LUẬT PHÁP TRONG GIAO ƯỚC

Một phần của tài liệu 2021-Q2-GIAOUOC-IN (Trang 54 - 61)

Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài” (Phục truyền 7:9).

KINH THÁNH NGHIÊN CỨU: Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6, Ê-sai 56:7, Hê-bơ-rơ 2:9, Phục truyền 4:13, Phục truyền 10:13, A-mốt 3:3, Sáng thế Ký 18:19.

Một trong những câu quan trọng trong Thi thiên 23 cho thấy nơi nào Chúa muốn dẫn dắt chúng ta đến. Đa-vít tuyên bố trong câu 3: “Ngài dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài”. Vì sự công bình và chính trực của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ dẫn chúng ta đi lạc lối. Ngài sẽ cung cấp những con đường an toàn cho bước đi thuộc linh của chúng ta trong suốt cuộc đời.

“Các lối công bình” an toàn là gì? Một tác giả Thi thiên khác trả lời câu hỏi này qua lời cầu nguyện: “Xin hãy khiến tôi đi trong đường điều răn Chúa, Vì tôi lấy làm vui vẻ tại đó,” (Thi thiên 119:35). “Vì hết thảy điều răn Chúa là công bình” (Thi thiên 119:172). Luật pháp của Đức Chúa Trời là con đường an toàn, vững chắc xuyên qua những đầm lầy nguy hiểm của sự tồn tại của con người.

Bài học tuần này của chúng ta tập trung vào luật pháp của Đức Chúa Trời và vị trí của nó trong giao ước Si-nai.

Sơ Lược Bài Học Tuần Này: Sự chọn lấy Y-sơ-ra-ên có ý nghĩa gì?

Làm thế nào để sự được chọn ấy tương tự như sự được chọn của chúng ta? Luật pháp trong giao ước quan trọng như thế nào? Giao ước có được ban cho vô điều kiện không? Tại sao sự vâng lời là một phần không thể thiếu của mối quan hệ giao ước?

Thứ Nhất 16 Tháng 5

1. SỰ CHỌN Y-SƠ-RA-ÊN

Truyền thống Do Thái đã dạy rằng Đức Chúa Trời lập giao ước với Y-sơ-ra-ên chỉ vì các quốc gia khác từ chối giao ước đó trước. Mặc dù không có bằng chứng Kinh Thánh nào ủng hộ điều này, tuy nhiên, nó giúp đưa ra quan điểm rằng vì lý do nào chăng nữa mà Chúa đã chọn quốc gia Hê-bơ-rơ, ấy chẳng phải vì họ xứng đáng với vinh dự và đặc ân cao quý mà Chúa ban cho họ. Họ không có công lao nào có thể khiến họ xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự lựa chọn của Ngài khiến họ làm dân sự của Ngài. Dân số họ không nhiều, họ chỉ là một số các bộ lạc bị bắt làm nô lệ, và yếu kém về mặt chính trị và quân sự. Thêm vào đó, về văn hóa và tôn giáo của họ, chúng pha trộn, tầm thường và chẳng có ảnh hưởng sâu rộng. Vì vậy, nguyên nhân căn bản cho sự được chọn của Y-sơ-ra-ên nằm trong sự bí ẩn về tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta cần phải cẩn thận khi xem xét ý tưởng nay về sự được chọn, bởi vì nó tiềm ẩn nguy cơ làm hiểu lầm thần học. Đức Chúa Trời chọn Y-sơ-ra-ên để làm gì? Để cho nó có được cứu chuộc, trong khi sự chọn lựa cho các dân khác là họ sẽ bị từ chối và hư mất? Hay Y-sơ-ra-ên được chọn để trở thành những phương tiện để mang lại (truyền bá) cho thế giới những gì họ đã được ban cho? Làm thế nào những câu Kinh Thánh sau đây giúp chúng ta hiểu câu trả lời cho những câu hỏi này?

Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6 _____________________________________ Ê-sai 56:7 _______________________________________________ Hê-bơ-rơ 2:9 ____________________________________________

