền đạt một thông điệp đặc biệt. Không có gì trong chính dấu ấy liên kết đặc biệt nó với giao ước. Ngày Sa-bát là một dấu giao ước “giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời,” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13) bởi vì Đức Chúa Trời đã phán như vậy.
Tại sao Chúa lại dùng ngày Sa-bát làm dấu của giao ước? Điều gì về ngày Sa-bát khiến nó trở thành biểu tượng thích hợp cho mối tương quan cứu rỗi Đức Chúa Trời có cho chúng ta? Hãy nhớ rằng một khía cạnh quan trọng của giao ước là chúng ta được cứu bởi ân điển, và việc làm không thể cứu chúng ta, điều gì về chính ngày Sa-bát khiến nó trở thành một biểu tượng đặc biệt cho mối tương quan ấy? (Xem Sáng thế Ký 2:3, Hê-bơ-rơ 4:1–4.)
Điều diệu kỳ về ngày Sa-bát được xem như là một dấu của giao ước ân điển ấy là trong nhiều thế kỷ, người Do Thái đã hiểu ngày Sa-bát là dấu hiệu của sự cứu chuộc của Đấng Mê-si. Họ đã nếm được dấu của sự cứu rỗi trong Đấng Mê-si qua ngày Sa-bát. Vì chúng ta hiểu rằng sự cứu chuộc chỉ đến từ ân điển, và vì chúng ta hiểu giao ước là giao ước của ân điển, nên sự liên hệ giữa Ngày Sa-bát, Sự cứu chuộc và giao ước rất rõ ràng cho chúng ta (xem Phục truyền 5:13–15). Vì vậy, trái với sự suy nghĩ thông thường, chúng ta biết ngày Sa-bát là dấu của ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời; nó không phải là một dấu của sự cứu rỗi bởi việc làm.
Bạn hiểu thế nào về ý nghĩa của việc “nghỉ ngơi” trong ngày Sa-bát? Bạn nghỉ ngơi như thế nào vào ngày Sa-bát? Bạn làm gì khác biệt vào ngày đó khiến nó trở thành “dấu”? Ai đó trong vòng người quen biết của bạn có thể nhìn vào cuộc sống của bạn và thấy rằng ngày Sa-bát thực sự là một ngày đặc biệt đối với bạn không?
Thứ Tư 26 Tháng 5
4. DẤU CỦA SỰ ĐƯỢC THÁNH HÓA
“Các ngươi hãy giữ ngày sa-bát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:13)
Một đoạn văn về ngày Sa-bát thật xúc tích là Xuất Ê-díp-tô Ký 31:12– 17. Đoạn này tiếp theo sau những lời chỉ dẫn của Chúa về việc xây dựng đền thánh và thiết lập các dịch vụ đền thờ (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:1 – 31:11).
Khái niệm về ngày Sa-bát như một “dấu” – một dấu hữu hình, bên ngoài và vĩnh cửu giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài – lần đầu tiên được nhắc đến ở đây trong vai trò này. Văn bản này tự nó cũng chứa đựng một số khái niệm lạ lùng đáng để chúng ta nghiên cứu. Trong văn bản này có hai tư tưởng mới được liên kết với nhau:
1. Ngày Sa-bát như một dấu của sự hiểu biết 2. Ngày Sa-bát như một dấu của sự thánh hóa
Để ý phương diện dấu này liên quan đến sự hiểu biết. Người Do Thái khi nói về sự hiểu biết là họ bao gồm các phương diện về trí tuệ, về mối tương quan, và về cảm xúc. “Để biết” không chỉ có nghĩa là biết một sự kiện, nhất là khi có liên quan đến một người. Nó cũng có nghĩa là có một mối tương quan có ý nghĩa với một người mình đã biết. Vì vậy, để biết Chúa có nghĩa là ở trong mối tương quan đúng với Ngài – để “phục vụ” Ngài (1 Sử Ký 28:9), “kính sợ” Ngài (Ê-sai 11: 2), “tin” Ngài (Ê-sai 43:10), để “tin cậy” Ngài và “tìm kiếm” Ngài (Thi thiên 9:10), và “kêu cầu” danh Ngài (Giê-rê-mi 10:25).
Đọc từng câu Kinh Thánh được nêu ra bên trên. Các câu này giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc “biết” Chúa là gì?
Ngoài ra, ngày Sa-bát có ý nghĩa như một dấu của sự thánh hóa. Nó biểu thị rằng Chúa “thánh hóa” dân sự của Ngài (so sánh Lê-vi Ký 20:8) bằng cách làm cho họ trở nên “thánh” (Phục truyền 7:6).
