Đánh giá chính sách

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp mô hình hóa đánh giá tác động của chính sách giảm nghèo đến hộ gia đình người dân tộc thiểu số (Trang 29 - 32)

- Khái niệm

Chính sách giảm nghèo được nhà nước ban hành nhằm mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội Đánh giá chính sách có vai trò quan trọng, cung cấp thông tin về kết quả, hiệu quả, những tồn tại, hạn chế bất cập của một chính sách giảm nghèo để các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định, thực thi chính sách xem xét, điều chỉnh cho phù hợp

Để xem xét, đánh giá đúng kết quả của một chính sách là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhất là chính sách giảm nghèo có mục tiêu thực thi vì phúc lợi, công bằng xã hội Hiện nay có nhiều quan điểm, tiếp cận khác nhau về đánh giá chính sách Theo Nguyễn Đăng Thành (2012): “Đánh giá chính sách công là xem xét tổng thể các quyết định của nhà nước trong việc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó Đánh giá chính sách không chỉ xem xét về nội dung chính sách mà còn đánh giá cả về công tác quản lý, thực thi chính sách” Với quan niệm này, tác giả nhìn nhận đánh giá chính sách một cách tổng thể, theo chu trình của chính sách Đánh giá từ quá trình xây dựng, quản lý thực thi chính sách Tuy nhiên, tác giả chưa đề cập đến việc đánh giá tác động, hiệu quả của chính sách Cùng quan điểm tiếp cận về đánh giá tổ chức thực hiện chính sách, Đỗ Phú Hải, (2014) cho rằng: “Đánh giá chính sách công là các quy định, nguyên tắc, thông lệ mà một nhóm hoặc tổ chức sử dụng để thực hiện các quyết định và hành động liên quan đến đánh giá chính sách”

Nhìn ở góc độ đánh giá kết quả đầu ra, Nguyễn Thị Hoa (2009), cho rằng: “Đánh giá chính sách là so sánh kết quả đạt được với các mục tiêu và đầu ra dự kiến, xác định tính hợp lý, hiệu quả, kết quả và tác động bền vững của chính sách đến đối tượng” Cùng quan điểm này, tác giả Nguyễn Hữu Hải (2014) cho rằng: “Đánh giá chính chính sách công là việc xem xét trung thực kết quả đầu ra các hoạt động trong chu trình chính sách công, nhận định có hệ thống những tác động do việc thực hiện các giải pháp chính sách công mang lại và so sánh nó với mục tiêu ban đầu để xác định mức độ đạt được mục tiêu mong muốn về lượng và chất”

Như vậy có thể thấy đánh giá chính sách là một nội dung có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau Tùy thuộc vào mục đích của chủ thể đánh giá mà tiếp cận khái niệm đánh giá chính sách khác nhau Về tổng thể, đánh giá chính sách là xem xét toàn diện từ khâu lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức thực hiện và hiệu quả, tác động tạo ra từ chính sách

Trong khuôn khổ, phạm vi của Luận án, NCS tiếp cận khái niệm đánh giá chính sách của Nguyễn Thị Hoa và Nguyễn Hữu Hải, nhưng ở phạm vi hẹp hơn là đánh giá tác động sau khi chính sách thực hiện

- Phân loại đánh giá chính sách

Một chính sách khi được ban hành, hướng tới một đối tượng cụ thể nào đó, chủ thể ban hành chính sách cũng muốn biết được hiệu quả do chính sách đó tạo ra Cụ thể là chính sách giảm nghèo do Chính phủ ban hành khi thực hiện sẽ giúp được bao nhiêu hộ gia đình thoát nghèo? Chính sách có tạo ra những tác động tiêu cực nào không? Trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách có những nội dung nào chưa phù hợp, còn bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp? liệu rằng chi phí, nguồn lực bỏ ra để thực hiện chính sách có hiệu quả không, đúng đối tượng không, có bị thất thoát lãng phí không… đây là những câu hỏi đặt ra mà Chính phủ, các cơ quan quản lý cần phải biết để có quyết định cho phù hợp Và để trả lời những câu hỏi này, không có cách nào khác là phải tổ chức đánh giá chính sách

Trong thực tiễn tùy thuộc vào nhu cầu mong muốn biết thông tin của chủ thể mà có các hoạt động đánh giá khác nhau Ví dụ như muốn biết nội dung chính sách đó ban hành có phù hợp không, công tác quản lý có bất cập không thì cần phải tổ chức đánh giá và thu thập thông tin liên quan đến công tác xây dựng và tổ chức bộ máy, con người tham gia quản lý chính sách; hoặc muốn biết quá trình thực hiện chính sách (bộ máy, ngân sách thực thi, văn bản ban hành…) có gặp vướng mắc gì không thì sẽ thu thập thông tin liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách…