Là tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm, chúng ta thường xem mình là Y-sơ-ra-ên của thời hiện đại. Chúng ta được Chúa kêu gọi, không phải để làm những người duy nhất được cứu chuộc mà là để công bố sứ điệp cứu chuộc, trong bối cảnh của các sứ điệp của ba thiên sứ, với thế giới. Tóm lại, chúng ta tin rằng chúng ta có một sự điệp phải rao truyền mà không ai khác đang rao truyền. Trên căn bản, đây cũng là hoàn cảnh của Y-sơ-ra-ên thời cổ. Mục đích của việc chọn Y-sơ-ra-ên không phải để biến quốc gia Do Thái thành một nhóm người vui hưởng một độc quyền nào đó, tích trữ và dành riêng lời hứa về sự cứu rỗi và sự cứu chuộc cho chỉ riêng họ. Trái lại, nếu chúng ta tin rằng Đấng Christ đã chết cho toàn thể nhân loại (Hê-bơ-rơ 2:9), thì sự cứu chuộc mà Chúa ban cho dân Y-sơ-ra-ên cũng được ban cho toàn thế giới nữa. Y-sơ-ra-ên đã được xem là phương tiện mà sự cứu chuộc này được công bố. Hội thánh của chúng ta đã được kêu gọi để làm điều tương tự.

Hãy nhìn vào vai trò của chính bạn trong hội thánh. Bạn có thể làm gì để giúp thúc đẩy công việc mà chúng ta đã được kêu gọi để thực hiện? Hãy nhớ rằng, nếu bạn không tích cực giúp đỡ, rất có thể ở một mức độ nào đó, bạn là kẻ cản đường cho công việc Chúa.

Thứ Hai 17 Tháng 5

2. NHỮNG SỢI DÂY TRÓI BUỘC

“Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, tức là mười điều răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép mười điều răn ấy trên hai bảng đá” (Phục truyền 4:13).

Cho dù chúng ta có nhấn mạnh rằng giao ước luôn luôn là giao ước của ân điển, rằng đó chỉ là kết quả của ân điển mà Đức Chúa Trời ban cho cách nhưng không, không vì công cán của những kẻ được nhận mà là cho bất cứ ai dự phần vào mối quan hệ cứu rỗi với Ngài; chúng ta phải nhớ, ân điển không phải là giấy phép để tha hồ bất tuân. Trái lại, giao ước và luật pháp thuộc về nhau; chúng, trên thực tế, không thể tách rời nhau.

Nhìn vào câu Kinh Thánh trích dẫn trên. Giao ước và luật pháp liên kết chặt chẽ như thế nào? Nó cho thấy luật pháp là căn bản như thế nào đối với giao ước?

Khi bạn nghĩ về giao ước là gì thì bạn sẽ thấy khái niệm luật pháp là một phần không thể thiếu sót trong giao ước, là rất có lý. Nếu chúng ta hiểu giao ước như là một mối quan hệ, thì thật vậy, một số loại quy tắc và ranh giới cần được nêu rõ ràng. Một cuộc hôn nhân, một tình bạn hay một mối quan hệ đối tác kinh doanh sẽ kéo dài được bao lâu nếu không có ranh giới hoặc quy tắc, được thể hiện rõ ràng hay phải được ngầm hiểu? Nếu người phối ngẫu ngang nhiên kiếm bồ, hoặc người bạn quyết định tự ý móc ví của bạn mình để trả tiền, hoặc một đối tác kinh doanh không báo trước mà cứ việc mời thêm người khác tham gia vào liên doanh của họ. Những hành vi này sẽ vi phạm các quy tắc, luật lệ và nguyên tắc. Các mối quan hệ thế này sẽ kéo dài được bao lâu trong những hoàn cảnh vô luật pháp như vậy? Đó là lý do tại sao cần phải thiết lập ranh giới, đường phân chia và quy tắc. Chỉ qua những điều này, mối quan hệ mới có thể được duy trì.

Thật ra, có nhiều cách diễn đạt khác nhau về các đòi hỏi phải đi đôi với hoặc liên hệ với giao ước. Chẳng hạn, những chữ được tìm thấy là: luật (Thi thiên 78:10), quy chế (Thi thiên 50:16), lời chứng (Thi thiên 25:10),

mạng lệnh (Thi thiên 103:18), và lời của Chúa (Phục truyền 33:9). Rõ ràng

“những lời của giao ước này” (Giê-rê-mi 11:3, 6, 8) là những lời của luật pháp, luật lệ, lời chứng và điều răn của Đức Chúa Trời.

Giao ước của Đức Chúa Trời với dân của Ngài là Y-sơ-ra-ên chứa đựng nhiều đòi hỏi khác nhau, và chúng rất quan trọng hầu duy trì mối quan hệ đặc biệt mà Ngài muốn có với dân Ngài. Ngày nay, chúng ta là dân Chúa, mối tương quan với Ngài có gì khác không?

Hãy nghĩ về một người mà bạn có mối quan hệ thân thiết. Bây giờ, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với mối quan hệ đó nếu bạn không cảm thấy bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc, chuẩn mực hoặc luật lệ nào, nhưng tin rằng bạn có toàn quyền tự do để làm bất cứ điều gì bạn muốn. Ngay cả khi bạn nói rằng bạn yêu người này và chỉ cần tình yêu thôi là đủ để quyết định mối quan hệ của bạn với người ấy như thế nào, tại sao vẫn cần có quy tắc? Hãy thảo luận.