Tiến trình được thánh hóa cũng giống như công việc của tình yêu cứu chuộc của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu vớt và cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Sự công bình (sự được xưng công bình) và sự nên thánh đều là những hoạt động của Đức Chúa Trời: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng làm cho các ngươi nên thánh” (Lê-vi Ký 20:8). Vì vậy, ngày Sa-bát là một dấu truyền đạt sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng ban sự thánh hóa. “Ngày Sa-bát được ban cho thế giới như là dấu của Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, cũng là dấu của Ngài, là Đấng Thánh Hóa.” – Ellen G. White, Testimonies for the Church, bộ 6, trang 350.
Hãy để ý đến ngày Sa-bát trong khía cạnh của quá trình nên thánh, tức là được làm nên thánh. Việc giữ ngày Sa-bát có vai trò gì trong quá trình này? Làm thế nào Chúa có thể dùng kinh nghiệm giữ ngày Sa-bát của chúng ta để giúp thánh hóa chúng ta?
Thứ Năm 27 Tháng 5
5. HÃY NHỚ NGÀY NGHỈ (SA-BÁT)
“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8) Ngày Sa-bát đã và vẫn là một dấu để người ta “nhớ”. Việc Chúa dùng động từ nhớ có nhiều dụng ý. Thứ nhất, nhớ một điều gì hàm ý nhìn lại quá khứ. Trong trường hợp này, Ngày Sa-bát hướng chúng ta tưởng nhớ lại Sự Sáng Tạo, khi mọi sự đã hoàn tất, điểm cao nhất của tuần lễ ấy là sự ngừng nghỉ để biệt riêng thời gian đặc biệt thông công với Đấng Tạo Hóa.
Lệnh hãy nhớ cũng có ý nghĩa cho hiện tại. Chúng ta không chỉ “nhớ” ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8); chúng ta phải “tôn trọng” và “giữ” nó (xem Phục truyền 5:12). Vì vậy, ngày Sa-bát có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta bây giờ, trong hiện tại.
Sau hết, việc ghi nhớ ngày Sa-bát cũng hướng chúng ta về tương lai. Người ghi nhớ việc giữ Ngày Sa-bát có được một tương lai đầy hứa hẹn, phong phú và có ý nghĩa với Chúa của Ngày Sa-bát. Người ấy vẫn ở trong mối quan hệ giao ước, bởi vì người ấy vẫn ở trong Chúa. Một lần nữa, khi chúng ta hiểu giao ước là sự tương quan, là mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và loài người, thì Ngày Sa-bát, là điều cụ thể để giúp củng cố sâu xa mối quan hệ ấy.
Thật vậy, khi tưởng nhớ sự Sáng Tạo và Đấng Tạo Hóa, dân sự của Đức Chúa Trời cũng nhớ đến những hành động cứu rỗi nhân từ của Đức Chúa Trời (xem Phục truyền 5:14, trong đó ngày Sa-bát được xem là dấu hiệu của sự giải cứu khỏi Ai Cập, một biểu tượng của sự cứu rỗi tối thượng được tìm thấy trong Chúa). Sáng tạo và tái tạo thuộc về nhau. Phải có sự sáng tạo thì mới có được sự tái tạo. Ngày Sa-bát là một dấu để nói lên rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của thế gian và là Đấng tạo dựng sự cứu rỗi của chúng ta.
“Bằng cách giữ cho ngày Sa-bát của Ngài được thánh thiện, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta là dân sự của Ngài. Lời Ngài tuyên bố ngày Sa-bát là một dấu hiệu để phân biệt những người tuân giữ điều răn . . . Những ai tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ nên một với Ngài trong cuộc thiện ác đấu tranh đã khởi sự từ trên thiên đàng giữa Sa-tan và Đức Chúa Trời.” – Ellen G. White, Selected Messages, bộ 2, trang 160.
Hãy suy nghĩ về lời nói trên của người tôi tớ Chúa. Ngày Sa-bát có gì mà làm nó trở thành điểm để có thể phân biệt chúng ta là “những người tuân giữ các điều răn” hơn là bất kỳ điều răn nào khác?
Thứ Sáu 28 Tháng 5
NGHIÊN CỨU BỔ TÚC:
Mười Điều Răn xác định một cách toàn diện và cho thấy nền móng về các mối tương quan, giữa người với Chúa và người với người. Điều Răn nằm ở giữa của Mười Mạng Lệnh là Điều Răn về Ngày Sa-bát. Nó xác định Chúa của Ngày Sa-bát là ai, và ghi rõ phạm vi của quyền hạn và quyền sở hữu của Ngài. Hãy lưu ý hai khía cạnh sau đây: (1) danh tính của Đức