Như vậy sẽ có nhiều cách để phân loại đánh giá chính sách, theo Nguyễn Thị Hoa (2009), đánh giá chính sách giảm nghèo chia thành 3 loại gồm: (1) đánh giá quản lý thực hiện chính sách; (2) Đánh giá tổ chức thực hiện chính sách; (3) đánh giá tác động chính sách Với cách phân loại này, tác giả đã gắn việc đánh giá chính sách với từng công đoạn của chu trình chính sách công Tuy nhiên cũng có những đánh giá kết hợp một, hai, hoặc cả ba loại đánh giá trên Trong đó đánh giá quản lý thực hiện chính sách là xem xét tính phù hợp của chủ thể quản lý; các quyết định, chỉ đạo quản lý; xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện chính sách và công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách Còn đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, là xem xét đánh giá nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, cán bộ thực thi chính sách có phù hợp không, đảm bảo đủ năng lực không; nguồn lực thực hiện chính sách có kịp thời, đầy đủ không, giải ngân đúng đối tượng không…Đánh giá tác động của chính sách là xem xét chính sách đó có tác động như thế nào đến đối tượng thụ hưởng (gồm cả tác động tiêu cực và tích cực)

Đồng quan điểm với cách phân loại trên, tác giả Đỗ Phú Hải (2014) cũng chia đánh giá chính sách công thành ba loại: (1) Đánh giá tác động của chính sách Là quá trình xem xét những tác động cả tích cực, tiêu cực đến đối tượng chính sách và các đối tượng ảnh hưởng khác; (2) Đánh giá việc thực hiện chính sách Là đánh giá các giải pháp và công cụ chính sách có được thực hiện đầy đủ không? Các chủ thể tham gia chính sách như thế nào? Và nguồn lực thực hiện chính sách được thực hiện đến đâu; (3) Đánh giá quản lý thực hiện chính sách Là xem xét việc chủ thể tham gia chính sách như thế nào? Các quyết định thực hiện chính sách có đầy đủ không?

Một số nhà nghiên cứu trên thế giới cũng chia đánh giá chính sách thành 3 loại, gồm: Đánh giá nhu cầu; đánh giá quy trình và đánh giá tác động của chính sách Trong đó đánh giá tác động của chính sách là xem xét liệu chương trình, chính sách có tạo ra tác động như mong đợi đối với các cá nhân hay đối tượng mục tiêu, các hộ gia đình, các thể chế, các đối tượng thụ hưởng của Chương trình hay nhờ vào các yếu tố khác (Jean-Pierre Cling và cộng sự, 2008)

Tuy nhiên dưới góc nhìn của khoa học quản lý hành chính, tác giả Nguyễn Hữu Hải (2014) cho rằng: “Ở một góc độ chung nhất, các đánh giá chính sách công có thể được phân loại thành đánh giá chính trị, đánh giá hành chính và đánh giá tư pháp” Trong đó đánh giá hành chính, là xem xét các chính sách đang thực hiện có hoàn thành mục tiêu đề ra hay không và mức chi phí bỏ ra như thế nào, và gánh nặng có thể đặt lên vai của mỗi người dân như thế nào? Còn đánh gia tư pháp là xem xét những vấn đề bất cập, mâu thuẫn có thể của chính sách với các văn bản Hiến pháp, Luật có liên quan, hoặc các hành vi hành chính, các quyền cá nhân của con người tham gia vào chu trình chính sách… Tuy nhiên căn cứ vào nội dung đánh giá chính sách, tác giả cho rằng, tùy thuộc vào mục đích, yêu cầu của chủ thể mà có các loại hình đánh giá khác nhau Khái quát chung đánh giá chính sách chia thành 5 loại: (1) Đánh giá đầu vào của chính sách công; (2) đánh giá đầu ra của chính sách; (3) đánh giá hiệu lực thực hiện chinh sách; (4) đánh gia hiệu quả mang lại của chính sách; (5) đánh giá quá trình thực hiện chính sách

Như vậy, dù có phân loại như thế nào đi nữa, thì đánh giá chính sách đều hướng tới mục đích làm cho việc xây dựng và thực hiện chính sách được tốt hơn, chính sách phát huy được hiệu quả hơn, ít tốn kém chi phí hơn Đánh giá chính sách có nhiều cách để phân loại, tùy thuộc và chủ thể đánh giá và nhu cầu của cơ quan quản lý Trong đó đánh giá tác động chính sách được xem là phức tạp, khó thực hiện nhất nên nội dung này ít được thực hiện, mà chủ yếu tập trung vào loại hình đánh giá quản lý chính sách và tổ chức thực hiện chính sách (Nguyễn Đăng Thành, 2012)

Trong phạm vi, nội dung của Luận án, NCS tiếp cận phân loại đánh giá chính sách của Nguyễn Thị Hoa và Đỗ Phú Hải Theo đó đánh giá chính sách được chia thành 3 loại: (1) đánh giá quản lý thực hiện chính sách; (2) Đánh giá tổ chức thực hiện chính sách; (3) đánh giá tác động chính sách Trong đó đánh giá tác động của chính sách được luận án lựa chọn để nghiên cứu

Một phần của tài liệu Sử dụng phương pháp mô hình hóa đánh giá tác động của chính sách giảm nghèo đến hộ gia đình người dân tộc thiểu số (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(143 trang)
w