Thứ Ba 18 Tháng 5

3. LUẬT PHÁP TRONG GIAO ƯỚC

Khi nói đến pháp luật, điều gì đến trong trí bạn trước nhất? Cảnh sát? Bị phạt vì vi phạm luật giao thông? Quan tòa, và nhà tù? Hay bạn nghĩ đến những điều cấm cản, luật lệ, phụ huynh nghiêm khắc, bị trừng phạt? Hay, có thể bạn nghĩ đến trật tự, hòa hợp, không lộn xộn? Và chừng như cả . . . lòng yêu thương?

Danh từ Torah trong tiếng Do Thái, được dịch là “luật pháp” trong Kinh Thánh của chúng ta, có nghĩa là “sự dạy dỗ” hoặc “sự hướng dẫn”. Từ ngữ này có thể được dùng để chỉ tất cả các huấn thị và chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, trong mọi phương diện, đạo đức, dân sự, xã hội hay tôn giáo. Nó hàm ý về tất cả những lời khuyên khôn ngoan mà Đức Chúa Trời đã ân cần ban cho dân sự của Ngài, để họ có thể trải qua một cuộc sống sung mãn cả về thể chất lẫn tinh thần. Không có gì ngạc nhiên khi tác giả Thi thiên có thể gọi một người được phước là kẻ “lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi thiên 1:2).

Khi chúng ta đọc Luật hay Torah – những chỉ dẫn và lời dạy được ghi lại trong các sách của Môi-se đã trở thành một phần trong giao ước của Y-sơ-ra-ên – chúng ta phải thật bàng hoàng với bao nhiêu là sự hướng dẫn. Luật đề cập đến mọi phần trong cách sống của Y-sơ-ra-ên – nông nghiệp, chính quyền dân sự, các mối quan hệ xã hội, và sự thờ phượng.

Bạn nghĩ tại sao Đức Chúa Trời đã cung cấp quá nhiều chỉ dẫn cho dân Y-sơ-ra-ên? (Xem Phục truyền Luật lệ Ký 10:13). Qua các cách nào những sự chỉ dẫn này là giúp họ được “tốt”?

Công việc của “luật” trong giao ước là cung cấp các hướng dẫn cho cuộc sống mới của phía loài người trong giao ước. Luật giới thiệu cho người thấy được ý muốn của Đức Chúa Trời, là Đấng mà người ta sẽ thật sự biết đến theo nghĩa đầy đủ nhất qua sự vâng theo, bởi đức tin, các mạng lệnh và các sự biểu hiện khác về ý muốn của Ngài.

Luật pháp dự phần trong mối quan hệ giao ước cho thấy rằng Y-sơ- ra-ên không thể chạy theo cách sống của các dân khác. Họ không thể chỉ sống theo quy luật tự nhiên, nhu cầu, ước muốn của con người, hoặc thậm chí là các nhu cầu xã hội, chính trị và kinh tế không thôi. Họ chỉ có thể tiếp tục là dân thánh của Chúa, là vương quốc tế lễ của Ngài và là bảo vật đặc biệt của Đức Chúa Trời khi họ có sự tuân phục tuyệt đối theo ý muốn được bày tỏ của Đức Chúa Trời qua giao ước trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Giống như Y-sơ-ra-ên cổ đại, người tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm đã nhận được nhiều lời khuyên liên quan đến mọi giai đoạn cuộc đời của Cơ Đốc nhân thông qua sự biểu lộ hiện đại của ân tứ tiên tri. Tại sao chúng ta nên xem những lời khuyên này như một món quà từ Đức Chúa Trời hơn là một sự kềm kẹp cho sự suy nghĩ và hành động độc lập? Đồng thời, chúng ta phải cẩn trọng về sự nguy hiểm nào khi chúng ta biến món quà ấy thành một điều cứng ngắc chỉ để đúng luật, như cách dân Y-sơ-ra-ên đã làm với các ân tứ họ nhận lãnh? (Xem Rô-ma 9:32).

Thứ Tư 19 Tháng 5

4. SỰ ỔN ĐỊNH CỦA LUẬT PHÁP ĐỨC CHÚA TRỜI

Lẽ thật nào về Đức Chúa Trời cho thấy luật pháp của Chúa hiện diện trong mối quan hệ giao ước dạy chúng ta về bản chất tất yếu của Ngài? (Ma-la-chi 3:6, Gia-cơ 1:17).

Luật của Đức Chúa Trời là những lời Ngài phán hoặc viết xuống để chúng ta biết được ý tưởng Ngài (so sánh Thi thiên 40:8). Bởi vì nó là một bản sao chép về cá tính của Ngài, sự hiện diện của nó trong giao ước đoan chắc cho chúng ta về sự trường tồn và đáng tin cậy của Đức Chúa Trời. Mặc dù chúng ta có thể không luôn phân biệt được những hoạt động của sự quan phòng của Ngài, nhưng chúng ta biết Ngài là Đấng chúng ta trông cậy được. Ngài là Chủ tể của một vũ trụ tuần hoàn theo các quy luật vật lý và đạo đức không đổi dời. Chính sự thật này mang lại cho chúng ta sự tự do và niềm an ninh thật sự.

“Sự bảo đảm rằng Đức Chúa Trời đáng tin cậy và trông cậy được nằm trong sự thật rằng Ngài là Đức Chúa Trời của luật pháp. Ý muốn của Ngài và luật pháp của Ngài là một. Chúa nói rằng đúng là đúng vì nó mô tả những mối quan hệ tốt nhất có thể có. Do đó, luật pháp của Đức Chúa Trời không bao giờ độc đoán hoặc tùy thuộc vào tơ tưởng và ý thích nhất thời. Luật của Ngài là ổn định nhất trong vũ trụ.” – Walter R. Beach, Dimensions

in Salvation (Washington, D.C: Review and Herald Publishing Association,

1963), trang 143.

Nếu luật pháp của Đức Chúa Trời không thể cứu một người khỏi tội lỗi, thì tại sao Ngài lại để nó thành một phần của giao ước? (Gợi ý: xem A-mốt 3:3).

Mỗi mối quan hệ đều cần phải có sự thỏa thuận và hài hòa. Bởi vì Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng Tạo Hóa của thế gian mà còn là Đấng Điều Hành sự đạo đức của nó, luật pháp là điều cần thiết cho hạnh phúc của những loài thọ tạo có trí tuệ của Ngài được sống hòa thuận với Ngài. Luật pháp của Ngài, sự thể hiện ý muốn của Ngài, do đó, là hiến pháp của vương quốc Ngài. Nó đương nhiên là chuẩn mực hoặc nghĩa vụ của sự sắp xếp và mối quan hệ của giao ước. Mục đích của nó không phải là để cứu, mà để xác định nghĩa vụ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời (các điều răn 1–4) và bổn phận của chúng ta đối với đồng loại (các điều răn 5–10). Nói cách khác, nó đặt ra cách sống mà Đức Chúa Trời thiết kế để con cái trong giao ước của Ngài sống, vì hạnh phúc và an bình của chính họ. Nó ngăn cản để Y-sơ-ra-ên không dùng một số các triết lý khác để thay thế và dùng chúng làm cách họ sống theo. Đó đã là và vẫn là mục đích của mối quan hệ giao ước để đưa người tin Chúa qua ân điển biến đổi của Đức Chúa Trời trở nên hài hòa với ý muốn và đặc tính của Ngài.

Hãy nhìn quanh mình, bạn có thấy hậu quả khủng khiếp của sự vô luật pháp? Ngay cả trong cuộc sống của chính mình, bạn có thấy những sự thiệt hại xảy ra vì sự vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời? Qua những cách nào mà các thực tế này giúp khẳng định sự tốt lành của luật pháp Đức Chúa Trời và tại sao luật pháp phải là một phần quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài?

Thứ Năm 20 Tháng 5

5. NẾU . . .

Tìm đọc các câu Kinh Thánh dưới đây. Chúng có một điểm tương đồng nào đó, và điểm ấy dạy gì cho chúng ta về bản chất của giao ước?

Sáng thế Ký 18:19 ________________________________________ Sáng thế Ký 26:4, 5________________________________________ Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5 _____________________________________ Lê-vi Ký 26:3 ____________________________________________

Đức Chúa Trời công khai thừa nhận sự vâng phục trung thành của Áp-ra-ham “và đã giữ điều ta phán dạy, lịnh, luật và lệ của ta” (Sáng thế Ký 26:5). Điều này ngụ ý rằng Đức Chúa Trời mong đợi một lối sống như vậy từ kẻ cộng sự trong giao ước của Ngài. Tuyên ngôn về giao ước trong Kinh Thánh tại Núi Si-nai đưa ra rất rõ ràng rằng các điều kiện của sự vâng phục là một trong những khía cạnh căn bản của giao ước.

Một phần của tài liệu 2021-Q2-GIAOUOC-IN (Trang 54 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)